A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bậc THPT: Phải nghiêm khắc trong phân luồng

15:17 | 18/03/2016

Trong khi Việt Nam đã và đang xây dựng những trường nghề chất lượng cao, thì tâm lý chung của xã hội vẫn phải vào được đại học chứ không chọn trường nghề.

Vì sao lại có nghịch lý này? Ông Cao Văn Sâm- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH) chia sẻ: “Đó là hậu quả của việc chất lượng đào tạo của các trường nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội”.

PV: Thưa ông, chúng ta đã xây dựng được hơn 40 trường nghề chất lượng cao, hợp tác với nhiều tổ chức trên thế giới để xây dựng các bộ công cụ về đảm bảo chất lượng các trường nghề… Tuy nhiên, nhu cầu của xã hội vào trường nghề vẫn chưa thực sự cao, do còn nặng tâm lý phải vào được ĐH hay vì lý do gì khác?

Ông Cao Văn Sâm: Tôi cho rằng, chúng ta có bộ công cụ tương đối toàn diện, nhưng rõ ràng về mặt bản chất vẫn chưa thực sự thiết thực trong việc phân luồng người học. Suy đến cùng việc phân luồng người học phải căn cứ cùng thực tiễn trong sản xuất và trong thị trường lao động, đáp ứng giữa cung và cầu. Thí sinh chưa hào hứng đăng ký vào trường nghề là hậu qủa của việc chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Vậy theo ông, cần phải có những giải pháp gì cho các trường nghề hiện nay?

- Theo tôi cần có giải pháp rất căn bản. Đó là chúng ta phải có hạng ngạch các trình độ khác nhau phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động. Khi có hạng ngạch thì phân luồng lao động hiện hữu hơn. Còn nếu khi chưa có thì rõ ràng mạnh ai người ấy học, không đáp ứng quy luật khách quan, đáp ứng thực tiễn.

Hầu hết các nước phát triển tỷ lệ vào ĐH của họ là 20%, tỷ lệ học nghề 80% sau khi đã tốt nghiệp THCS hoặc THPT. Để nói rằng làm một bài toán, chúng ta cần đảo ngược tình thế trong đào tạo nguồn nhân lực hiện nay thì mới đáp ứng được, tránh hiện tượng ảo chạy theo bằng cấp.

Giải pháp thứ hai mà chúng ta đã làm nay phải làm mạnh hơn là yêu cầu khi tham gia vào thị trường lao động, ở những nghề nhất định phải có kỹ năng nghề thì mới được tham gia vào thị trường lao động. Khuyến khích người lao động có tay nghề để có khả năng năng suất lao động cao.

Cái thứ ba, tôi cho rằng việc phân luồng ngay trong hệ thống THPT phải làm nghiêm khắc. Ví dụ các em học sinh tốt nghiệp THCS, có một số em lên THPT hiện nay có hiện tượng chúng ta không phân luồng vào học nghề mà lại vào học các trường dân lập tư thục, như thế cũng vô nghĩa trong việc phân luồng. Khi mà chúng ta phân luồng tốt cộng với hạng ngạch như trên tôi nói thì các em sẽ đi vào học nghề. Các em vào học nghề thì cũng có rất nhiều cơ hội, điều kiện vì thời gian học ngắn, trang bị kiến thức kỹ năng nghề ngay, ra có thể làm được nghề ngay. Chi phí cũng thấp, mà nhu cầu làm việc lại rất lớn.

Hiện nay chúng ta đi bất cứ xí nghiệp nào trong các khu công nghiệp đều thấy tỷ lệ lao động trực tiếp chiếm 95%, gián tiếp chỉ 5%. Rõ ràng phải căn cứ vào cầu thực tiễn này để đào tạo cung, đáp ứng được yêu cầu sẽ tránh được lãng phí, và hiệu quả trong việc phân luồng rõ hơn.

Để sinh viên trường nghề có thể có tay nghề tốt, cũng như ra trường có thể kiếm được việc làm ngay thì việc liên kết với doanh nghiệp là rất cần thiết. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có những trường nghề liên kết với doanh nghiệp chưa cao?

- Những trường mà không theo đuổi, kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo, thực ra là những trường chúng tôi đánh giá thấp, các em học sinh cũng đánh giá thấp. Vì suy cho cùng học nghề người ta chỉ cần 3 thứ, kiến thức nghề, kỹ năng nghề (để có kỹ năng nghề không có cách nào khác là gắn kết với các doanh nghiệp), các em được trang bị thái độ, trách nhiệm của mình trong công việc. Nếu các em làm được như thế thì tất nhiên doanh nghiệp nào cũng sẽ cần. 

Hiện nay về gắn kết, không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng có 3 hình thức gắn kết cơ bản. Họ có thể gắn kết toàn phần theo mô hình kép dưới dạng kết hợp cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp trong đào tạo nghề. Thứ hai họ có thể liên kết với nhau trong việc đào tạo một phần học kiến thức cơ bản trong cơ sở dạy nghề, rèn luyện kỹ năng trong doanh nghiệp và nâng cao kỹ năng trong doanh nghiệp. Và thứ ba, họ cũng có thể đào tạo tại cơ sở dạy nghề ấy, nhưng họ mời doanh nghiệp về tham gia. Chúng tôi cho rằng mô hình này phù hợp với đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ không có điều kiện hướng dẫn các em trong quá trình thực tập.

Theo đánh giá của ông, hiện có bao nhiêu phần trăm cơ sở đào tạo nghề đã làm tốt việc này?

- Tôi cho rằng đào tạo nguồn nhân lực có nghĩa cung cấp dịch vụ nhân lực cho doanh nghiệp và thị trường lao động. Thị trường phân hoá các cơ sở lao động cũng là việc bình thường. Cơ sở dạy nghề nào có tín nhiệm, có thương hiệu thì sẽ nhiều người vào học. Còn cơ sở nào không có tín nhiệm thương hiệu thì đương nhiên người học không vào học, thậm chí đóng cửa. Đó là chuyện tôi cho rất bình thường bình đẳng trong thị trường lao động.

Trong giai đoạn hiện nay, những trường đang tuyển sinh tốt là những trường gắn kết tốt với doanh nghiệp. Tôi dám khẳng định như vậy. Vì chỉ có gắn kết được với doanh nghiệp thì mới nâng cao được chất lượng. Tỷ lệ đó, theo đánh giá thì khoảng 70%.

 Xin cảm ơn ông!

    Phương Linh (thực hiện)

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ