A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chặn đà tăng CPI, giữ lạm phát dưới 4%

08:02 | 04/06/2018

Con số từ Tổng cục Thống kê: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm đã tăng 0,55% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Nếu không có những giải pháp căn cơ để chặn đà tăng giá và kiềm chế lạm phát thì sẽ khó giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Xăng liên tục tăng giá thời gian qua kéo theo giá nhiều mặt hàng tăng.

Theo đó, tính chung trong 5 tháng đầu năm, CPI đã tăng 3,01 so với cùng kỳ năm trước. CPI tăng cao là do trong tháng này đã có 9 nhóm hàng tăng giá. Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất là 1,72%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,88%; nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,34%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; Các nhóm khác như đồ uống, văn hóa, giải trí và du lịch chỉ tăng nhẹ dưới 0,1%. Tháng này chỉ có nhóm bưu chính viễn thông là giảm với mức giảm 0,14%.

Các nguyên nhân chính gây tình trạng tăng giá của nhiều nhóm mặt hàng trong tháng 5 là do xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng. Cùng với đó, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình và du lịch tăng cao làm cho giá các mặt hàng này cũng tăng hơn so với tháng trước. Hơn nữa việc tăng thuế bảo vệ kịch khung với mặt hàng xăng dầu vào thời gian sắp tới sẽ gây nguy cơ đẩy chỉ số CPI tăng cao. Ngoài ra, các yếu tố khác gây sức ép lên CPI như rủi ro bão lũ, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục, điều chỉnh tiền lương cơ sở từ ngày 1/7, hay việc xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân có thể phát sinh khiến các yếu tố đầu vào tăng kéo theo các mặt hàng khác thiết lập một mặt bằng giá mới cao hơn trước, khiến CPI tháng 5 tăng vọt cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Không thể để CPI tăng chóng mặt như vậy, nếu không chặn đà tăng giá việc kiềm chế lạm phát ở mức thấp theo mục tiêu mà Quốc hội đề ra sẽ rất khó khăn. Trước tình hình giá cả, CPI tăng như vậy, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã triệu tập cuộc họp đưa các giải pháp căn cơ để điều hành giá, giữ lạm phát ở mức dưới 4% như mục tiêu đã đề ra.Theo đó, rất nhiều giải pháp được các thành viên Chính phủ đưa ra để chặn đà tăng giá.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), mặt bằng giá trong 5 tháng đầu năm diễn biến theo hướng tăng tương đối cao là do các nhân tố gây tăng giá trong tháng 4 và 5 đều xuất phát từ thị trường. Dù có nhiều yếu tố khiến các mặt hàng tăng giá như vậy nhưng cũng có không ít yếu tố giúp mặt hàng giá có thể giữ ổn định nếu có giải pháp căn cơ. Chẳng hạn, nhu cầu thực phẩm tươi sống dự báo ổn định và giảm vào mùa hè, giá rau xanh ở mức thấp do thời tiết thuận lợi, giá thuốc chữa bệnh tiếp tục giảm từ 10-15% theo kế hoạch đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, giá một số dịch vụ khám chữa bệnh nhờ các quy định mới khi thay thế Thông tư liên tịch số 37 trong tháng 5/2018, giá cước kết nối các mạng di dộng giảm 20%, lạm phát cơ bản, tỷ giá, lãi suất được điều hành ổn định,...Theo đó, đại diện Bộ Tài chính dự báo rằng nếu có các giải pháp điều hành linh hoạt, căn cơ, chỉ tiêu lạm phát tăng dưới 4% mà Quốc hội đã đề ra có thể thực hiện được. 

“Hoàn toàn có khả năng kiểm soát CPI, lạm phát sẽ dưới mức 4% của năm 2018”-  Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định. Đề thực hiện được mục tiêu này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra rất nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, sẽ đẩy mạnh giảm các mặt hàng, các dịch vụ công do nhà nước quản lý.

Cụ thể, đối với nhiệm vụ bình ổn giá của tháng 6, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ giữ ổn định mức giá đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý, tiếp tục rà soát để đẩy nhanh giảm giá đối với các mặt hàng có khả năng giảm (thuốc chữa bệnh, vật tư y tế); tiếp tục rà soát các trạm BOT đã quyết toán để giảm giá phí dịch vụ đường bộ.

Đối với các mặt hàng đã thực hiện cơ chế giá theo cơ chế, thị trường, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước hài hoà, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn với liều lượng thích hợp, tạo dư địa thuận lợi cho kiểm soát mặt bằng giá cả năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ liên quan định hướng giữ cơ cấu gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo chất lượng cao (80%), còn lại là gạo thường (không quá 20%). Đối với mặt hàng thịt lợn hơi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nắm bắt hiện trạng số lượng đàn nái, lợn thịt từ nay tới cuối năm 2018, tăng cường nâng cao chất lượng đàn, thông báo tới Ban chỉ đạo điều hành giá để điều phối, tránh khan hiếm thịt lợn cục bộ, đẩy giá tăng cao. Tích cực đàm phán với phía Trung Quốc mở cửa thị trường chính ngạch với mặt hàng trái cây của Việt Nam.

Với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đấu thầu thuốc tập trung, đấu thầu vật tư y tế, khẩn trương ban hành thông tư thay thế Thông tư 37 để thi hành vào ngày 15/7/2018, trong đó có 80 giá dịch vụ y tế giảm giá có tác động rất lớn tới giảm chi phí khám chữa bệnh của người dân, tác động tích cực tới Quỹ Bảo hiểm y tế và kéo giảm CPI. Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng quyết định các phương án về thời điểm kết cấu tiền lương trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh và tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế nhằm bảo đảm chỉ tiêu lạm phát và hỗ trợ cho chuyển đổi chi phí khám chữa bệnh theo cơ chế thị trường.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục-Đào tạo sớm sửa đổi Thông tư số 55, khắc phục tình trạng lạm thu năm học mới và kiểm soát giá vật tư văn phòng phẩm. Bộ Xây dựng tăng cường quản lý, không để đầu cơ, thổi giá đất tại các đặc khu kinh tế và vùng ven đô, quản lý tốt giá cả một số vật liệu như cát, sỏi, xi măng. Bộ Tài chính chú ý tốc độ thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công, tránh dồn giải ngân vào cuối năm và kịp thời ứng tiền cho các dự án đầu tư quan trọng. Bộ Công thương quán triệt chỉ đạo của Chính phủ không tăng giá điện trong năm 2018, chỉ đạo EVN phải tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh,...

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương truyền thông đầy đủ, kịp thời về tình hình sản xuất kinh doanh, giá cả các mặt hàng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng trong những tháng cuối năm.

Giữ nguyên giá điện trong năm 2018: Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, bình quân 5 tháng, CPI tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước. Các nhân tố gây tăng giá trong tháng 4, 5 đều xuất phát từ thị trường, không có yếu tố từ công tác điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh dịch vụ y tế, giáo dục, tiền lương cơ sở từ 1-7, tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng thêm 1.000 đồng một lít và xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân... có thể gây sức ép lên CPI. Để giữ mặt bằng giá cả Bộ Công thương sẽ quán triệt chỉ đạo của Chính phủ không tăng giá điện trong năm 2018.  Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất để giữ giá bán lẻ điện, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong sử dụng hiệu quả, hài hoà Quỹ bình ổn xăng dầu.

Giải pháp căn cơ chặn đà tăng giá: Chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ cho rằng, CPI tháng 5 tăng mạnh như vậy chủ yếu do giá cả thế giới tăng (xăng dầu, gas) và cung cầu trong nước (thịt lợn, điện nước có mức sử dụng cao) tăng. Tuy nhiên tình hình này cho thấy rất cần chú ý CPI tiếp tục tăng trong những tháng tới vượt tầm kiểm soát, ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Nếu phân tích kỹ vì sao CPI tăng đột biến 1 trong những nguyên nhân chính là do giá xăng dầu tăng cao. Giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào ngày 8-5-2018 và ngày 23-5-2018, tổng cộng giá xăng A95 tăng 1.010 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.010 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 960 đồng/lít nên bình quân tháng 5-2018 giá xăng dầu tăng 3,68% so với tháng trước. Bên cạnh đó, giá gas điều chỉnh tăng, nhu cầu tiêu dùng điện nước tăng, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài cùng một số nguyên nhân khác đã đẩy CPI tăng cao. 
Còn lý do khiến giá thịt lợn tăng cao cùng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do giá nhập nguyên liệu thô như ngô, lúa mỳ, vitamin, khoáng chất tăng làm cho giá thịt lợn tăng 5,85% so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI chung 0,25%. 
Dù giá nhiều mặt hàng tăng như vậy nhưng, giá hoa quả, giá thuê nhà giảm cũng tác động kìm mức “phi mã” của CPI. Vì vậy Chính phủ phải chủ động, linh hoạt các giải pháp để kìm cương giá, tránh lạm phát quay trở lại gây sức ép cho nền kinh tế.

Nguyên Khánh

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ