A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Xuất khẩu cà phê cán mốc 2,4 tỷ USD, giá bán lập đỉnh mới

14:23 | 18/07/2023

Giá cà phê tăng cao đã giúp cho kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này cán mốc 2,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, con số cao nhất ghi nhận được kể từ trước đến nay.

Xuất khẩu cà phê cán mốc 2,4 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1 triệu tấn với kim ngạch thu về gần 2,4 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng nhưng tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu cao nhất ghi nhận được của ngành cà phê trong 6 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.

Lũy kế 9 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại 2022-2023, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt tổng cộng 1,44 triệu tấn (khoảng hơn 24 triệu bao), với kim ngạch 3,38 tỷ USD, tăng 2% về lượng và tăng 6,6% về kim ngạch so với cùng kỳ niên vụ trước.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng khá tích cực trong thời gian qua do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu thụ cà phê robusta có giá rẻ hơn so với cà phê arabia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát và lãi suất duy trì ở mức cao tại hầu hết nền kinh tế lớn.

Các nhà rang xay buộc phải đáp ứng theo xu hướng này và mua cà phê robusta nhiều hơn để phối trộn với cà phê arabica nhằm giảm giá sản phẩm cà phê xuống mức thấp có thể để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, nguồn cung cà phê toàn cầu được Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. ICO cho biết, sản lượng cà phê robusta dự kiến giảm 2,1% trong niên vụ hiện tại xuống còn 72,7 triệu bao, trong khi arabica tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao.

Chính điều này đã đẩy giá cà phê nội địa và xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp xô đổ các kỷ lục trong những tháng gần đây.

Trong tháng 6, giá xuất khẩu cà phê của nước ta đạt cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây với bình quân 2.682 USD/tấn, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng tới 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này cũng vượt xa mức đỉnh 2.591 USD/tấn đạt được vào tháng 10 năm ngoái.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm, giá cà phê xuất khẩu đạt bình quân 2.374 USD/tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Tại thị trường nội địa, giá cà phê robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên cũng chạm đỉnh 66.700 – 66.900 đồng/kg vào cuối tháng 6/2023, tăng vọt 65 - 67% (26.100 – 26.500 đồng/kg) so với hồi đầu năm.

Bước sang tháng 7 giá cà phê tuy có phần hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì ở mức cao là 65.100 – 65.300 đồng/kg tính đến ngày giao dịch 14/7.

Thông tin từ phía các doanh nghiệp, Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) cho biết giá cà phê hiện nay đang ở mức cao và đã phản ánh hết sự thiếu hụt hàng trong thời gian qua.

Các nước sản xuất robusta ở châu Á như Ấn Độ, Indonesia đều ghi nhận sản lượng giảm khoảng 20%. Còn ở Việt Nam thì gần như không còn hàng. Tuy nhiên, đã có hiện tượng một số nhà rang trên thế giới sử dụng arabica giá thấp hoặc robusta từ Brazil để thay thế, tránh dẫn tới việc tăng giá quá mức có thể chấp nhận được. 

Với các nhà rang xay trong nước, ở mức giá hiện tại họ không thể tồn tại nên ít người mua. Một số ít nhà rang xay cần hàng phục vụ cho nhu cầu cuối năm nên chấp nhận mua, do đó, đôi lúc giá sẽ bị đẩy lên một chút nhưng sẽ không kéo dài. Tuy nhiên, dù giá liên tục đẩy lên nhưng người dân cũng không còn hàng.

“Do đó, trong thời gian tới, giá sẽ không còn tăng quá sốc như giai đoạn trước”, ông Huy nhận định.

Trên thị trường thế giới, sau khi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm giá cà phê đang chịu áp lực từ vụ thu hoạch đang diễn ra tại Brazil và các báo cáo gần đây cho thấy điều kiện thời tiết thuận lợi đang hỗ trợ cho vụ thu hoạch hiện tại.  

Trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê robusta kỳ hạn gần đã tăng hơn 50% lên mức 2.833 USD/tấn vào ngày 20/6, nhưng sau đó giảm xuống còn 2.534 USD/tấn vào thời điểm hiện tại. 

Giá cà phê arabica trên sàn ICE US – New York cũng giảm trong thời gian gần đây và hiện chỉ còn 157 US cent/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022. 

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp 

 

Nhu cầu từ thị trường Mỹ, Nga… bù đắp cho sự sụt giảm tại EU

6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu cà phê tới 38 thị trường trên thế giới. Trong đó, lượng cà phê xuất khẩu sang EU, Anh, Philippin… giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng bù lại các thị trường như Mỹ, Nga, Algeria, Indonesia, Mexico, Hàn Quốc… lại tăng mạnh.

Cụ thể, EU vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta trong 6 tháng qua với khối lượng đạt 385.895 tấn, trị giá 872,9 triệu USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 6,6% về trị giá. Thị trường này chiếm 38,3% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của cả nước.

Trong khối EU, lượng cà phê xuất khẩu tới Đức giảm 5,5%, Tây Ban Nha giảm 26,6%, Bỉ giảm 52,5%. Tuy nhiên, một số thị trường khác tăng trưởng cao như: Italy (+20,5%), Hà Lan (+21,8%), Pháp (+28,3%)…

Ngược lại, lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai là Mỹ tăng tới 26,3% so với cùng kỳ lên mức 77.726 tấn, chiếm 7,7% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của cả nước.

Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng tăng trưởng cao từ hai đến ba con số như: Nga tăng 19,7%; Algeria tăng 100,8%; Indonesia tăng 194,2%; Mexico tăng 77,3%; Hàn Quốc tăng 16,6%...

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Nguồn cung đã cạn, xuất khẩu cà phê sẽ chậm lại?

Mặc dù nhận được nhiều kỳ vọng nhưng xuất khẩu cà phê trong quý III nhiều khả năng sẽ chậm lại do nguồn cung đã cạn.

9 tháng đầu niên vụ hiện tại Việt Nam đã xuất khẩu 1,44 triệu tấn cà phê, trong khi sản lượng cà phê trong niên vụ 2022 - 2023 theo ước tính của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) giảm 10 - 15% so với niên vụ trước xuống còn 1,5 - 1,6 triệu tấn.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco DakLak, dự báo lượng hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm có thể giảm khoảng 50% so với cùng kỳ do lượng tồn kho dần cạn, chủ yếu nằm trong tay các nhà xuất khẩu FDI. 

Theo ông, về lâu dài để Việt Nam vẫn giữ vị thế là một cường quốc cà phê thì sản lượng cần duy trì ở mức 1,8 triệu tấn. Trong 3 năm qua, diện tích cà phê liên tục bị thu hẹp do bị thay thế bởi các loại cây ăn trái khác. Cộng thêm tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu khiến cây cà phê bị mất mùa, sản lượng càng giảm hơn. 

“Nếu không khắc phục tình trạng này, tương lai ngành cà phê Việt Nam sẽ bị mất khách vì không có hàng để bán”, ông Huy nói thêm. 

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 tăng 1,6 triệu bao (5%) lên 31,3 triệu bao do thời tiết thuận lợi. Diện tích sản xuất dự kiến không thay đổi với gần 95% tổng sản lượng vẫn là cà phê robusta.

Lượng mưa dự báo cao hơn 10-20% so với mức trung bình, hỗ trợ tưới tiêu cũng như sự phát triển của cây cà phê. Người dân cũng từng bước trồng lại cây cà phê để nâng cao sản lượng.

Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam dự kiến giảm 1,5 triệu bao xuống 24,5 triệu bao dựa trên lượng tồn kho đầu vụ ở mức thấp và các quy định nhập khẩu chặt chẽ hơn của Liên minh Châu Âu.

USDA dự báo tồn kho cuối vụ 2023-2024 của Việt Nam sẽ tăng 1 triệu bao so với vụ trước lên mức 2,7 triệu bao.

Hoàng Hiệp

Bài viết gốc: https://baodaknong.vn/xuat-khau-ca-phe-can-moc-2-4-ty-usd-gia-ban-lap-dinh-moi-155833.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ