A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Phát triển giáo dục mũi nhọn: Nhìn từ việc bồi dưỡng học sinh giỏi

09:02 | 09/11/2022

Liên tiếp 5 năm qua, Đắk Lắk đứng đầu các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về thành tích tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia.

Kết quả ấy ghi nhận sự nỗ lực của giáo viên, học sinh cũng như sự quan tâm đầu tư cho giáo dục mũi nhọn của tỉnh.

Tạo cơ hội phát huy năng lực

Trường THPT Chuyên Nguyễn Du được xem là “cái nôi” phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh, số lượng học sinh của trường tham gia và đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia tăng lên mỗi năm. Riêng năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 36 giải thì Trường THPT Chuyên Nguyễn Du có 32 giải. Đặc biệt, trong đó có nhiều học sinh của trường từng học trường huyện, trường vùng sâu, vùng xa.

Đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn tham gia hoạt động giáo dục liên kết với các tỉnh phía Nam tại tỉnh Lâm Đồng.

Em Hoàng Duy Vũ, học sinh lớp 12 Tin học, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du là cựu học sinh Trường THCS Trần Phú (xã Ea Tân, huyện Krông Năng). Năm lớp 11, Duy Vũ đã đạt giải Ba môn Tin học tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia, năm nay em tiếp tục tham gia đội tuyển dự thi của tỉnh. Duy Vũ bộc bạch: “Con đường vào trường chuyên không phải là quá khó đối với học sinh trường huyện, những năm học ở bậc THCS em được thầy cô hướng dẫn tận tình, ở trường em cố gắng nghe giảng, về nhà làm nhiều bài tập, đầu tư nhiều hơn vào môn chuyên (điểm thi nhân hệ số 2). Vào trường chuyên, guồng quay học tập của trường buộc học sinh phải căng sức bám theo, phải nỗ lực nhiều hơn, nhưng bù lại là được học với giáo viên giỏi, tiếp cận với nhiều kiến thức, gặp gỡ bạn mới”.

 

Ngoài lực lượng nòng cốt là giáo viên trường chuyên, Sở GD-ĐT còn huy động thêm các giáo viên giỏi đến từ các trường THPT khác trên địa bàn tỉnh và tuyển bổ sung giáo viên có năng lực tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi. Đồng thời, liên kết với tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Phước, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên, học sinh giỏi”. 

 
TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT

Bên cạnh trường chuyên, nhiều trường cũng rất nỗ lực và đạt kết quả đáng ghi nhận trong các kỳ thi học sinh giỏi  quốc gia, như Trường THCS-THPT Đông Du, THPT Ngô Gia Tự... Em Nguyễn Trung Kiên từ Đắk Nông đến Đắk Lắk theo học bậc THPT tại Trường THCS-THPT Đông Du. Khi mới xa nhà theo học nội trú, Kiên không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn, năm lớp 10 kết quả học chưa như mong muốn, điểm số thuộc diện thấp của lớp khiến em cảm thấy lo lắng, áp lực. Nhưng sau đó, môi trường học tập chuyên sâu với những giáo viên giàu kinh nghiệm đã giúp em dần tiến bộ và có sự bứt phá rõ rệt, năm học vừa qua em đạt giải Khuyến khích môn Toán tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia. Hiện em đang theo học Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Nỗ lực "bắt sóng" học sinh

Giáo dục là sự tương tác đa chiều, bản thân giáo viên cũng phải nỗ lực rất nhiều mới có thể “bắt sóng” được học sinh, giúp các em tự giác, chủ động tiếp nhận kiến thức. Cô Trương Thị Thanh Hà, giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Du chia sẻ, trong quá trình dạy học, cô luôn tạo niềm tin, giúp học sinh có mục tiêu cụ thể, đồng hành để các em có động lực phấn đấu.

Gắn bó với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi gần 20 năm nay, thầy Lê Quang Nhân, Tổ trưởng Tổ Toán Tin, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du đã có nhiều học sinh đạt giải tại “đấu trường” học sinh giỏi quốc gia với 33 giải; trong đó có một em đạt giải Nhất - Thủ khoa toàn quốc (năm 2019). Theo thầy Nhân thì đề thi ngày càng khó hơn với mức độ kiến thức rộng và đa dạng; giáo viên phải chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nhạy bén trong đổi mới phương pháp để truyền đạt, hướng dẫn, gợi mở cho học sinh một cách hiệu quả. Trong số học sinh đạt giải cao tại kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia có nhiều em xuất phát điểm từ trường học vùng sâu, vùng xa, được gia đình, nhà trường định hướng, đôn đốc việc học từ nhỏ nên có tinh thần tự giác cao, tâm thế học tập kiên định, vững vàng.

Cô Trương Thị Thanh Hà, giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Du tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý.

Để học giỏi ở bậc THPT, học sinh phải trải qua nhiều năm rèn luyện, tích lũy kiến thức ở bậc tiểu học, THCS nên cần tạo điều kiện cho các em có cơ hội học tập, phấn đấu từ sớm. Ông Nguyễn Đăng Bồng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Du cho rằng, nhiều học sinh học ở trường huyện rất giỏi; các em chưa biết, không có điều kiện hoặc không muốn thi vào trường chuyên nên cần tạo điều kiện cho các em ôn luyện chuyên sâu. Đó có thể là lớp chọn tại các trường, trường chọn tại các địa phương và thực hiện sớm từ cấp THCS (thậm chí tiểu học) để tạo phong trào thi đua dạy tốt học tốt ở các trường. Trường THPT Chuyên Nguyễn Du tuyển sinh trên toàn tỉnh nhưng học sinh dự thi và trúng tuyển chủ yếu tập trung ở các vùng quan tâm đầu tư mạnh cho việc bồi dưỡng học sinh giỏi như: TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Krông Ana, Krông Pắc…

Luyện thi, tổ chức thi học sinh giỏi các cấp và việc xây dựng trường chuyên, lớp chọn để học sinh tham gia các kỳ thi đang ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những học sinh có tố chất và mong muốn được tiếp cận môi trường giáo dục chuyên sâu để có cơ hội phát huy hơn nữa năng lực. Vì vậy công tác này vẫn luôn được chú trọng, với những giải pháp phù hợp bối cảnh xã hội nhằm đạt hiệu quả cao.

Thanh Hường

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/xa-hoi/202211/phat-trien-giao-duc-mui-nhon-nhin-tu-viec-boi-duong-hoc-sinh-gioi-abe0ed1/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ