A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bước tiến trong dạy học tiếng Êđê

14:27 | 25/09/2014

Năm học 2014-2015, ngành Giáo dục Dak Lak chính thức đưa bộ sách giáo khoa (SGK) tiếng Êđê cấp tiểu học do Bộ GD-ĐT biên soạn và phát hành vào giảng dạy.

 Qua kiểm nghiệm thực tế, chương trình dạy học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) đã tích cực hỗ trợ học sinh DTTS học tốt tiếng Việt, làm cơ sở tiếp thu các môn học khác.

Hoàn chỉnh nội dung và hình thức

Là thành viên ban soạn thảo bộ SGK, nhưng cô H’Yer Knul, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Pak cũng không khỏi hồi hộp, xen lẫn hạnh phúc khi lần giở từng trang sách, xem kỹ nội dung bài học, bài tập và cả sách hướng dẫn giáo viên. Cô chia sẻ: “Cha tôi từng được mời tham gia biên soạn tài liệu chương trình giáo dục song ngữ Êđê - Việt. Ông trăn trở, đầu tư nhiều tâm sức cho công việc này, với hy vọng con em mình được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Với kinh nghiệm gần 20 năm dạy tiếng Êđê,  thừa hưởng kinh nghiệm, kiến thức từ cha, trong quá trình biên soạn tôi cùng các đồng nghiệp đã phát huy những ưu điểm, khắc phục những bất cập, hạn chế ở bộ sách thực nghiệm, cố gắng hoàn thiện về nội dung, hình thức”. Cùng chung niềm vui trên, cô H’Guah H’Mok, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Ea Na, huyện Krông Ana) nói: “Trước đây, mình cũng được học tiếng mẹ đẻ, nhưng chỉ là sách thực nghiệm, nên đôi chỗ nội dung chưa phù hợp, đặc biệt là kênh hình minh họa. Đơn cử ở quyển 2, có từ cái chài, nhưng hình minh họa là gốc cây, hay chữ đười ươi thì lại minh họa hình con khỉ do đó học sinh rất khó hiểu; còn SGK mới có nội dung phong phú, sinh động, hình ảnh minh họa đẹp phục vụ tốt nội dung bài học”. Giữa học kỳ 2 năm học 2013-2014, trường được Phòng GD-ĐT huyện cấp 50 cuốn SGK tiếng Êđê, cô H’Guah đã bỏ tiền, thời gian bao bọc cẩn thận toàn bộ số sách trên. Còn thầy Y Nhang H’Mok, giáo viên tiếng Êđê Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) thì chia sẻ: “Nguyện vọng của người DTTS là được sử dụng chính tiếng nói, chữ viết của mình để sưu tập, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lưu giữ cho các thế hệ tương lai. Bộ SGK quốc gia tiếng Êđê cấp tiểu học ra đời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, góp phần giúp đồng bào dễ dàng tiếp thu kiến thức đời sống chính trị xã hội, khoa học kỹ thuật, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, xóa bỏ dần các hủ tục…”.

Học sinh Trường Tiểu học Đinh Núp, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pak trong giờ kiểm tra.

Học sinh Trường Tiểu học Đinh Núp, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pak trong giờ kiểm tra.

 Chuyển biến về chất và lượng

Việc dạy học tiếng Êđê trong các trường phổ thông được ngành Giáo dục triển khai thí điểm từ năm học 1981-1982, song cũng chỉ là chương trình giáo dục thử nghiệm song ngữ Êđê - Việt; đến năm học 1995-1996, trở thành một môn học chính thức tại nhiều trường có đông học sinh người Êđê. Chưa vội bàn về kết quả, nhưng việc dạy tiếng mẹ đẻ song song với tiếng Việt đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đông đảo trí thức và đồng bào Êđê. Bước ngoặt xoay chuyển sự phát triển mạnh việc dạy tiếng DTTS là từ Nghị định số 82, ngày 15-7-2010 của Chính phủ quy định việc dạy học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Tiếp đó là Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 82 ban hành 10-2011. Trước đó, HĐND tỉnh Dak Lak đã ban hành Nghị quyết 03, ngày 9-7-2010 về dạy tiếng Êđê trong trường tiểu học và trung học cơ sở giai đoạn 2010-2015. Với những chính sách hỗ trợ về vật chất, về giáo dục, việc dạy tiếng Êđê trong các trường phổ thông đã có sự phát triển về quy mô trường, lớp học cũng như chất lượng dạy và học. Nếu như năm đầu tiên trở thành môn học chính thức (1995-1996), cả tỉnh chỉ có vài trường tiểu học của TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Pak, Krông Năng tổ chức dạy, với 5 lớp, 138 học sinh và 8 giáo viên, thì đến năm học 2013-2014, hầu hết các địa phương (trừ huyện Lak) đều dạy tiếng Êđê, với 92 trường, 588 lớp, 13.606 học sinh và 105 giáo viên. Đến nay, có 34 lớp của 13 trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh dạy tiếng Êđê cho gần 1.500 HS, tăng 7 trường, 28 lớp, 1.318 HS so với năm học 2003-2004 - năm đầu tiên triển khai chương trình thực nghiệm cấp THCS. Thực tế chứng minh, khi được nói tiếng, học chữ viết của dân tộc mình, các em rất hứng thú, vì vậy việc tiếp thu tiếng Việt và các môn học khác tốt hơn…Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, nhờ thực hiện tốt việc dạy tiếng Êđê, chất lượng giáo dục hai mặt học sinh DTTS tăng đáng kể. Đơn cử năm học 2013-2014, ở cấp tiểu học, tỷ lệ học sinh DTTS xếp loại học lực giỏi đạt 17% (tăng 4% so với năm học trước), loại khá đạt 34% (tăng 3%), cấp THCS loại giỏi đạt 14,2% (tăng 7,8%), loại khá đạt 39% (tăng 4%).

 Khó khăn lớn nhất trong dạy học tiếng Êđê từ nhiều năm qua là chương trình dạy ở dạng thực nghiệm nay đã được khắc phục, tuy nhiên hiện tại vẫn còn nhiều trở ngại, bất cập, nhất là đội ngũ giáo viên. Nhiều giáo viên dạy tiếng Êđê trình độ dưới chuẩn, tuổi cao, đời sống khó khăn. Cùng với đó cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tài liệu tham khảo thiếu; nhiều trường thiếu phòng học chưa tổ chức học 2 buổi/ngày, ảnh hưởng đến việc triển khai dạy tiếng Êđê. “Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần giao cho các trường cao đẳng sư phạm mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu dạy tiếng Êđê trong các trường phổ thông”, ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT kiến nghị.

Nguyên Hoa

    nguồn: Baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ