Giống có vai trò đặc biệt quan trọng tới năng suất và chất lượng cây trồng, quyết định hiệu quả kinh tế. Đối với cây công nghiệp dài ngày như cà phê thì càng quan trọng, bởi việc đầu tư, chăm sóc mất 3 - 4 năm mới bắt đầu cho thu hoạch. Nếu người dân mua được giống tốt, có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng sẽ đem lại hiệu quả cao, còn mua phải giống kém chất lượng sẽ thiệt hại rất lớn về tiền bạc, thời gian.
Theo TS Phan Việt Hà, hiện nay, việc kinh doanh cây giống trên địa bàn Tây Nguyên quản lý chưa tốt. Ngoài những cơ sở có tính pháp lý cao như Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) hay những vườn ươm đã được đăng ký kinh doanh một cách chính thống thì còn rất nhiều vườn ươm chưa đăng ký kinh doanh. Những cơ sở này chỉ sản xuất cây giống rồi bán theo dạng tự do, điều này dẫn đến việc quản lý chất lượng giống rất khó khăn.
“Rất khó để xác định cây giống ở những cơ sở tự do, trôi nổi, chưa được đăng ký sản xuất kinh doanh có đúng giống hay không, cây giống được sản xuất ra theo đúng chất lượng hay không, ở đây tôi muốn nói chất lượng về sức khỏe của cây giống hay những mầm bệnh trong bầu đất, đó là những vấn đề sẽ ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng sau này”, TS Hà nói.
Hiện nay tại Tây Nguyên có rất nhiều cơ sở bán cây giống cà phê, nếu không kiểm soát tốt sẽ gây thiệt hại lâu dài cho người dân. Ảnh: MP.
Cũng theo TS Hà, việc sản xuất và kinh doanh cây giống hiện nay cần được siết chặt theo quy định của pháp luật. Bởi sản xuất và kinh doanh cây giống là ngành có điều kiện, do đó nên có những tiêu chuẩn, quy chuẩn về những vườn ươm hay cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống để có sự tham gia của tất cả những cấp có thẩm quyền.
“Hiện chúng ta chỉ có Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV của tỉnh có thể kiểm soát chất lượng cây giống. Khi chúng ta luật hóa rồi thì các cấp có thẩm quyền khác như công an, quản lý thị trường... đều có thể kiểm tra, kiểm soát, như vậy mới có thể kiểm soát vấn đề kinh doanh và sản xuất cây giống tốt hơn”, TS Hà nêu quan điểm.
Ngoài ra, TS Hà cũng khuyến cáo người dân trước khi trồng cây gì thì nên tìm hiểu kĩ về cây giống đó và những nguồn cung cấp cây giống đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật.
Người dân có thể tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống hay những cơ quan nghiên cứu, chuyển giao chính thống của nhà nước như các viện nghiên cứu, trung tâm khuyến nông, trường đại học, thậm chí chính quyền địa phương để xác định những địa chỉ, cơ sở sản xuất cây giống đạt yêu cầu.
Hiện năng suất cà phê của Việt Nam đã vượt xa cường quốc cà phê của thế giới là Brazil. Ảnh: Quang Yên.
"Chúng ta không nên phát triển bằng mọi giá khi mua cây giống ở những cơ sở không đảm bảo chất lượng và nên có thời gian để tiếp cận nguồn cây giống có chất lượng, bởi cây giống ảnh hưởng lâu dài đến năng suất, chất lượng cây trồng sau này", TS Hà khuyến cáo.
Theo thống kê, diện tích cà phê cả nước hiện nay hơn 700.000ha, trong đó Tây Nguyên chiếm hơn 95% diện tích. Hiện trên 80% diện tích cà phê ở Tây Nguyên sử dụng giống do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu và chọn tạo.
Những nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đóng góp rất lớn trong việc phát triển cây cà phê - cây trồng chủ lực quốc gia, hàng năm đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD. Đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao vị thế của ngành cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
“Cà phê Việt nam có đặc điểm năng suất cao, hiện năng suất bình quân cà phê Việt Nam đạt 3 tấn/ha, vượt xa cường quốc về cà phê là Brazil (năng suất bình quân hiện nay chỉ 2,4 tấn/ha đối với cà phê vối, còn cà phê chè của Brazil dưới 2 tấn/ha)", TS Phan Việt Hà cho biết. |
BÌNH LUẬN