A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Trường ĐHTN buộc thôi học, cảnh báo hơn 1.000 sinh viên: Siết chặt chất lượng đào tạo

15:05 | 10/11/2015

Mới đây, Trường Đại học Tây Nguyên đã thông báo buộc thôi học và cảnh báo kết quả học tập học kỳ II năm học 2014-2015 đối với 1.041 sinh viên (SV). Số lượng SV bị buộc thôi học khiến không ít người “giật mình”.

Sinh viên không nắm vững Quy chế

Trên cơ sở xét kết quả học tập học kỳ II năm học 2014-2015 của SV, nhà trường buộc thôi học 415 SV và cảnh báo kết quả học tập học 627 SV. Trong đó, Khoa Nông lâm nghiệp có 311 SV, Kinh tế 303 SV, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 212 SV, Sư phạm 80 SV, Chăn nuôi - Thú y 46 SV, Y Dược 39 SV, Lý luận chính trị 27 SV, Ngoại ngữ 23 SV. Các em bị buộc thôi học là do tự ý bỏ học hoặc không đủ điểm trung bình chung tích lũy của năm học theo quy định. Theo Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng nhà  trường, nguyên nhân buộc thôi học có nhiều, nhưng trước hết là do SV chưa nắm kỹ Quy định số 43, ngày 15-8-2007 Ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (Quy chế số 43) của Bộ GD-ĐT. Ưu điểm lớn nhất của Quy chế 43 là SV chủ động lên kế hoạch học tập. Căn cứ vào thông báo lịch trình học dự kiến từng học kỳ của nhà trường, SV sẽ đăng ký các học phần bắt buộc và tự chọn tùy theo năng lực, điều kiện của bản thân. Trao cho SV quyền quyết định rút ngắn hoặc kéo dài thời gian hoàn thành chương trình đào tạo, nhưng phải đủ số điểm trung bình chung tích lũy theo từng năm học. Cụ thể SV năm thứ nhất phải đạt điểm trung bình tích lũy chung là 1,20 (điểm chữ); năm thứ hai là 1,40; năm thứ ba là 1,60 và 1,80 đối với SV những năm tiếp theo và cuối khóa. Vào cuối mỗi học kỳ, nhà trường sẽ thông báo nhắc nhở đối với những SV không đạt điểm trung bình chung tích lũy. Sau 2 lần nhắc nhở, nếu các em không cải thiện điểm số trường buộc thôi học. Chính vì không nắm rõ quy định này, nên có nhiều SV dù không thi lại môn học nào trong năm học nhưng vẫn buộc thôi học do không đạt điểm trung bình chung tích lũy. Vì vậy, SV không được bằng lòng với kết quả học tập đã đạt được mà luôn nỗ lực, cố gắng nâng cao kết quả học tập.

Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên trong giờ thực hành.

Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên trong giờ thực hành.

Không được bằng lòng với bản thân!

Nhà trường rất trăn trở khi buộc SV thôi học bởi sự “rẽ ngang” của các em khi chưa hoàn thành chương trình đào tạo chắc chắn rất khó xin được việc làm, còn nếu thi lại vào một trường đại học, cao đẳng khả năng đỗ rất khó. Quy chế 43 không quy định việc cảnh báo kết quả học tập, nhưng nhà trường linh động cảnh báo rất sớm (và cảnh báo 2 lần) để SV có sự điều chỉnh kế hoạch học tập. Điều này nhằm tạo cơ hội để các em gắn bó với trường, hoàn thành chương trình đào tạo, nhưng rõ ràng các em đã không nỗ lực, cố gắng. Một cán bộ Phòng Đào tạo của trường cho biết: “Cải thiện điểm số không khó. Thay vì đăng ký 6 học phần mới, SV nên đăng ký 2-3 học phần để tập trung thời gian học đạt điểm số cao. Đối với những học phần đạt điểm D (theo Quy chế 43, điểm học phần làm tròn đến một chữ số thập phân, sau đó được chuyển thành điểm chữ, cụ thể A (8,5-10)-giỏi, B (7,0-8,4)-khá, C (5,5-6,9)-trung bình, D (4,0-5,4)-trung bình yếu, F (dưới 4,0)-kém), SV được quyền đăng ký học lại hoặc học đổi sang học phần khác để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy. Một khi đạt điểm trung bình chung năm học theo quy định đương nhiên các em được tiếp tục học”. Việc buộc thôi học đối với những SV không đủ điểm tích lũy trung bình chung là để nâng cao chất lượng đào tạo. Từ năm học 2009 - năm đầu tiên thực hiện đào tạo theo tín chỉ trường buộc thôi học 500 SV do không đủ điểm trung bình chung tích lũy. Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui khẳng định: “Tuyển sinh đầu vào đại học có thể “hơi dễ” nhưng trong quá trình đào tạo sẽ sàng lọc, như vậy mới có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Không có tình trạng hễ đã vào được trường thì sẽ tốt nghiệp và có bằng cử nhân”.

Bên cạnh lý do SV không nắm vững Quy chế đào tạo, việc nhiều SV buộc thôi học nhà trường thẳng thắn nhìn nhận một phần trách nhiệm thuộc về mình. Đó là chưa tuyên truyền, phổ biến sâu đậm để giúp các em SV nắm vững Quy chế 43, mặc dù vào đầu năm học, trường đều in và phát cho SV một cuốn sổ tay quy chế học vụ (Quy chế 43), từng Khoa tổ chức phổ biến nội quy, quy chế cho SV; mỗi lớp có 1 giáo viên phụ trách (cố vấn học tập) chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các em xây dựng kế hoạch học tập phù hợp. Năm học 2015-2016, trường yêu cầu đội ngũ cố vấn học tập bám sát lớp được phân công, mỗi tháng sinh hoạt với lớp một lần (có văn bản gửi về khoa, Ban Giám hiệu nhà trường) để kịp thời tư vấn, hướng dẫn cho SV xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với khả năng và điều kiện học tập của bản thân. Về phía SV, cần nắm vững Quy chế 43 từ đó xác định động cơ, thái độ, ý thức học để nâng cao năng lực học tập qua mỗi học kỳ, mỗi năm học, chấm dứt suy nghĩ học tập theo kiểu “trung bình chủ nghĩa” như hình thức đào tạo theo niên chế, mỗi môn học chỉ cần thi đạt 5 điểm là đậu. Phụ huynh cũng thường xuyên theo dõi cảnh báo kết quả học tập đăng trên website của trường sau mỗi học kỳ để nhắc nhở con em mình tránh sao nhãng việc học tập.

 Nguyên Hoa

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ