A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tuyển sinh trung cấp, cao đẳng năm 2017: Giao quyền cho các trường

09:25 | 29/03/2017

Mùa tuyển sinh năm 2017 được dự báo sẽ là năm khó khăn và thách thức với các trường nghề, tuy nhiên PGS.TS Cao Văn Sâm - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho biết:...

...  Thị trường lao động sẽ quyết định việc chọn học nghề hay học đại học. Hơn nữa hiện nay các trường đã được giao quyền tự quyết, tự chủ nếu không đứng vững được thì sẽ sát nhập và giải thể.

PGS.TS Cao Văn Sâm.

PV: Thưa ông, từ năm 2017  lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp được chuyển về cho Bộ LĐTBXH quản lý, vậy công tác tuyển sinh năm nay có gì khác so với năm trước?

PGS.TS Cao Văn Sâm: Từ 1/1, Bộ LĐTBXH chính thức quản lý nhà nước toàn diện về giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Hiện Bộ LĐTBXH đang quản lý 1.989 cơ sở GDNN, gồm 409 trường cao đẳng (CĐ), 583 trường trung cấp (TC) và 997 trung tâm GDNN. Năm nay, Bộ trao cho các trường thực hiện công tác tuyển sinh mang tính linh hoạt, cởi mở trên cơ sở tự chủ của các trường. Theo đó, các trường được quyền lựa chọn số lượng, hình thức, thời gian tuyển… Thời gian tuyển sinh có thể một hoặc nhiều lần trong năm theo chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định. Tùy vào năng lực của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường đó đưa ra những quyết định số lần tuyển sinh trong năm. Tuy nhiên, tuyển sinh tập trung vào giai đoạn sau khi tốt nghiệp THPT.

 Hiện nay, quy chế tuyển sinh với trình độ trung cấp, cao đẳng áp dụng 3 hình thức tuyển sinh: Xét tuyển hồ sơ, thi tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Riêng với người học trung cấp nghề chỉ cần tốt nghiệp trung học cở sở, nên năm nay sẽ được lựa chọn đồng thời học thêm bổ túc văn hóa, hoặc chỉ học mình nghề (thay vì bắt buộc phải học cả nghề và bổ túc văn hóa như trước).

Nếu người học chọn chỉ học nghề ra trường sẽ có chứng chỉ nghề. Nếu học sinh chọn học nghề và bổ túc văn hóa, ra trường sẽ có cả bằng nghề và bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa, đủ điều kiện để học liên thông lên CĐ, ĐH. 

Hiện tại, các trường CĐ đều được chuyển giao quản lý nhà nước sang Bộ LĐTBXH, nhưng riêng CĐ sư phạm vẫn trực thuộc quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT. Vậy với các trường CĐ đa ngành ở địa phương có đào tạo sư phạm sẽ cùng lúc phải chịu sự quản lý của ba cơ quan, liệu có gây nên tình trạng chồng chéo?

- Đây là vấn đề mà Chính phủ đã rất cân nhắc. Bậc CĐ có đặc thù là đào tạo nhân lực cho ngành giáo dục sử dụng, nên cần thiết có sự quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, cả Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTBXH chỉ là cơ quan quản lý nhà nước, còn các trường vẫn trực thuộc địa phương, các bộ ngành. Do đó các trường CĐ địa phương cũng chỉ chịu sự quản lý trực tiếp của một đầu mối từ địa phương.

Dự báo năm nay sẽ có sự cạnh tranh về công tác tuyển sinh do điểm sàn tuyển vào đại học thấp nên các trường đại học “vét” gần hết học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Vậy với trách nhiệm quản lý Bộ sẽ có những giải pháp nào, thưa ông?

- Trong năm 2017, chỉ tiêu tuyển sinh sơ cấp, TC, CĐ là 2,2 triệu người, trong đó trình độ CĐ và TC là 540.000 người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người. Để sớm có quy chế tuyển sinh các trường này, ngày 9/3, Bộ LĐTBXH công bố Thông tư 5 quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ TC, CĐ năm 2017. 

Tuyển được 2,2 triệu không dễ đối với các trường dạy nghề hiện nay. Để thu hút học sinh học nghề, cùng với công tác phân luồng tại các địa phương, thời gian tới Bộ LĐTBXH sẽ bổ sung thêm quy định các lĩnh vực lao động phải có kỹ năng nghề (hiện mới có 12 nghề có quy định này). Đồng thời, Chính phủ cần có chỉ đạo xây dựng hạn ngạch đào tạo trong các trình độ, phù hợp với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên về phía các trường cũng cần phải tự đổi mới nâng cao chất lượng dạy kỹ năng nghề.

Về cơ chế Bộ đã giao quyền tự chủ cho các trường do đó các trường phải đổi mới phương pháp dạy đồng thời phải có sự liên kết với các doanh nghiệp tạo việc làm cho người học từ đó thu hút người học. Nếu không làm được thì sẽ tiến tới sát nhập hoặc giải thể. Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy bên cạnh những trường èo uột phải đóng cửa thì vẫn có rất nhiều trường tuyển sinh được số lượng lớn người học nghề. Những trường này không hơn về cơ sở vật chất hay có những chính sách phụ cấp ưu đãi gì mà chỉ đơn giản khi học nghề xong phần lớn học viên đều có việc làm. 

Thưa ông có một thực tế là có không ít cử nhân đã tốt nghiệp ĐH nhưng lại quay lại học nghề để xin việc. Điều này cho thấy nhu cầu học nghề rất lớn nhưng việc tuyển sinh của các trường nghề mấy năm gần đây luôn rơi vào tình cảnh “đói” học viên. Vậy đâu là nguyên nhân thưa ông?

 - Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy cả nước có hơn 200.000 cử nhân và trình độ cử nhân đang thất nghiệp. Và con số này vẫn chưa có xu hướng giảm. Đáng buồn hiện nay có tình trạng nhiều cử nhân đã tốt nghiệp đã phải giấu bằng xin đi học nghề để xin việc được dễ dàng hơn. Tình trạng “liên thông ngược” là một điều đáng buồn không chỉ cho các cử nhân, gia đình mà cho cả xã hội, bởi nó gây lãng phí thời gian và tiền bạc trong quá trình đào tạo.

Có thể thấy hiện nay nhu cầu tuyển dụng của các Khu công nghiệp – Khu chế xuất có tới 95% lao động tham gia sản xuất. Số còn lại là 5% làm hành chính, văn phòng. Rõ ràng nhu cầu thị trường về lao động có chuyên môn kỹ thuật rất lớn song công tác dự báo cung – cầu lao động của chúng ta còn hạn chế, bên cạnh đó vấn đề phân luồng, định hướng nghề nghiệp chưa được chú trọng nên đã dẫn tới tình trạng “liên thông ngược” như vậy. 

Xin cảm ơn ông!

Trong năm 2017, chỉ tiêu tuyển sinh sơ cấp, TC, CĐ là 2,2 triệu người, trong đó trình độ CĐ và TC là 540.000 người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người. Để sớm có quy chế tuyển sinh các trường này, ngày 9-3, Bộ LĐTBXH công bố Thông tư 5 quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ TC, CĐ năm 2017. 

    K.Lê (thực hiện)

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ