A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sao bộ cứ “ôm” thi cử?

09:39 | 31/10/2015

Dư âm của hội thảo lấy ý kiến về thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam vừa tổ chức vẫn đọng lại nhiều điều trăn trở, ...

... đặc biệt nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) không nên cứ mãi “ôm” phần thi tốt nghiệp THPT.

GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho rằng về thi và tuyển sinh năm 2016, bộ nên tách phần thi và phần tuyển. Riêng thi tốt nghiệp THPT, GS Thiệp đề nghị bộ nên giao cho các sở GD-ĐT. Trong khi đó, PGS Văn Như Cương cho rằng đánh giá kỳ thi THPT quốc gia vừa qua cả 3 mặt: giảm căng thẳng, giảm tài chính, chọn đúng năng lực thí sinh đều chưa đạt được. Nguyên nhân do bộ giao việc không đúng và chủ yếu bộ “ôm” công việc đáng lẽ nên giao và tin tưởng người được giao.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cũng đề xuất giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các sở GD-ĐT, thậm chí có thể tổ chức nhiều lần trong năm để học sinh có cơ hội tốt nghiệp.

Trong khi đó, nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, kiến nghị năm 2016 không nhất thiết phải có gần 100 cụm thi như năm 2015. Bộ GD-ĐT nên giao cho các sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. “Các sở nên tổ chức các cụm thi liên huyện để học sinh đỡ phải di chuyển. Bộ vẫn thiết kế đề thi. Đề nghị dứt khoát chuyển một kỳ thi cho các sở” - GS Trần Hồng Quân quyết liệt đề nghị.

Cũng liên quan đến một kỳ thi, ông Bùi Quang Thái, Phó trưởng Phòng Thi và Quản lý chất lượng Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết năm 2015 với hình thức chia cụm, số lượng thí sinh dồn về Hà Nội dự thi đã giảm rất nhiều. Nhưng để kỳ thi năm 2016 tốt hơn, ông Thái đề nghị bộ cần yêu cầu các sở GD-ĐT tổ chức thăm dò ý kiến, nguyện vọng của học sinh để làm cơ sở dữ liệu cho các trường được giao nhiệm vụ tổ chức thi có căn cứ nhằm chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực. Bên cạnh đó, vấn đề hạ tầng công nghệ thông tin cũng cần phải được chuẩn bị tốt hơn. “Năm 2015, thí sinh chưa đăng ký thay đổi nguyện vọng qua internet là do chúng ta chuẩn bị chưa tốt. Thí sinh và dư luận chưa tin tưởng vào hệ thống công nghệ thông tin của bộ cũng như của các trường” - ông Thái chia sẻ.

Từ kiến nghị của các chuyên gia, Bộ GD-ĐT nên nghiêm túc nhìn nhận lại hiệu quả của việc “ôm” thi cử, cụ thể là kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã gây phiền hà như thế nào và nhanh chóng giao quyền thi cử về cho địa phương và các trường để việc “tự chủ tuyển sinh” không mãi là khẩu hiệu.

Yến Anh

 

    Nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ