A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phấn đấu đạt khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2015

15:48 | 02/01/2015

Năm 2014, ngành du lịch Việt Nam đã đón được 7,87 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 38,5 triệu lượt khách nội địa (tăng tương ứng 4,0% và 10% so với năm 2013), tổng thu từ khách du lịch đạt 230 ngàn tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013).

Đây là thông tin được Tổng cục Du lịch đưa ra trong cuộc họp báo ngày 30/12/2014, về tình hình hoạt động của ngành Du lịch năm 2014 và phương hướng hoạt động năm 2015; giới thiệu nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ.

Điều đáng chú ý là năm 2014 có tốc độ tăng trưởng về tổng thu từ khách du lịch cao hơn tốc độ tăng trưởng về lượng khách cho thấy vấn đề chất lượng đã được chú trọng và cải thiện một bước.

Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại buổi họp báo.
Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: HN

 

Năm 2014, bên cạnh những thuận lợi với việc kinh tế bắt đầu có tín hiệu phục hồi, du lịch nhận được sự quan tâm hơn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như của toàn xã hội, ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều biến cố tác động tiêu cực tới du lịch như dịch bệnh Ebola bùng phát ở Châu Phi, tai nạn hàng không liên tiếp xảy ra tạo tâm lý e ngại du lịch, bạo lực, xung đột đẫm máu xảy ra tại một số quốc gia... Đặc biệt là hệ quả của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, gây giảm sút đột ngột về lượng khách quốc tế từ các thị trường nói tiếng Hoa.

Tuy nhiên với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch và Bộ VHTTDL, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành liên quan đã giúp ngành Du lịch vượt qua khó khăn, duy trì được sự tăng trưởng trong bối cảnh đầy khó khăn thách thức đã tạo ra nhiều điểm sáng, ngày càng khẳng định vị thế của ngành Du lịch VN.

Năm Du lịch quốc gia 2014 - Tây Nguyên - Đà Lạt, với chuỗi hoạt động đặc sắc trong năm, đã thành công tốt đẹp, làm nổi bật lên hình ảnh vùng đất du lịch Tây Nguyên đến với du khách trong nước và quốc tế, mở ra cơ hội mới cho Tây Nguyên trong việc khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, nhằm sớm đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng.

Hoạt động quảng bá, xúc tiến từng bước được triển khai đồng bộ và chuyên nghiệp hơn. Chiến lược Marketing cùng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Việt Nam được xây dựng, phổ biến; nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá và gian hàng được tổ chức tại các hội chợ du lịch quốc tế lớn: Hội chợ Travex , JATA, ITB Asia, CITM, ITF, WTM, MITT, tổ chức Chương trình phát động thị trường du lịch tại Anh, Đài Loan, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản…

Có nhiều công ty lữ hành, khu nghỉ dưỡng, điểm đến du lịch của Việt Nam cũng được các tổ chức, báo chí quốc tế và khu vực ASEAN bình chọn, trao tặng các danh hiệu uy tín: Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn Việt Nam xếp vị trí thứ 3 trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2015; InterContinental Danang Sun Peninsula Resort tại Đà Nẵng đạt giải thưởng World Travel Awards với danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới”, Vietravel đạt 2 danh hiệu “Vietnam's Leading Tour Operator”,“Vietnam's Leading Travel Agency”.

Môi trường du lịch ở nhiều địa phương được cải thiện rõ rệt sau hơn một năm thực hiện chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch…

Quang cảnh buổi họp báo
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: HN

Bước sang năm 2015 được đánh giá chung tiếp tục còn nhiều khó khăn đối với kinh tế của nhiều quốc gia, khu vực, nguy cơ xung đột, căng thẳng chính trị ảnh hưởng tới du lịch của thế giới, khu vực và Việt Nam. Sự cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực sẽ càng gay gắt hơn. Những khó khăn, thách thức Du lịch Việt Nam gặp phải trong năm 2014 không thể nhanh chóng khắc phục.

Bên cạnh đó Việt Nam nằm trong khu vực năng động của du lịch thế giới, vị trí địa lý gần với nhiều thị trường nguồn du lịch quan trọng; có nhiều sản phẩm mới, có sức hấp dẫn cả về cảnh quan và văn hóa. Du lịch tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; Nghị quyết 92 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kì mới là cơ sở để ngành du lịch nhận được sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ của các cấp các ngành và của xã hội để nâng cao năng lực cạnh tranh; cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước.

Trên cơ sở đó, ngành Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu năm 2015, phấn đấu đạt khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 41 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 270 ngàn tỷ đồng. Tiếp tục tận dụng tốt cơ hội, vượt qua khó khăn thách thức, duy trì đà tăng trưởng; đa dạng hóa, mở rộng thị trường; đẩy mạnh liên kết; tiếp tục phát triển theo định hướng Chiến lược, chú trọng hiệu quả, tăng cường quản lý điểm đến, tập trung ở một số địa bàn trọng điểm. Cần chú trọng phát triển có trọng tâm, trọng điểm và theo chiều sâu, hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp liên quan đến du lịch. Việc triển khai các chương trình hành động đều phải hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu Du lịch Việt Nam “An toàn, thân thiện, chất lượng”. Việc thực hiện những nội dung trong các Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cần được đặc biệt coi trọng.

Hoài Nam

    Nguồn: tapchilangviet.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ