A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Điểm sàn, bỏ hay không?

08:43 | 16/01/2017

Bộ GD-ĐT mới đây đã công bố Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2017. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo là sẽ bỏ điểm sàn.

Dư luận băn khoăn, việc bỏ điểm sàn liệu có giảm chất lượng đào tạo đại học, cũng như khiến học sinh ồ ạt vào các trường ĐH,CĐ mà ít theo học các trường nghề?
 

Ảnh minh họa.

Trường nghề gặp khó

Trên thực tế tâm lý sính bằng cấp trong xã hội vẫn còn nặng nề, nên sẽ xảy ra tình trạng thí sinh có học lực kém vẫn chọn vào đại học thay vì đi học nghề. Khi nguồn nhân lực chất lượng thấp thì sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội và trách nhiệm này là của Bộ GD-ĐT hay của trường? Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có quy định về quản lý chất lượng đào tạo của các trường trước khi bỏ điểm sàn xét tuyển.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Lâm Quang Thiệp- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tốc độ phát triển kinh tế, việc làm cho từng ngành nghề, lĩnh vực...

Chất lượng đào tạo ở các trường ĐH chỉ là một trong những lý do dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Việc  này có thể kiểm soát bằng cách, nếu ngành học nào không có thí sinh đăng ký vào học thì các trường không nên tuyển nữa.

Mặt khác, bên cạnh hệ thống kiểm định chất lượng độc lập, việc dự báo thị trường lao động, thông tin về các ngành nghề, xu hướng việc làm cũng cần được các cơ quan Nhà nước thường xuyên cập nhật số liệu và thông tin rộng rãi đến học sinh để các em có thể nắm bắt và lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp. Mỗi trường có đặc thù đào tạo riêng nên việc quy định một ngưỡng điểm sàn chung cho tất cả các ngành nghề là không hợp lý.

Luật Giáo dục ĐH đã trao nhiều quyền tự chủ cho các trường, trong đó có việc chủ động tuyển sinh. Học sinh tốt nghiệp THPT có thể coi là tiêu chuẩn đầy đủ và cần thiết để các trường lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Khi các trường ĐH công bố “điểm sàn” của riêng mình thì cần phải minh bạch các thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện học tập, tỉ lệ có việc làm cho sinh viên sau khi ra trường cho phụ huynh, học sinh và xã hội biết. 

Chất lượng nguồn nhân lực

Góp ý về Dự thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, việc bỏ điểm sàn xét tuyển sẽ gây nguy cơ giảm chất lượng bậc đại học nếu Bộ GD-ĐT tạo không có những giải pháp kiểm soát chặt quá trình đào tạo. Một số ý kiến cho rằng việc bỏ điểm sàn xét tuyển đại học là hợp lý, để các trường được tự chủ trong xét tuyển. 

Theo ông Lê Trường Tùng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT,  bỏ điểm sàn, đối với các nước khác chuyện này hết sức bình thường, thể hiện vấn đề liên quan đến tự do học thuật, tức là quyền được đi học, giống như nhu cầu cá nhân. Còn tất nhiên tốt nghiệp được hay không là việc của các trường, nhận hay không thì tùy theo ngưỡng chất lượng của từng trường nhưng nhà nước không tạo rào cản. Tất nhiên khi thực hiện sẽ có ảnh hưởng nhất định trong năm đầu tiên.

Theo đó, rõ nhất là xảy ra tình trạng một số trường đại học lấy mức điểm xét tuyển thấp cho đủ chỉ tiêu. Khi đó, các trường cao đẳng, trung cấp không còn nguồn tuyển, kéo theo việc phân luồng ở bậc giáo dục phổ thông sẽ không còn ý nghĩa.

Ngoài ra, nhiều trường và chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại việc bỏ điểm sàn chung sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo bậc đại học nếu các trường chạy theo số lượng tuyển sinh, không kiểm soát kỹ chất lượng đầu vào, nhất là đối với những trường chưa có uy tín chất lượng. Lo ngại này là có căn cứ bởi trong quá trình đào tạo của các trường đại học ngoài công lập còn thiếu sự sàng lọc, chất lượng sinh viên tốt nghiệp không cao.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: Không còn điểm sàn là một phương án làm đúng và việc này có giảm chất lượng đại học không thì Bộ Giáo dục cần làm rõ. Tôi nghĩ không kiểm soát quá chặt đầu vào nhưng phải kiểm soát đầu ra và kiểm soát chương trình dạy của các trường đại học, kiểm soát đội ngũ nhà giáo của các trường đại học có đạt chuẩn hay không. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị, trong thời điểm nhiều trường đại học chưa được kiểm định, việc công bố chuẩn đầu ra của nhiều trường còn mang tính hình thức thì chưa nên bỏ điểm sàn xét tuyển. 

TS Nguyễn Thị Phương -  Trưởng phòng Công tác Chính trị - Truyền thông (ĐH Mỏ-Địa chất) cho rằng: Nguồn tuyển sinh có ý nghĩa rất quan trọng để có thêm kinh phí trang trải cho các hoạt động chi thường xuyên. Khi Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn có thể sẽ khiến các trường tốp đầu, tốp giữa giảm nguồn tuyển sinh. Tuy nhiên, đây là một tín hiệu tích cực chứ không phải tiêu cực. Việc quyết định lấy ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển như thế nào là một tiêu chí quan trọng khẳng định thương hiệu của các trường. Điều này giúp họ chú trọng đến chất lượng đào tạo hơn là bằng mọi cách phải chạy theo chỉ tiêu tuyển sinh.

Chưa quyết định 

Trước nhiều ý kiến khác nhau về dự kiến bỏ điểm sàn xét tuyển ĐH, mới đây, tại Hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, phương châm chỉ đạo nhất quán là lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu hàng đầu cho mọi hoạt động. Điểm sàn là một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo, nên Bộ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến của chuyên gia, đánh giá tác động của các phương án khác nhau theo hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phù hợp với năng lực thực hiện.

Tới thời điểm này Bộ vẫn chưa quyết định có bỏ điểm sàn hay không. Bộ sẽ lắng nghe ý kiến một cách toàn diện nhưng không để rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường”.  “Tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát và khi nào tôi tin quyết định bỏ điểm ngưỡng tối thiểu này là đúng thì sẽ ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định này”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.  

Trong bối cảnh các trường ĐH của còn đang có sự chênh lệch lớn về chất lượng đào tạo, đặc biệt là việc kiểm định chất lượng chưa được thực hiện đầy đủ thì khẳng định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phần nào tạo nên niềm tin cho xã hội, đặc biệt là các em học sinh.    

Lê Lan

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ