A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phụ huynh "choáng" với các khoản đóng góp

13:47 | 24/10/2017

Nhiều phụ huynh học sinh (HS) tại một số trường học công lập trên địa bàn huyện Ea Kar vừa phản ánh đến Báo Đắk Lắk về việc các khoản thu trong năm học 2017 - 2018 quá cao.

Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thị trấn Ea Kar) bức xúc: “Con tôi năm nay mới vào lớp 1 đã phải đóng 21 khoản với số tiền gần 1,5 triệu đồng. Trong đó có những khoản thu vô lý như: kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh 100.000 đồng; cây xanh 30.000 đồng; tiền nước uống 40.000 đồng…”. 

Giờ ra chơi của các em học sinh tại một trường học trên địa bàn huyện Ea Kar.

Một phụ huynh khác ở Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Cư Huê) cũng phàn nàn: Ngoài 100.000 đồng tiền bảo hiểm thân thể và 200.000 đồng tiền đồng phục, mỗi HS còn phải đóng thêm 1.000.000 đồng nữa (trong đó có 500.000 đồng để xây dựng 1 phòng học, 100.000 đồng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh…). 

Không riêng vị phụ huynh này, mà nhiều phụ huynh khác không đồng ý với các khoản thu trên nhưng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì sợ con mình sẽ bị giáo viên “soi xét”.

Theo như phản ánh của phụ huynh, vấn đề bảo đảm cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy luôn là mong muốn của các trường và cả phụ huynh. Để thực hiện được điều đó, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, các trường học đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động sự đóng góp từ nhiều nguồn lực, trong đó có gia đình các em HS. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều trường thực hiện tốt chủ trương này, vẫn còn không ít trường thu các khoản theo hình thức “tự nguyện” để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhà trường khiến phụ huynh không hài lòng.

Tự nguyện có nghĩa là phụ huynh có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu, nhưng thực tế lại khác, đa phần các trường đưa ra sẵn “mức sàn”, dù muốn hay không, phụ huynh cũng phải đóng ít nhất theo “mức sàn” đã định. Đơn cử như Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Ea Kar) mỗi HS phải đóng tối thiểu 350.000 đồng để xây dựng nhà hiệu bộ, tu sửa phòng học; Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (thị trấn Ea Kar) và Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi (xã Ea K’mút) mức đóng góp 500.000 đồng/HS; Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (xã Ea K’mút) là 450.000 đồng/HS…

Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: Năm học này, trường có 650 HS, trong đó có khoảng 500 HS bán trú. Đối với các khoản thu tự nguyện phục vụ nhà trường và phục vụ trực tiếp HS, sau khi thống nhất chủ trương và kế hoạch triển khai (giữa lãnh đạo nhà trường, hội đồng nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học HS trường), nhà trường báo cáo UBND thị trấn Ea Kar để xin chủ trương thực hiện, đồng thời gửi Phòng GD-ĐT quản lý, theo dõi. Nếu được sự đồng ý của chính quyền địa phương, nhà trường sẽ tiến hành họp phụ huynh HS một lần nữa để thống nhất mức thu, sau đó nhà trường làm tờ trình để chính quyền địa phương ghi nhận, rồi mới tiến hành thu tiền. Nhà trường không huy động đóng góp đối với HS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Cơ sở vật chất của một trường học trên địa bàn huyện Ea Kar đang được xây dựng nhờ một phần đóng góp “tự nguyện” của phụ huynh.

Theo Tờ trình của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai gửi UBND thị trấn Ea Kar thì: Huy động vốn đối ứng xây dựng nhà hiệu bộ, tu sửa nâng cấp 16 phòng học… của HS khối lớp 1, 2 dao động từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng; khối 3, 4 là 350.000 đồng/HS; khối 5 là 200.000 đồng /HS. Đối với các khoản thu phục vụ trực tiếp cho HS thì chăm sóc cây xanh 23.000 đồng/HS; dọn vệ sinh sân trường và nhà vệ sinh 55.000 đồng/HS. Đối với các em học bán trú thì tiền mua sắm vật dụng dùng chung phục vụ lớp bán trú là 50.000 đồng/HS; thuê người nấu ăn, quản lý buổi trưa là 100.000 đồng/HS… Ngoài ra, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh là 100.000 đồng/HS...

Trao đổi về các khoản đóng góp năm học 2017-2018, một lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Ea Kar cho biết: Trước khi bước vào năm học mới, Phòng GD-ĐT đã hướng dẫn các trường thực hiện nghiêm Công văn số 1038/SGDĐT-KHTC, ngày 31-7-2017 của Sở GD-ĐT về việc Hướng dẫn thực hiện các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh từ năm học 2017-2018. Theo đó, các trường sẽ có báo cáo về các khoản thu trong năm học để Phòng rà soát, đối chiếu với các văn bản của cấp trên xem các khoản thu đó có phù hợp. Nếu khoản thu nào không phù hợp với quy định cũng như thực tế của từng trường sẽ không cho thu. Theo vị lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Ea Kar khẳng định: Các khoản thu đầu năm của các trường công lập trên địa bàn đều đúng như hướng dẫn của Công văn 1038.

Tuy nhiên, tại mục 2.4.2 của Công văn 1038 nêu rõ: Trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp chưa đáp ứng nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập của các đơn vị, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các trường huy động nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh để cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, sân trường, nhà để xe, cổng trường, tường rào bao quanh… hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy - học trên tinh thần tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp và không được bình quân hóa mức đóng góp. Trường hợp không tự nguyện đóng góp thì không thu. Theo hướng dẫn này, thì việc một số trường công lập trên địa bàn huyện thu tiền đóng góp tự nguyện để xây nhà hiệu bộ, phòng học… và bình quân mức đóng góp là không đúng nên đã tạo sự bất bình cho phụ huynh.

Bên cạnh đó, việc một số trường đã cho in sẵn phiếu đăng ký đóng góp tự nguyện rồi phát cho phụ huynh HS đăng ký đóng góp khi chưa được đồng ý về chủ trương khiến phụ huynh không hài lòng. Vì vậy, Phòng GD-ĐT cũng như UBND các xã, thị trấn của huyện Ea Kar cần kiểm tra, chấn chỉnh các khoản thu theo như quy định tại Công văn 1038 để tránh tình trạng lạm thu khiến dư luận phụ huynh bức xúc.

Hà Duy

    Nguồn:Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ