A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Triển vọng từ sản xuất cà phê chất lượng cao

08:36 | 11/01/2024

Là đơn vị liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao đầu tiên tại huyện Lắk, Hợp tác xã Thành Công (xã Đắk Phơi) đang mở ra hướng đi đầy triển vọng tại vùng chuyên canh cà phê của địa phương.

Mở "lối đi" riêng

Được thành lập năm 2020, gồm 28 thành viên, với diện tích đất canh tác trên 30 ha, vượt qua những khó khăn ban đầu, Hợp tác xã Thành Công (gọi tắt là HTX) đã không ngừng nỗ lực với “lối đi” của riêng mình, góp phần mang lại lợi ích cho xã viên và người dân địa phương.

HTX thành lập với mục đích tạo vùng nguyên liệu sạch, hướng dẫn người dân canh tác theo hướng an toàn. Do đó, các thành viên tham gia liên kết sẽ được hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong khâu trồng trọt. Đồng thời, HTX còn liên kết với các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để vừa hỗ trợ giá, vừa kiểm soát được lượng vật tư nông nghiệp mà người dân sử dụng trong quá trình canh tác.

Cùng với việc tạo ra vùng nguyên liệu sạch, năm 2021, HTX đã xây dựng cơ sở vật chất để nghiên cứu sản xuất cà phê chất lượng cao, từ đó thu mua và lựa cà phê chín 100% của các hộ liên kết để sản xuất theo quy trình chất lượng cao, gồm hai loại natural và honey.

à phê chất lượng cao được phơi trong nhà kính của Hợp tác xã Thành Công.

Ông Phạm Thế Thành, Phó Giám đốc HTX cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy thị trường hiện đang rất “khát” cà phê chất lượng cao. Trong khi đó, nếu hái cà phê xanh sẽ hao hụt từ 15 - 20% sản lượng, giá cũng thấp hơn 20.000 - 25.000 đồng/kg so với cà phê chín. Do đó, tôi muốn tìm hiểu, nghiên cứu, sản xuất loại cà phê này để dần thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao thu nhập cho bà con”.

Mới đây, ông Thành đã thí điểm thêm sản phẩm cà phê ủ mốc theo quy trình từ một cán bộ nông nghiệp tại Hà Nội chuyển giao lại. Theo đó, loại mốc này được nhập từ Nhật Bản về, ông sẽ dùng nguồn cà phê sạch, chín, xay để lại vỏ lụa, ủ mốc trong thời gian nhất định. Sau đó, đem phơi ở nhiệt độ thường trên giàn phơi để tạo ra thành phẩm. Sản phẩm cà phê ủ mốc này thành công, dự kiến sẽ bán ra thị trường với giá khoảng 300.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với cà phê thường.

Những hiệu quả bước đầu

Dự kiến niên vụ 2023 - 2024, HTX sẽ xuất bán được 7 tấn cà phê nhân chất lượng cao, với giá trên 90.000 đồng/kg. Hiện tại, rất nhiều cơ sở thu mua cà phê chất lượng cao tại tỉnh Lâm Đồng và TP. Buôn Ma Thuột đặt hàng với số lượng lớn nhưng HTX không đáp ứng đủ. Sau 4 năm, người dân liên kết sản xuất cà phê sạch chất lượng cao đã mang lại hiệu quả rõ rệt. 

Điển hình như gia đình ông Y Nghinh Cil (buôn Liêng Keh) có diện tích hơn 1 ha trồng cà phê xen sầu riêng. Trước đây, do chăm sóc chưa đúng cách nên vườn cà phê bị còi cọc, thường xuyên bị bệnh khiến mỗi năm ông chỉ thu được 2 tấn nhân. Sau khi tham gia HTX, ông được kỹ sư nông nghiệp đến “cầm tay chỉ việc” từ cắt tỉa cành, tưới nước… và tham quan các mô hình khác để cập nhật thêm kiến thức chăm sóc cây cà phê. Nhờ vậy, sản lượng cà phê nhân chất lượng cao của gia đình ông đạt gần 3 tấn/năm, bán với giá gần 90.000 đồng/kg, thu được trên 250 triệu đồng.

Cán bộ Hợp tác xã Thành Công hướng dẫn kỹ thuật canh tác cà phê an toàn cho thành viên.

Hay hộ ông Y Ngoan Buôn Đáp (buôn Pai Ar) cũng có hơn 1 ha cà phê, nhưng lâu nay thường hái xanh để bán nên năng suất, chất lượng không đảm bảo. Sau khi tham gia HTX, được tuyên truyền về lợi ích từ sản xuất cà phê chất lượng cao, ông đã bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất, hái cà phê chín đạt từ 80% trở lên để cung cấp cho HTX. Nhờ vậy, mùa vụ này, gia đình ông bán được hơn 3,5 tấn cà phê nhân, với giá 90.000 đồng/kg, thu được lợi nhuận cao hơn các mùa vụ trước gần 30%.

Từ hiệu quả của việc liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao, người dân tại địa phương đã bắt đầu quan tâm đến học hỏi và làm theo mô hình của HTX. Thông qua các cuộc họp HTX và những buổi vận động, tuyên truyền, bà con trong và ngoài vùng liên kết đã có sự đồng thuận cao.

Phó Giám đốc HTX Phạm Thế Thành chia sẻ thêm, khi người dân đồng tình sản xuất, HTX sẽ sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện nay, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang triển khai Dự án xây dựng thí điểm mô hình quản lý rừng cộng đồng và phát triển sinh kế dân tộc thiểu số Tây Nguyên tại địa phương. Dự án đã tiến hành nghiên cứu, đề xuất các hoạt động nhằm cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập từ hệ sinh thái rừng như: sản xuất nông lâm kết hợp, du lịch sinh thái…

Tuy nhiên, HTX đang đối diện với khó khăn bởi không có máy bắn màu nên tốn kém thời gian và chi phí thuê nhân công lựa quả, quy mô cơ sở sản xuất còn nhỏ. Bởi vậy, HTX rất mong được hỗ trợ vay vốn để trang bị máy móc, xây dựng sân phơi, mở rộng cơ sở sản xuất. Từ đó sẽ hỗ trợ cho xã viên và người dân địa phương hiệu quả hơn với mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao này.

Khánh Huyền

Bài viết gốc https://www.baodaklak.vn/kinh-te/202401/trien-vong-tu-san-xuat-ca-phe-chat-luong-cao-e6e1d8c/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ