A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giáo dục: Khủng hoảng truyền thông

15:28 | 26/11/2014

Không đưa ra một cách làm khác với cách làm theo thói quen và kinh nghiệm cũ, khá nhiều tuyên bố, phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và một số vị lãnh đạo Bộ về Chương trình và Sách giáo khoa (CT-SGK) sau 2015 không rõ ràng, mâu thuẫn, ...

... khiến nguy cơ khủng hoảng truyền thông giáo dục lan rộng.

 
Thực trạng nghiêm trọng của CT SGK cần được đánh giá đúng mức
 
Mơ hồ, thiếu rõ ràng và võ đoán
 
Nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lập luận rành mạch việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK không thể hiện được sự công bằng khách quan. "Cách làm này mâu thuẫn với chủ trương xã hội hóa mà chính Đề án đề ra” - ĐBQH Trần Minh Diệu nói. "Nếu không đủ cơ sở để bàn bạc kỹ sẽ rơi vào tình trạng duy ý chí, thiếu tính khả thi và 5, 10 năm sau chúng ta lại trở lại từ đầu”, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy cảnh báo và chất vấn: "CT hiện hành cũng đưa ra mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh nhưng vì sao không đạt được yêu cầu? Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ GD-ĐT, cần trả lời câu hỏi trên để làm rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp phù hợp” - bà nói. 
 
Trước những băn khoăn thắc mắc đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận viện dẫn "kinh nghiệm lịch sử”, qua 3-4 lần viết sách, dự báo và cảnh báo khả năng rất dễ xảy ra là lực lượng tham gia viết không nhiều, không đáp ứng, không kịp. "Bộ GD&ĐT chủ động biên soạn một bộ sách, đồng thời không biên soạn các bộ sách khác là để chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra” - ông Luận nói.
 
Trong khi xã hội và môi trường quốc tế đã biến đổi cực kỳ sâu sắc mà từ lớp 1 đến lớp 12, lại vẫn dựa vào kinh nghiệm mấy lần viết sách trước (lần gần đây nhất xem như thất bại) để đổi mới CT-SGK sau 2015, cộng thêm nhóm lợi ích, làm sao có thể tin vào CT-SGK mới do Bộ biên soạn sẽ thực mới?
 
Vả lại, "kinh nghiệm lịch sử” Bộ trưởng nói tới là kinh nghiệm nào, khi qua 3-4 lần viết sách, đây là lần đầu tiên việc viết SGK được xã hội hóa. Không thể có quá khứ nào tương tự để so sánh. Cảnh báo bằng kinh nghiệm của tư lệnh ngành do đó khá mơ hồ. Nó cũng tù mù như "các giải pháp kỹ thuật” mà Bộ trưởng nói  rằng nó sẽ đảm bảo bình đẳng về kinh tế giữa nhóm viết sách có tiền (ngân sách) và nhóm không có. 
 
Liên tiếp những phát ngôn "ấn tượng”
 
Tuần qua nhiều phương tiện truyền thông trích dẫn câu nói "ấn tượng” của  Bộ trưởng GD&ĐT: "Thực ra từ trước đến nay, Bộ GD&ĐT chưa bao giờ trực tiếp viết mà chỉ tổ chức tập hợp các nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn hóa, giáo viên… viết sách”!  
 
Đây là thời điểm cần tập hợp lòng tin xã hội vào tâm lực và trí lực của lãnh đạo ngành GD. Điều hẳn nhiều ĐBQH, các chuyên gia, giáo viên và xã hội cần biết từ tư lệnh ngành là đã có chưa, một ứng viên sẽ là "tổng công trình sư”, tổng chủ biên thật sự xuất sắc đủ uy tín tài năng quán xuyến xuyên suốt toàn bộ CT-SGK từ lớp 1-12 đảm bảo tính liên thông. Nhưng tư lệnh ngành vẫn thanh minh Bộ không định "ôm” SGK, Bộ chưa bao giờ trực tiếp viết... 
 
Khủng hoảng truyền thông cũng được châm ngòi từ những phát ngôn không thống nhất của lãnh đạo ngành khiến báo chí càng đào sâu và khủng hoảng càng lan rộng. Nửa năm trước, Bộ trưởng GD&ĐT gây sốc khi nói về con số gây sốc 34.000 tỷ đồng, được cho là kinh phí cho việc đổi mới CT-SGK, vì theo ông Luận đây là tổng hợp kết quả nghiên cứu của các nhóm chuyên gia và chỉ vì sơ suất đáng tiếc gây nên hiểu nhầm, chỉ là trục trặc thông tin. Tuy thế, Bộ trưởng cũng nhìn nhận: "Trách nhiệm này thuộc về Bộ GD&ĐT và chúng tôi xin nhận trách nhiệm đó”!
 
Trước đó, vụ "in nhầm” quốc kỳ Trung Quốc lên sách học vần, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng để xảy ra sự việc như trên Bộ cũng chỉ biết xử lý nghiêm khắc NXB chứ với SGK in lậu xuất hiện trên thị trường thì Bộ… vô phương quản lý.
 
Sứ mạng phát ngôn
 
Trở lại chuyện biên soạn CT-SGK mới, việc mỗi lãnh đạo Bộ như một người phát ngôn không nhất quán nội dung trả lời dẫn đến việc mỗi báo lại đưa tin theo một cách khác nhau làm tình hình thêm rối. 
 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định triển khai đại trà CT-SGK, tiến hành cuốn chiếu là việc bắt buộc với mỗi quốc gia và chu kỳ thay sách nào cũng phải thực hiện. Một chu kỳ thay sách sẽ kéo dài từ 10-12 năm và mỗi năm lần lượt chỉ thay cho một lớp, từ lớp 1 đến hết lớp 12, không thể đồng thời thay ngay một lúc CT-SGK của cả hệ thống.
Còn Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lại nói khi triển khai ra đại trà việc thay đổi đồng loạt hay thực hiện theo hình thức cuốn chiếu SGK phải phụ thuộc việc đổi mới nhiều hay ít so với CT. Ví như tiểu học không thay đổi nhiều thì có thể thay đồng thời ở tất cả các lớp ngay từ năm đầu tiên. Nhưng ở những cấp học THCS và THPT, do cấu trúc bài học có nhiều thay đổi nên sẽ thực hiện cuốn chiếu từ lớp 6 đến lớp 9; từ lớp 10 đến lớp 12 để đảm bảo tính liên thông.
 
… Dường như sứ mạng quan trọng nhất trong phát ngôn của tư lệnh ngành, lãnh đạo cấp cao của ngành, là đảm bảo truyền tải thông điệp chính xác, nhất quán đến công chúng đã và đang bị coi nhẹ. Các kỹ năng lắng nghe câu hỏi, phản hồi, nắm vững nguyên tắc, sẵn sàng chứng cứ cần có để phát ngôn rõ ràng, súc tích, cũng thiếu. Mà tốc độ lan tỏa thông tin nhanh chóng như hiện nay thì mọi nỗ lực mập mờ, võ đoán khi cung cấp thông tin, những thông điệp truyền đi bị động lộn xộn vội vàng… sẽ chẳng khác nào gậy ông đập lưng ông.
 
Thanh Như
 

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ