Khó xử lý
Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, đến hết quý I-2016, toàn tỉnh có 3 Liên hiệp HTX và 357 HTX, trong đó có 241 HTX đang hoạt động, 116 HTX ngừng hoạt động. Sự tồn tại của những HTX không còn hoạt động đang ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của thành phần kinh tế HTX, nhất là khi Đắk Lắk đang nỗ lực củng cố để xây dựng mô hình HTX kiểu mới phù hợp với nền kinh tế thị trường và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên để giải quyết dứt điểm những HTX loại này đang là vấn đề khó của các địa phương. Trong 3 tháng đầu năm 2016, cả tỉnh mới giải thể được 4 HTX, còn lại chưa xử lý được do vướng thủ tục hành chính hoặc các HTX không quan tâm hợp tác. Đơn cử như TP. Buôn Ma Thuột, có 75 HTX nhưng có đến 33 HTX ngừng hoạt động, trong đó mới giải thể được 9 HTX, còn lại vẫn chưa giải quyết được.
Liên minh HTX tỉnh đi kiểm tra tình hình hoạt động ở HTX Thành Đạt.
Phòng Kế hoạch – Tài chính của thành phố cho biết, có nhiều lý do chưa giải thể được là nhiều HTX sau một thời gian ngừng hoạt động, cán bộ quản lý đã bỏ đi nơi khác không tìm ra được; một số HTX có nợ do thực hiện các hợp đồng vay vốn, trong quá trình hoạt động bị thua lỗ, không trả được nên không được bên cho vay đồng thuận giải thể; còn lại muốn giải thể nhưng không được giải thể do một số hợp đồng kinh doanh chưa được thực hiện dứt điểm hoặc thiếu một số giấy tờ hành chính … Hay ở huyện Krông Pắc, về lĩnh vực nông nghiệp có 18 HTX nhưng có 10 HTX ngừng hoạt động, hiện đã có 7 HTX làm thủ tục giải thể. Mặc dù huyện đã có nhiều công văn hướng dẫn về việc giải thể các HTX hình thức nhưng nhiều HTX không quan tâm, thậm chí có HTX ngừng hoạt động không báo cáo lên cơ quan quản lý, cán bộ quản lý bỏ đi khỏi địa bàn nên mọi hướng dẫn của chính quyền không được thực hiện… Đây chính là những vướng mắc dẫn tới tình trạng dù không hoạt động nhưng nhiều HTX vẫn chưa giải thể được.
Theo Liên minh HTX tỉnh, từ năm 2003, sau khi các HTX thoát khỏi bao cấp, hoạt động tự thu, chi thì tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc không còn khả năng duy trì hoạt động ở các HTX bắt đầu xuất hiện nhiều, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng. Trên thực tế, HTX nông nghiệp có số lượng lớn nhất và là mô hình thích hợp để liên kết các hộ nông dân hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, giúp nông dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các HTX nông nghiệp đã thu hút được 18.000 thành viên tham gia, giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động. Song do thiếu tài sản thế chấp, thiếu thương hiệu và uy tín nên HTX rất khó vay vốn ở các ngân hàng thương mại, trong khi bản thân của HTX cũng không huy động được vốn của thành viên làm cho đa số HTX luôn trong tình trạng thiếu vốn, dẫn đến phải ngừng hoạt động chiếm tỷ lệ khá cao (35%). Tương tự, ở lĩnh vực xây dựng, các HTX cũng đã thu hút được 2.625 thành viên tham gia, giải quyết việc làm cho khoảng 2.500 lao động có tay nghề để thi công, tu sửa các công trình có quy mô vừa và nhỏ ở địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của nhiều HTX không ổn do thiếu vốn và khó tìm kiếm các công trình xây dựng nên số HTX ngừng hoạt động chiếm đến 69%...
Cần chung tay giải quyết
Theo Sở NN-PTNT, hiện lĩnh vực nông nghiệp có 172 HTX, trong đó có 59 HTX ngừng hoạt động, trong 4 tháng đầu năm 2016 đã giải thể được 10 HTX. Mặc dù các địa phương đưa ra nhiều lý do để lý giải cho việc khó xử lý các HTX loại này nhưng theo ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc xử lý HTX tồn tại hình thức kéo dài, không dứt điểm là do địa phương chưa quan tâm, chưa thực sự vào cuộc. Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, các huyện cần tập trung rà soát lại các HTX đã ngừng hoạt động để xác định các nhóm nguyên nhân. Trên cơ sở đó các địa phương, sở, ngành sẽ ngồi lại để bàn bạc cách tháo gỡ, có như vậy thì mới giải quyết dứt điểm được.
HTX nông nghiệp 714 cung ứng phân bón cho các thành viên.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, để xử lý các HTX tồn tại hình thức, thời gian qua Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn hết sức cụ thể về trình tự cách làm như: đối với HTX nào còn ban quản lý, tài sản… có thể giải thể tự nguyện thì sẽ họp tiến hành giải thể theo quy định, trong trường họp còn vướng quá nhiều về công nợ sẽ thành lập hội đồng giải thể bắt buộc… Tuy nhiên, trên thực tế để giải quyết dứt điểm các HTX tồn tại hình thức còn có những vấn đề khó, đó là những vấn đề mang tính chất lịch sử, kéo dài quá nhiều năm do không có sự kế thừa và chỉ đạo quyết liệt ở địa phương. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế HTX quá mỏng, trong khi nhiều địa phương lại chưa có cán bộ am hiểu lĩnh vực, ngành kinh tế tập thể và chưa dành quan tâm nhiều đến lĩnh vực này. Những vấn đề này đã làm việc giải quyết, xử lý các HTX ngừng hoạt động dây dưa kéo dài hết nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác. Để làm tốt công việc này, Ban chỉ đạo phát triển kinh tế HTX tỉnh đã yêu cầu UBND cấp huyện, xã cần tiến hành rà soát lại hoạt động của các HTX trên địa bàn, sau đó phân loại ra để xử lý theo thẩm quyền của từng cấp, những nội dung nào vượt quá thẩm quyền như về nợ thuế, con dấu… thì xin ý kiến của UBND tỉnh để nhanh chóng có hướng xử lý dứt điểm.
Thuận Nguyễn
BÌNH LUẬN