A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tấm lòng cô giáo vùng sâu

14:57 | 26/10/2017

Không quản ngại nắng mưa, xa xôi, vất vả, bao năm qua, những cô giáo tại điểm Trường Mầm non Hòa Phong ở thôn Noh Prông, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) đã lặng thầm đem lời ca, tiếng hát, con chữ đến với các em.

Cô Trương Thị Bạch Yến, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hòa Phong cho biết, toàn thôn có trên 420 hộ, gần 2.500 khẩu, phần lớn đều là người dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Noh Prông là 1 trong 7 điểm trường của Trường Mẫu giáo Hòa Phong được thành lập từ năm 2001. Ở đây có 3 cấp học: mẫu giáo, tiểu học và THCS. Trong đó, riêng điểm mầm non có 3 phòng học bằng gỗ tạm bợ do người dân trong thôn cùng chung sức xây dựng.

Cô Trần Thị Thanh Thuyên, giáo viên điểm trường Trường Mầm non Hòa Phong ở thôn Noh Prông hướng dẫn  cho các em làm quen với môn toán.

Cô Trần Thị Thanh Thuyên, giáo viên điểm trường Trường Mầm non Hòa Phong ở thôn Noh Prông hướng dẫn cho các em làm quen với môn toán.

Nhà ở tận buôn Cư Đrăm, xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) cách điểm trường thôn Noh Prông hơn 15 km, mỗi ngày, cô H’Lach Drao đều phải dậy từ 5 giờ sáng để làm các việc nội trợ, lo cho cô con gái nhỏ mới 4 tuổi chu toàn để kịp thời gian đến điểm trường đón trẻ. “Tuy mới dạy học ở điểm trường Noh Prông được gần 2 năm nhưng tôi đã phần nào thấm thía nỗi vất vả của cô và trò nơi đây. 3 phòng học đều bằng gỗ tạm bợ, mùa khô bụi cuốn vào mù mịt, mùa mưa gió lạnh, nước tràn vào phòng học khiến cả cô và trò đều ướt và lạnh. Vì vậy nên nhiều hôm, phần cơm của các cô mang theo ăn trưa lẫn cả bụi đất” - cô H’Lach tâm sự.

Một buổi học của cô và trò tại điểm Trường Trường Mầm non Hòa Phong ở thôn Noh Prông.

Một buổi học của cô và trò tại điểm Trường Trường Mầm non Hòa Phong ở thôn Noh Prông.

Điểm trường mầm non ở buôn Noh Prông có gần 100 học sinh, 100% là người dân tộc Mông, đa số đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lo cái ăn hằng ngày đã chật vật nên phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em mình, nhiều trẻ bỏ học thường xuyên. Trước mỗi năm học mới, các cô giáo đều phải cùng ban giám hiệu nhà trường “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động học sinh ra lớp. Hơn thế nữa, để bảo đảm chất lượng dạy học, các cô đều trích tiền lương mua nguyên vật liệu tự làm đồ dùng học tập, tranh ảnh trang trí lớp học. Cô Cao Thị Lệ Hằng đã dạy ở đây 4 năm chia sẻ: “Cái khó nhất khi dạy các em chính là sự bất đồng ngôn ngữ. Do điều kiện khó khăn, phần lớn các em chỉ được đi học lớp Lá để lên lớp 1 nên hầu như chưa hiểu tiếng phổ thông. Chính vì vậy, chúng tôi phải mất mấy tháng đầu để làm quen, thậm chí phải nhờ phụ huynh phiên dịch lại bài học, chỉ cho các em cách nhận biết tên, ghế ngồi, nền nếp sinh hoạt”.

 

"Mong ước lớn nhất của cô, trò và người dân nơi đây là sớm được các cấp, ngành quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học”

 
 
Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hòa Phong Trương Thị Bạch Yến

Trong câu chuyện kể của mình, các cô cũng không quên nhắc lại kỷ niệm những lần bị trơn trượt, té ngã, những hôm bước vào lớp đồ dùng học tập, tranh ảnh bay ngổn ngang vì phải hứng chịu trận gió lùa trong đêm. Vất vả là vậy, nhưng nhìn những ánh mắt thơ ngây, những gương mặt lấm lem bụi đất của học trò, các cô lại quên hết nhọc nhằn, ngày ngày vẫn gắn bó gieo chữ nơi vùng sâu. “Hiện tại, do thiếu phòng học nên mới chỉ có trẻ 5 tuổi được đi học, còn trên 100 em từ 3-4 tuổi chưa được đến trường. Cùng trong một khuôn viên nhưng những dãy phòng học của bậc Tiểu học và THCS đều đã được đầu tư xây dựng khang trang nên mong ước lớn nhất của cô, trò và người dân nơi đây là sớm được các cấp, ngành quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học” - cô Trương Thị Bạch Yến trăn trở.

Nguyễn Xuân

 

 

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ