A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Điểm sáng về xã hội hóa giáo dục ở vùng sâu Krông Bông

15:08 | 09/11/2015

Nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông, Trường Mẫu giáo Cư Pui, xã Cư Pui có 16 lớp ở 14 điểm trường với 516 học sinh (học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 83%).

Những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, cơ sở vật chất nhà trường đã đáp ứng được nhu cầu cho dạy học và đang từng bước kiên cố hóa.

Trước đây, cơ sở vật chất của Trường Mẫu giáo Cư Pui chỉ có mấy phòng học tạm, còn chủ yếu là phòng học mượn, học nhờ. Từ năm 2012 đến nay, từ nguồn vốn các dự án, đóng góp của phụ huynh, các tổ chức từ thiện, kinh phí trích từ quỹ hoạt động, trường đã xây dựng được 6 phòng học cấp 4 và 5 phòng tạm, 1 nhà hiệu bộ; làm được 729 m2 sân bê tông; xây dựng 4 nhà vệ sinh, tường rào, cổng trường, mua sắm thiết bị dạy học với tổng kinh phí lên đến hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 700 triệu đồng và hàng nghìn ngày công để làm phòng học tạm, xây bếp ăn bán trú, sân bê tông, hàng rào, mua bàn ghế, đồ chơi... Đặc biệt, năm học 2015-2016, phụ huynh điểm trường Ea Uôl đã đóng góp 300 triệu đồng mua 3.000 m2 đất để xây dựng phòng học. Bên cạnh đó, cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk hỗ trợ 100 triệu đồng cùng với địa phương làm sân bê tông, tường rào, nhà vệ sinh cho điểm trường buôn Đắk Tuôr; 2 tổ chức từ thiện xây tặng một phòng học cấp 4 và một phòng học tạm trị giá gần 100 triệu đồng; nhiều nhóm từ thiện giúp đỡ làm sân chơi ngoài trời cho 5 điểm trường, tặng quần áo, học bổng, đồ dùng học tập trị giá hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, địa phương còn vận động người dân hiến hàng trăm mét vuông đất để dựng phòng học ở các điểm trường.

Một phòng học khang trang tại điểm trường Ea Uôl của Trường Mẫu giáo Cư Pui.

Một phòng học khang trang tại điểm trường Ea Uôl của Trường Mẫu giáo Cư Pui.

Cơ sở vật chất điểm chính của trường trước đây chỉ có 3 phòng học xuống cấp, được Trường Tiểu học Cư Pui 1 bàn giao lại. Địa phương đã sử dụng nguồn vốn từ Dự án Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH) để xây dựng thêm tại đây một nhà hiệu bộ, cổng trường, tường rào trị giá hơn 2 tỷ đồng; phụ huynh tự nguyện đóng góp hơn 100 triệu đồng, địa phương hỗ trợ hơn 50 triệu đồng và huy động hàng trăm ngày công để nâng cấp, sửa chữa 3 phòng học, xây bếp ăn tập thể, làm 600 m2 sân bê tông, 1 sân chơi có mái che. Nhà trường còn trích từ kinh phí chi thường xuyên mua 4 màn hình tivi nối mạng, amply, loa để phục vụ giảng dạy cho 3 lớp học bán trú với 120 cháu.

Năm học 2015-2016 này, Trường Mẫu giáo Cư Pui tiếp tục được địa phương đầu tư hơn 4 tỷ đồng từ nguồn vốn dự án để xây dựng phòng học, phòng làm việc, công trình vệ sinh ở điểm trường Ea Uôl. Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đầu năm học này, địa phương triển khai xây dựng thêm 4 phòng học, phòng y tế, bếp ăn tập thể, nhà vệ sinh… trị giá hơn 4 tỷ đồng từ nguồn vốn dự án quy hoạch ổn định dân di cư ngoài kế hoạch để xóa phòng học tạm ở điểm trường Ea Uôl. Những năm qua, cơ sở vật chất được bảo đảm nên chất lượng dạy và học của cô trò được nâng lên rõ rệt, không còn học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh chuyên cần cũng tăng lên”.

Có thể nói, trong những năm qua, mặc dù là xã đặc biệt khó khăn, dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 30% song công tác xã hội hóa giáo dục ở xã Cư Pui đã được quan tâm đúng mức và phát huy hiệu quả rõ rệt. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui chia sẻ: “Mặc dù địa phương hiện nay còn nhiều hạng mục rất cần vốn để đầu tư nhưng cấp ủy, chính quyền xã đã quyết định: tranh thủ nguồn vốn của các dự án và huy động mọi nguồn lực sẵn có ở địa phương để xây dựng cơ sở vật chất cho các trường nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, phục vụ cho dạy và học, không phải học ca 3”.

 Tùng Lâm

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ