A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giá cà phê robusta thế giới tăng lên mức cao nhất 28 năm do lo ngại nguồn cung thiếu hụt

16:21 | 16/06/2023

Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy giá giá cà phê robusta thế giới trong tháng 5 đã tăng 5,9% so với tháng trước lên trung bình 122,5 US cent/pound - cao nhất kể từ tháng 8/1995.

Giá cà phê robusta cao nhất 28 năm

Trong tháng 5, giá cà phê thế giới được theo dõi và tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đã giảm nhẹ 1,7% so với tháng trước xuống mức trung bình 175,5 US cent/pound, tương ứng 170 - 179,2 US cent/pound.

Mặc dù vậy, giá cà phê vẫn ở vị thế vững chắc do được hỗ trợ bởi xuất khẩu suy giảm và sản lượng thấp hơn nhu cầu tiêu thụ trong hai niên vụ liên tiếp (niên vụ 2021-2022 và 2022-2023).

Giá trung bình của tất cả các nhóm cà phê đều giảm trong tháng 5, ngoại trừ robusta tăng 5,9% lên trung bình 122,5 US cent/pound. Đây là mức giá cao nhất của cà phê robusta trong 28 năm qua kể từ sau mức giá 130,2 US cent/pound đạt được vào tháng 8/1995. Trong tuần đầu tiên của tháng 6, giá cà phê robusta thậm chí đã leo lên mức hơn 134 US cent/pound.

Ngược lại, giá của nhóm cà phê arabica Colombia và arabica khác giảm lần lượt là 3,4% và 4,1%, xuống còn bình quân 226,9 - 220,1 US cent/pound. Giá cà phê arabica Brazil cũng giảm 4,3% và chỉ đạt 186,8 US cent/pound.

Diễn biến giá các nhóm cà phê từ năm 2021 - 2023

 (Nguồn: ICO) 

Trên sàn New York giá arabica tháng 5 giảm 2,2%, xuống còn 183,1 US cent/pound; trong khi giá robusta trên thị trường kỳ hạn London tăng 6,8% lên 112,6 US cent/pound. Chênh lệch giá giữa cà phê robusta và arabica trên hai sàn đã giảm 13,8% xuống còn 70,6 US cent/pound. 

Chênh lệch giá cà phê robusta và arabica đã thu hẹp đáng kể từ giữa năm 2022. Điều này bắt nguồn từ tốc độ tăng tương đối nhanh của cà phê robusta, trong khi arabica lại liên tục giảm trong quý IV/2022 và ở mức thấp vào đầu năm 2023.

Từ giữa tháng 4, giá cà phê robusta đã có sự tách biệt với các nhóm cà phê khác, giúp đẩy nhanh quá trình thu hẹp giá giữa cà phê robusta và arabica, hiện chênh lệch giá của hai loại cà phê này đang ở mức thấp nhất kể từ quý I và quý II/2021.

Khảo sát mới nhất cho thấy, tính đến ngày 10/6 giá cà phê robusta giao tháng 7 trên sàn New York đã chạm ngưỡng kỷ lục 2.728 USD/tấn, tăng 46% so với hồi đầu năm nay.

Giá cà phê arabica cũng tăng nhưng với biên độ thấp hơn, tăng khoảng 19 - 20% so với đầu năm, đạt 190,7 US cent/pound đối với kỳ hạn gần.

 Hoàng Hiệp tổng hợp

Nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung giảm

ICO cho rằng giá cà phê robusta đã được hưởng lợi từ những yếu tố cơ bản của thị trường, đặc biệt là từ phía cầu. Trong 12 tháng qua (tháng 3/2022 đến tháng 4/2023), xuất khẩu cà phê nhân robusta chỉ giảm 0,3% trong khi arabica giảm tới 6,8%.

Sự biến động trái chiều này đã phản ánh sự thay đổi trong cách pha, phối trộn cà phê hòa tan từ arabica sang robusta do chi phí sinh hoạt tăng cao.

Lạm phát tại hầu hết nền kinh tế thế giới đã tăng mạnh trong thời gian qua. Chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP) của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức trung bình 8,8% trong giai đoạn từ tháng 3/2022 đến tháng 4/2023 so với mức 4,4% của một năm trước (tháng 3/2021 đến tháng 4/2022), khiến giá hàng hóa trở lên đắt đỏ hơn.

Đi cùng với lạm phát là các đợt điều chỉnh tăng lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất cơ bản lên 5 - 5,25% vào tháng 5/2023 từ mức gần bằng 0 vào tháng 3/2022. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất cơ bản lên 3,75% vào tháng 5/2023 từ mức 0,5% vào tháng 7/2022, làm tăng chi tiêu của người tiêu dùng cho các khoản vay và thế chấp.

Kể từ giữa tháng 4, giá cà phê robusta còn được hỗ trợ mạnh từ phía cung, chủ yếu là do lo ngại về nguồn cung tại các quốc gia sản xuất hàng đầu là Việt Nam, Brazil và Indonesia.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2022-2023 sẽ giảm 6% so với niên vụ trước, xuống còn 29,7 triệu bao (60 kg/bao). Nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới sẽ có vụ thu hoạch thấp nhất trong 4 năm do chi phí sản xuất (nhân công, phân bón) cao hơn và người nông dân có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn như bơ, sầu riêng và chanh dây.     

Phải đến niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê Việt Nam mới có thể phục hồi 5% lên 31,3 triệu bao, theo đánh giá của USDA.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ USDA

Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) trước đó cũng ước tính sản lượng cà phê robusta của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 giảm 10 -15% so với niên vụ trước xuống còn khoảng 1,5 triệu tấn do ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi và làn sóng chuyển dịch cây trồng sang các loại cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, bơ và chanh leo.  

Với sản lượng giảm 10-15%, các nhà xuất khẩu lo ngại không có đủ cà phê để giao trong nửa cuối năm nay.  Vào giữa tháng 5, có thông tin cho rằng khoảng 90% sản lượng cà phê niên vụ hiện tại của Việt Nam đã được bán.  

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ VICOFA

Trong khi đó, nguồn cung từ Brazil, nhà sản xuất cà phê robusta lớn thứ hai, thấp hơn đáng kể với khối lượng xuất khẩu đạt 0,4 triệu bao trong 4 tháng đầu năm 2023 so với gần 0,5 triệu bao cùng kỳ năm 2022 và 1,24 triệu bao trước đó.

USDA dự báo sản lượng cà phê robusta của Brazil trong niên vụ 2023-2024 (tháng 7/2023 đến tháng 6/2024) chỉ đạt 21,7 triệu bao, giảm 5% so với niên vụ 2022-2023. Nguyên nhân là do năng suất giảm và điều kiện thời tiết xấu do lượng mưa thấp hơn trong giai đoạn đầu của chu kỳ cây trồng. 

Còn tại Indonesia, Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Indonesia (AEKI) dự kiến sản lượng cà phê của nước này sẽ giảm tới 20% trong năm 2023 so với vụ trước, xuống còn 9,6 triệu bao do thời tiết mưa nhiều tại các khu vực trồng trọt chính. Indonesia hiện là nhà sản xuất cà phê robusta lớn thứ ba thế giới.

Ngoài ra, hiện tượng thời tiết El Nino, dự kiến sẽ phát triển trên toàn cầu vào nửa cuối năm nay cũng gây rủi ro cho cà phê robusta nhiều hơn so với arabica. Hiện tượng thời tiết này sẽ làm gián đoạn mô hình mưa và nhiệt độ, có thể gây thắt chặt thêm nguồn cung và tăng giá cà phê robusta.

Các nhà phân tích và chuyên gia thời tiết cho biết, hai quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới là Việt Nam và Brazil có thể bị thiệt hại về năng suất nếu hiện tượng El Nino phát triển mạnh. 

Theo dự báo của ICO nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại.

Đáng chú ý, trong niên vụ 2022-2023 sản lượng cà phê arabica toàn cầu dự kiến tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao. Trong khi sản lượng robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao.

Tất cả những yếu tố kể trên khiến dự trữ cà phê robusta được chứng nhận trên sàn ICE London ngày càng tăng.

Tính đến cuối tháng 5, dự trữ cà phê robusta được chứng nhận trên sàn London là 1,4 triệu bao (loại 60 kg), tăng 5,9% so với tháng trước. Trái lại, dự trữ arabica trên sàn New York giảm 11,2% xuống còn 0,66 triệu bao.

Dự trữ cà phê trên hai sàn giao dịch New York và London đến tháng 5/2023

 (Nguồn: ICO) 

Hoàng Hiệp

Bài viết gốc: https://baodaknong.vn/gia-ca-phe-robusta-the-gioi-tang-len-muc-cao-nhat-28-nam-do-lo-ngai-nguon-cung-thieu-hut-152497.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ