A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thầy tôi - người chưa một lần đứng trên bục giảng

16:28 | 25/11/2014

Thầy tôi sinh ra ở vùng quê thuần nông, đất cằn sỏi đá, khí hậu khắc nghiệt và cái nghèo, cái khó đã thôi thúc con người phải biết vươn lên.

Thầy tôi cũng thế, từ nhỏ thầy được biết đến như là cậu học trò đam mê môn toán và ước mơ cháy bỏng trở thành giáo viên dạy toán ở một trường làng. Tiếc thay, bước sang tuổi 17, chứng bệnh bại liệt, teo cơ đã dập tắt mơ ước ấy của thầy, khiến từ đó đến giờ, cơ thể của thầy gắn chặt với chiếc giường bên góc nhà. Nhà thầy có nhiều anh chị em, nhưng lớn lên đều lập gia đình ra riêng, người ở Bắc, kẻ vào Nam lập nghiệp, bố thầy lại mất sớm, nên sáng tối chỉ còn thầy và mẹ già chăm nom nhau.

Lứa tuổi 8X như thế hệ chúng tôi chỉ biết đến thầy với hình ảnh một người đàn ông có dáng dấp gầy guộc, teo tóp, toàn thân chỉ còn duy nhất cánh tay trái hoạt động được, và cánh tay đó đã dìu dắt, dạy dỗ, trang bị kiến thức ban đầu về môn toán cho bao bạn học sinh cùng lớp tuổi như chúng tôi thời ấy, để không ngỡ ngàng khi tiếp tục học lên những lớp cao hơn. Riêng tôi, là một học sinh vốn không “mặn mà” gì với những con số khô khan, những định đề, nguyên lý của môn toán, nên điểm tổng kết môn học này của tôi lúc nào cũng chỉ ở mức trung bình. Sợ con học yếu, bố mẹ đã gửi gắm tôi, nhờ thầy kèm cặp thêm môn toán, do mặc cảm vì yếu môn này nên tôi luôn lo sợ thầy mắng, nhưng qua những buổi học tại nhà thầy, với sự chỉ dẫn tận tình, gần gũi và ân cần của thầy đã giúp tôi dần tự tin hơn khi lên lớp trong giờ học toán.

Những đứa trẻ trong làng đến học miễn phí tại nhà thầy.

Những đứa trẻ trong làng đến học miễn phí tại nhà thầy.

Toàn thân bại liệt, việc giảng dạy của thầy rất khó khăn, chiếc bảng của thầy không được kẻ ô thẳng tắp mà là một tấm gỗ được bào nhẵn, dựng nghiêng bên chiếc giường ọp ẹp. Còn lúc viết trên tập vở, thầy phải nhờ mẹ hoặc người hàng xóm kẹp tập vở vào một chiếc can nhựa, khó khăn lắm thầy mới viết được dòng chữ, con số, dù chữ không đẹp nhưng nét bút rõ ràng nên trò nào cũng đọc được. Những lúc trái gió trở trời, hay mùa đông đến, căn bệnh của thầy càng trở nên trầm trọng hơn, cầm viên phấn mà tay thầy run lẩy bẩy, phần vì gió rét, phần vì các khớp đau nhức hành hạ. Vậy mà, trước mặt chúng tôi, chưa bao giờ thầy tỏ ra khó chịu, kêu đau, thầy vẫn cần mẫn truyền đạt cho chúng tôi cách làm toán dễ hiểu, dễ nhớ nhất. Sức khỏe yếu, lại không di chuyển được nên thầy thường gọi từng đứa đến tận nơi, chỉ dẫn tỉ mỉ từng chi tiết cho trò hiểu; với lối giảng rõ ràng, rành mạch nên trò nào cũng lắng nghe say sưa, những ai không tập trung học hành, thầy rất nghiêm khắc, nếu không chuyển biến, thầy sẽ không cho đến nhà nữa, nhờ vậy mà không có trò nào dám làm trái ý thầy.

Bằng tuổi cha, chú chúng tôi nên thầy xem trò như con, cháu của mình, đứa nào sai thầy chỉ bảo, đứa nào ngoan, học giỏi thầy khen rất chân thành. “Học phí” mà học sinh trong làng mang đến thầy chỉ là những sản phẩm trồng từ vườn nhà như khoai, bắp…, bạn nào nhà khá giả hơn thì mang thêm gạo hoặc mấy viên phấn, thế là cũng đủ đối với thầy. Nhưng món học phí quan trọng làm thầy mãn nguyện nhất của chúng tôi, dù không nói ra nhưng ai cũng biết, đó là kết quả học tập luôn luôn tấn tới.

Trong một lần về quê gần đây, tôi có dịp đến thăm lại thầy, vẫn ngôi nhà từ thuở nào, thui thủi mẹ già, con trai tật nguyền, và nơi góc giường thầy nằm chất đầy sách vở về môn toán, những cuốn sách về triết lý phương Đông. Giọng thầy không khỏe khoắn như trước nữa, đôi mắt sâu hoắm vì những đêm không ngủ được, nhưng ánh mắt vẫn chứa đầy nghị lực và hy vọng sống của một người chưa bao giờ có ý định lùi bước trước số phận!

Hoàng Tuyết

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ