A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chỉ cấp một loại bằng đại học: Băn khoăn về chất lượng đào tạo

15:45 | 28/11/2017

Trong Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục ĐH do Bộ GD&ĐT đang trình Quốc hội đề xuất quy định chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo, không phân biệt chính quy hay tại chức.

Ảnh minh họa: Báo Phụ nữ Việt Nam.
 
Mặc dù Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ đẩy mạnh kiểm định chương trình đào tạo nhưng nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả chuẩn đầu ra của các chương trình chính quy cũng chưa thực sự đảm bảo chất lượng thì việc cấp bằng cho hệ đào tạo tại chức, vừa học vừa làm, liên thông, liên kết… như bằng chính quy trong thời điểm này là không hợp lý. 
 
Mong muốn chính đáng?
 
Khác với Luật Giáo dục ĐH hiện hành chia các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH theo hai hình thức là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, dự thảo mới quy định hai hình thức là đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định điều kiện thực hiện các hình thức đào tạo. 
 
Trong đó, đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm hay đào tạo tại chức là đào tạo theo hình thức không tập trung. Dù theo hình thức đào tạo tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn. Vì vậy, hình thức đào tạo sẽ không được ghi trên văn bằng ĐH.
 
Kỳ vọng của ngành giáo dục khi đề xuất phương án này là các cơ sở đào tạo khi quan tâm đến chất lượng đào tạo của cơ sở mình thì sẽ phải cẩn thận khi cấp văn bằng. Tất cả văn bằng cấp ra là phải đạt chuẩn, không phân biệt tại chức hay chính quy.
 
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng- vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), đề xuất này không xa lạ với hầu hết các nước phát triển. Trên thực tế hiện nay nhiều quốc gia không phân biệt văn bằng mà chỉ quan tâm việc làm thế nào để có các biện pháp quản lý chất lượng.
 
Cụ thể, Bộ GD&ĐT cho rằng trách nhiệm quản lý chất lượng trước hết thuộc về các trường. Việc cấp bằng chính là sự khẳng định với xã hội về chất lượng đào tạo của trường. Xã hội giám sát, còn nhà nước sẽ quản lý chủ yếu bằng kiểm định. 
 
Để làm được điều đó, bà Phụng cho biết sắp tới, kiểm định chương trình đào tạo sẽ được đẩy mạnh. Trong đó, kiểm định chương trình sẽ gắn với kiểm định quá trình tổ chức, quản lý đào tạo từng chương trình và cấp bằng cho chương trình đó.
 
Khoảng cách với thực tiễn
 
Trước đề xuất này của Bộ GD&ĐT, đại diện nhiều trường ĐH bày tỏ sự đồng tình bởi trước đây việc quy định hệ ĐH chính quy hay tại chức có sự nhìn nhận khác nhau về phương thức và chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, hiện phương thức và chất lượng đào tạo tiệm cận nhau nên việc quy định trong văn bằng chỉ ghi hệ tập trung hoặc không tập trung là hợp lý. Tránh sự phân biệt bằng cấp cũng như ghi ngờ về chất lượng đào tạo.
 
Cụ thể, ThS Phạm Thái Sơn- phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết thực tế thiết kế chương trình đào tạo bậc ĐH giữa hệ tập trung và không tập trung giống nhau. Chuẩn giáo viên và đầu ra cũng giống nhau. Bởi vậy, việc thống nhất không ghi trong văn bằng hình thức đào tạo nữa là phù hợp, bớt gây tâm lý so sánh của nhà tuyển dụng khi cân nhắc các ứng viên giữa việc học chính quy và tại chức. 
 
Đó là về phía các trường. Còn nhiều người vẫn băn khoăn về chất lượng thực sự của những khóa đào tạo tại chức. Không phải ngẫu nhiên cách đây vài năm, một số địa phương phải đưa ra những văn bản gây tranh cãi về việc không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm do chất lượng đào tạo tại chức được đánh giá là “đáng báo động”. 
 
Bắt đầu là từ khâu tuyển sinh đầu vào của hệ tại chức lâu nay vẫn được mặc định là thua hệ chính quy khi việc thi cử dễ dàng hơn rất nhiều so với kỳ thi vào ĐH trước kia. Đối với kỳ thi THPT quốc gia hiện nay, muốn đỗ vào các trường top trên số điểm cũng không thể dưới 20 điểm trong khi với hình thức đào tạo không tập trung như vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, liên thông, liên kết… việc thi tuyển kể cả vào những trường danh tiếng như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân… cũng “dễ thở” hơn rất nhiều với nhiều đợt tuyển sinh trong một năm. 
 
Có thể về mặt lý thuyết là cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên nhưng trên thực tế, ở nhiều lớp tại chức ngay giữa thủ đô Hà Nội cũng không đảm bảo thời gian học do sức ép về mặt thời gian của những người đi học theo hình thức không tập trung thường là vừa học vừa làm. Sau đó là tâm lý thông cảm của các thầy cô đối với học viên nên không yêu cầu cao như với sinh viên hệ chính quy. Cuối cùng là đến khâu đầu ra, hiện nay ít có chương trình đào tạo không tập trung nào công khai số lượng học viên bị buộc thôi học sau mỗi khóa nhưng rõ ràng, việc “vào được sẽ ra được” với ngay cả sinh viên hệ chính quy ở Việt Nam cũng từng gây tranh cãi nhiều thì ai sẽ siết đầu ra với học viên hệ tại chức? 
 
Đó là chưa kể, việc tuyển sinh các hệ đào tạo không tập trung của các trường diễn ra khá nhiều ở các địa phương với chương trình đào tạo thường rút ngắn hơn và thực dụng hơn so với chương trình đào tạo chính quy. Nhiều sai phạm của những cơ sở này đã được Thanh tra Bộ GD&ĐT phát hiện nhưng thực tế, hệ đào tạo tại chức được xem như “nồi cơm”, một nguồn để tăng thêm thu nhập cho các trường ĐH trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay nên dù bị tuýt còi nhưng một số trường vẫn tuyển sinh, đào tạo chui. Khi đó, chất lượng có thể đảm bảo hay không thì không phải nói cũng đã rõ.
 
Trao đổi với báo chí, TS Lê Viết Khuyến- nguyên vụ phó Vụ GD ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trước đây Bộ GD&ĐT cũng đã đưa ra Dự thảo Quy chế đào tạo đại học theo hình thức vừa làm, vừa học để xin ý kiến xã hội. Theo dự thảo, kết quả đầu ra của hệ đào tạo này được kiểm soát để tiến tới tiếp cận chất lượng đào tạo như hệ chính quy. Để thực hiện điều này, dự thảo đã quy định về chương trình đào tạo phải đảm bảo như chương trình đào tạo chính quy nhưng cho phép tổ chức đào tạo mềm dẻo, linh hoạt để phù hợp với đối tượng người học là những nhiều người học khác nhau. Trong đó, chất lượng được thể hiện ở kết quả đánh giá, chương trình đào tạo, điều này phải  tương đương với các chương trình chính quy. Muốn vậy, chỉ có thể chấp nhận hệ không tập trung cùng chuẩn đánh giá với hệ tập trung, nghĩa là, tổ chức đào tạo phải nghiêm túc, không tổ chức lớp học riêng, không bớt thời gian, thầy phải chặt chẽ trong khâu cho điểm. 
 
“Đích để đi tới là để đảm bảo làm sao cho người học có trình độ được xã hội đánh giá bình đẳng với hệ chính quy chứ không chỉ là chuyện ghi hay không ghi hình thức đào tạo lên tấm văn bằng tốt nghiệp. Muốn vậy, khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý phải tăng cường chứ không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác của các trường”- ông Khuyến nhấn mạnh. 
 
Thu Hương

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ