A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dạy thật, học thật, làm việc thật

15:28 | 06/09/2016

Trong buổi họp báo về ngày khai giảng năm học mới 2016-2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đưa ra thông điệp đối với học sinh: Đừng quá căng thẳng vì thi và điểm.

Ông cũng thẳng thắn thừa nhận, nhìn tổng thể trong hệ thống giáo dục quốc dân, có lẽ đáng báo động nhất là giáo dục nghề nghiệp, cụ thể là giáo dục đại học.
 

Trường học thân thiện giúp học sinh phát triển tư duy một cách tốt nhất.

Và một lần nữa, vấn đề phải đổi mới giáo dục theo hướng thực học, thực nghiệp lại được đặt ra.     

Theo Bộ trưởng, chất lượng giáo dục đại học có thể thấp, có thể thiếu, nhưng không được lạc điệu. Các trường không chỉ dạy những gì mình có, mà phải dạy những gì thị trường cần. Từ đó xác định sẽ chỉ còn một số trường ĐH lớn đi theo định hướng nghiên cứu, phần lớn sẽ đi theo hướng ứng dụng thực hành.

Có thể nói đây không phải là phát hiện mới nhưng là quyết tâm mới trước một vấn đề đã tồn tại lâu của nền giáo dục. Thực tế hàng nhiều chục năm qua, với nhiều lần cải cách nhiều khi bản thân nền giáo dục đã trở thành “nạn nhân” của các “trường phái” từ chính các chuyên gia giáo dục.

Không ít lần ngành giáo dục đã thay đổi từ áp lực dư luận, mặc dù dư luận xã hội không phải luôn luôn đúng. Trong khi thực tế cuộc sống lại đòi hỏi những điều khác, phù hợp hơn, thực tế hơn. Mùa tuyển sinh 2016 với tỉ lệ học sinh không nộp hồ sơ dự tuyển vào đại học đã cao hơn cho thấy bước chuyển của xã hội trong nhận thức khi mà tỉ lệ tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp cao. 

Nói việc đổi mới để hướng tới thực học, thực nghiệp không mới là bởi đã được đặt ra từ lâu. Nghị quyết Trung ương 8 khóa 11, triết lý cơ bản để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đã được xác định là “nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người”. 

Nghĩa là đã có đầy đủ mục tiêu giáo dục, đã có Nghị quyết về đổi mới, đã có đầy đủ quyết tâm của toàn ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội, yêu cầu đưa ra với ngành giáo dục là tìm ra phương pháp đổi mới. Sau nhiều thời gian tranh luận, ngành giáo dục những năm qua chọn đột phá ở đổi mới thi cử.

Và mùa thi ngổn ngang năm 2015 ghi nhận nhiều thay đổi tích cực nhưng cũng để lại nhiều dư vị đắng. Đến năm 2016, kỳ thi về cơ bản đã khắc phục được nhiều bức xúc, nhưng chất lượng giáo dục đại học đến trước ngày khai giảng vẫn được Bộ trưởng xếp vào việc đáng báo động nhất. 

Bộ trưởng trấn an học sinh rằng đừng chịu áp lực của thi và điểm, nhưng áp lực này chỉ được tháo gỡ nếu trong thời gian tới ngành giáo dục tiếp cận đổi mới theo một phương pháp đồng bộ hơn mà hồi đầu nhậm chức Bộ trưởng, ông Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra lộ trình: “Việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá phải được triển khai một cách khoa học, đồng bộ, lớp lang theo hướng hội nhập quốc tế, nhưng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để giáo dục phổ thông đi vào kỷ cương, nề nếp; giáo dục đại học phải hướng tới chất lượng và sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường!”

Để đạt tới điều ấy, rõ ràng câu chuyện đáng bàn hiện nay không phải là những việc lâu nay thường gây ra những tranh cãi như đổi mới chương trình, sách giáo khoa, mà Bộ trưởng từng nói đó là câu chuyện của các thầy, câu chuyện của nhà trường. Với mục tiêu đặt ra là đào tạo con người như thế này thì các thầy phải làm thế nào - đó là công việc có tính chất nghiệp vụ.

Xã hội không cần mang nghiệp vụ của các thầy ra bàn thảo. Vấn đề cần đỏi hỏi hiện nay là đòi hỏi về con người, xã hội không cần đòi hỏi về giáo trình, sách giáo khoa. Xã hội cần đòi hỏi một bộ máy giáo dục đáp ứng được mục tiêu: giáo dục là để hướng tới thực học, thực nghiệp. 

Việc giáo dục  con người, phải xây dựng trong nhiều năm. Không thể đòi hỏi một sớm một chiều. Điều này cần sự bình tĩnh từ dư luận xã hội. Ngược lại, có lẽ, lúc này, đối với ngành giáo dục, việc bắt tay vào gây dựng là niềm tin vào nhà trường, niềm tin vào thầy cô đang là việc quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đã nói: “Các thầy cô cũng phải chú ý tới các vấn đề mà xã hội bức xúc; cố gắng để xã hội có niềm tin với người thầy. Tôi cũng xin cảm ơn các phụ huynh. Sự nghiệp giáo dục chỉ thắng lợi được khi có sự sát cánh của phụ huynh. Cũng mong phụ huynh hết sức bình tĩnh, cùng chia sẻ với ngành. Những vấn đề mới, khó thì mong được phụ huynh góp ý, tránh tổn thương tới các thầy cô.”

Còn nhiều vấn đề ngổn ngang trong lộ trình đổi mới giáo dục khi một năm học mới bắt đầu. Nhưng để có những học sinh “tươi vui, nề nếp”, thầy cô phải là những người tiên phong đổi mới. Thầy thực dạy mới có trò thực học để thực nghiệp sau này. Để học sinh và xã hội không còn áp lực bởi thi và điểm, dạy và thi phải đổi mới trước tiên. 

Cần một lộ trình không chỉ cho giáo dục mà cho cả xã hội để thích nghi rằng không cần điểm và thi, chúng ta vẫn có những người Việt Nam được đào tạo đáp ứng với nhu cầu nhân lực của thời đại mới. Nhiệm vụ nặng nề của ngành giáo dục bây giờ không phải là tỉ lệ thi cử mà là “tạo ra niềm tin” để đáp ứng “mưu cầu rất chính đáng là được học hành tử tế, được sống vui vẻ, sống trong xã hội yên bình”. Giáo dục không phải là sản phẩm nhìn thấy hiệu quả chỉ sau một vài năm hay một vài nhiệm kỳ. Bởi vì, bản chất của giáo dục là con người chứ không phải bằng cấp. 

Cẩm Thúy

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ