A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

“Chắp cánh” cho thanh niên khởi nghiệp

10:36 | 07/10/2024

Thời gian qua, Huyện Đoàn Krông Ana đã thường xuyên triển khai hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ đoàn viên tiếp cận các nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để phát triển kinh tế,...

... từ đó đã có nhiều thanh niên vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà.

Nhiều năm bôn ba nơi xứ người vất vả nhưng thu nhập vẫn không đủ chi tiêu cho cuộc sống, cuối năm 2023, anh Trịnh Phó Hoàng, đoàn viên Chi đoàn thôn Quỳnh Ngọc 2 (xã Ea Na) trở về quê hương khởi nghiệp. “Trong lúc đang loay hoay tìm kiếm nguồn vốn, tôi được các cán bộ Đoàn xã tư vấn, hướng dẫn tận tình về việc vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Từ đó, tôi đã mạnh dạn vay hơn 50 triệu đồng để đầu tư cải tạo lại 1,5 ha đất trồng cà phê giống xanh lùn có sẵn, xen canh thêm cây tiêu, sầu riêng và trồng thêm 1,2 ha lúa nước. Thời gian đầu do thiếu kinh nghiệm nên cây trồng thường nhiễm bệnh rồi chết, tôi không nản chí mà tiếp tục kiên trì tìm tòi, học hỏi và được Đoàn xã giới thiệu tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn kinh nghiệm chăm sóc cây trồng do chi hội nông dân các cấp tổ chức”, anh Hoàng chia sẻ.

Anh Trịnh Phó Hoàng chăm sóc vườn cà phê

Sau hơn một năm nỗ lực, đến nay, vườn cà phê của anh đã phát triển xanh tốt, bắt đầu cho trái, dự kiến thu hơn 1 tấn cà phê nhân. Hơn 1,2 ha lúa đã thu được vụ đầu với sản lượng hơn 10 tấn và chuẩn bị thu hoạch vụ Hè Thu với ước tính sản lượng hơn 8 tấn lúa tươi. Từ lợi nhuận của các nguồn thu trên, anh Hoàng đã có thể từng bước cải thiện đời sống của bản thân, gia đình.

Trước đây, anh Nguyễn Châu Thanh (xã Bình Hòa) có hơn 5 sào đất trồng cà phê, nhưng cây đã già cỗi cho năng suất thấp, trong khi một mình anh còn phải chăm lo cha mẹ già, sức yếu nên kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, thiếu thốn. Năm 2022, thông qua Đoàn xã Bình Hòa, anh đã được tiếp cận và vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH do Đoàn xã Bình Hòa quản lý.

Bắt tay vào khởi nghiệp, anh dùng vốn vay mua 3 con bò giống về nuôi và tận dụng diện tích đất sẵn có để trồng cỏ làm thức ăn. Lúc đầu, do chưa nắm được kỹ thuật chăn nuôi đúng cách nên bò chậm phát triển. Không nản lòng, anh Thanh chịu khó tìm hiểu và áp dụng cách xử lý các yếu tố gây hại cho vật nuôi, giữ chuồng trại sạch sẽ, thay đổi nguồn thức ăn dinh dưỡng… nhờ vậy đàn bò sinh sản lứa đầu tiên được 2 con và bán được hơn 17 triệu đồng. Từ đó, anh tiếp tục mua con giống để tái đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi. “Trong năm 2023, tôi đã xuất bán được 5 con bò, thu về hơn 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi còn tận dụng nguồn phân chuồng có sẵn để bón cho cà phê, cây ăn trái và hoa màu trong vườn để giảm bớt chi phí. Nhờ có nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH mà giờ đây kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định”, anh Thanh tâm sự.

Anh Nguyễn Châu Thanh có nguồn thu nhập ổn định từ việc đầu tư nuôi bò

Tính đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua Huyện Đoàn đạt trên 86 tỷ đồng với 1.925 lượt hộ vay. Các mô hình kinh tế của thanh niên chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ… mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Bí thư Huyện Đoàn Krông Ana Y Kler Knul cho biết: “Để làm tốt công tác quản lý nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng CSXH, Huyện Đoàn Krông Ana thường xuyên tổ chức tuyên truyền về các chính sách cho vay ưu đãi cùng với giám sát việc vay vốn và sử dụng vốn vay; trong 9 tháng năm 2024 đã tiến hành kiểm tra 20 tổ tiết kiệm và vay vốn cùng 100 hộ vay do các đoàn cơ sở quản lý. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các chương trình vay vốn hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp; vận động đoàn viên, thanh niên sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Thu Thảo

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/kinh-te/202410/chap-canh-cho-thanh-nien-khoi-nghiep-4860ee5/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ