A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Báo động tình trạng học sinh bỏ học ở huyện Lắk

13:49 | 28/10/2015

Năm học 2015-2016 đã trôi qua gần 2 tháng nhưng đến nay trên địa bàn huyện Lắk vẫn còn tới 258 học sinh “không chịu” tới trường...

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lắk, trong năm học 2015-2016 toàn huyện có 43 trường học từ bậc học Mầm non đến Trung học cơ sở (THCS) với 14.815 học sinh (HS) trong đó HS dân tộc thiểu số (DTTS) có 10.268 em. Mặc dù ngành Giáo dục huyện đã rất nỗ lực cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện để các em HS trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tình trạng HS bỏ học trên địa bàn huyện đang là vấn đề đáng báo động. Theo ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lắk, tính từ đầu năm học đến nay, toàn huyện có tới 258 HS từ bậc mầm non đến THCS bỏ học, trong đó tập trung nhiều ở bậc học THCS và số lượng HS bỏ học chủ yếu là con em người DTTS. Một số trường có nhiều HS bỏ học như: Trường Tiểu học Trần Phú (xã Bông Krang): 21 em; THCS Lê Lợi (xã Đắk Phơi): 40 em; THCS Trần Hưng Đạo (xã Krông Nô): 30 em… Theo ông Thịnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc HS bỏ học như: đi lao động ở các tỉnh phía Nam; học lực yếu nên ở nhà phụ giúp gia đình lao động, sản xuất; hoàn cảnh gia đình khó khăn; bị lưu ban nên chán nản, ngại đi học…

Học sinh Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (xã Đắk Phơi) giờ tan trường.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (xã Đắk Phơi) giờ tan trường.

Trường THCS Chu Văn An (xã Yang Tao) là một trong những trường có số lượng HS bỏ học nhiều nhất huyện. Thầy Đậu Đức Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn trường hiện có 408 HS, trong đó học sinh là người DTTS chiếm 97,5%. Sau kỳ nghỉ hè vừa qua, nhà trường có đến 46 em HS bỏ học và 7 em sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học thì “không chịu” đi học tiếp. Ngoài những nguyên nhân chung như các nơi khác thì trường có một số HS lớn tuổi nên “ngại”, bỏ học luôn. Thậm chí khi được vận động tới lớp, các em còn đưa ra “yêu cầu” là không được để các em lưu ban thì mới chịu tới trường(!?). Một nguyên nhân nữa khiến HS bỏ học nhiều là do một bộ phận cha mẹ học sinh, nhất là người DTTS phải lo lắng việc mưu sinh, thường xuyên đi làm xa nên không có thời gian quan tâm, chăm lo đến việc học của con em mình, mọi chuyện học hành của con cái đều phó mặc cho nhà trường. Còn cô Đỗ Thị Hạnh, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Bông Krang) thì cho hay: “Năm học này, nhà trường có tới 23 HS bỏ học. Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp cùng với chính quyền địa phương đến tận nhà HS để vận động các em trở lại lớp, nhưng chỉ nhận được câu trả lời là “không thích đi học” (!).

Trao đổi với chúng tôi, ông Y Rin H’long, Phó Chủ tịch UBND xã Bông Krang cho biết, nhiều bậc phụ huynh có suy nghĩ “có đi học thì sau này cũng không có việc làm” nên không động viên con em họ trong chuyện học hành. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần mời phụ huynh các HS bỏ học đến UBND xã để cùng nhau phối hợp, tìm cách đưa các em trở lại trường nhưng gia đình các em cũng chẳng đến. Không những vậy, họ còn “tạo điều kiện” con em mình “trốn” đi làm công nhân ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… mà không chịu đăng ký tạm trú, tạm vắng với chính quyền.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An trong một giờ học tập thể dục.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An trong một giờ học tập thể dục.

Nhằm hạn chế tình trạng HS bỏ học, huyện Lắk đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể với mong muốn đưa HS quay trở lại trường. Ông Nguyễn Ngọc Thịnh trăn trở: Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo cho các trường học tăng cường dạy phụ đạo cho HS; đẩy mạnh các hoạt động ngoài giờ; tổ chức tốt các hoạt động xã hội để HS gắn bó với trường lớp; phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên nhà trường, hội cha mẹ HS nhằm nâng cao nhận thức của gia đình và HS về tầm quan trọng và giá trị của việc học... Tuy nhiên, những giải pháp tích cực này xem ra vẫn chưa thể “níu chân” các em đến trường.

Trước thực trạng đáng báo động trên, thiết nghĩ chính quyền địa phương và ngành giáo dục cần phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa để vận động, đưa HS trong độ tuổi đến trường. Trước mắt, các trường cần tăng cường cử giáo viên biết tiếng đồng bào DTTS, là người địa phương đến các gia đình, tuyên truyền vận động cha mẹ HS tạo điều kiện cho trẻ đi học. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phối hợp rà soát các hộ gia đình thuộc diện khó khăn, diện nghèo theo quy định của Nhà nước để kịp thời hỗ trợ, động viên; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức chính trị  xã hội, cá nhân quan tâm hơn nữa tới giáo dục, không nên “phó mặc” trách nhiệm cho nhà trường và các thầy cô giáo...

Duy Tiến

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ