A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cây ca cao chưa đăng quang đã thất sủng

05:03 | 10/05/2013

Cây cacao được xác định là “giống cây mũi nhọn” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng kỳ vọng ấy đang thể hiện kết quả rất khác nhau tại nhiều địa phương.

 

 
Ông Y Chang, người dân xã Ea Sar, chỉ thu được 10kg trái cacao tươi, sau đó phải chặt bỏ vì không hiệu quả. Ảnh: Trung Dũng

Riêng tại Tây Nguyên, báo cáo của viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường – iSEE (thuộc bộ Khoa học và công nghệ) đã đặt dấu hỏi về hiệu quả cây công nghiệp này. Qua khảo sát thực tế của chúng tôi, hàng loạt hộ dân đã và đang chặt hoặc bỏ bê cây cacao.

Từ kỳ vọng về giống cây mới

Theo hai kết quả nghiên cứu mới công bố của iSEE, tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên như Dăk Lăk, Dăk Nông… cây cacao giữ vai trò trồng thuần thay thế cho càphê, điều, hoa màu hoặc trồng xen canh với các loại cây ăn trái. Được xác định là cây “mũi nhọn” để xoá đói giảm nghèo, từ năm 2002 UBND tỉnh Dăk Lăk (chưa tách tỉnh) ban hành quyết định phê duyệt dự án quy hoạch vùng phát triển cây cacao trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 là 10.000ha (sau này, khi tách tỉnh, diện tích cacao được quy hoạch trên địa bàn Dăk Lăk là 6.000ha). Ban đầu, các huyện được quy hoạch phát triển cacao ở tỉnh Dăk Lăk là Ea Kar, Ma Đ’răk, Krông Bông và Lắk. Năm 2006, thêm hai huyện Krông Năng và Ea H’leo vào vùng quy hoạch cây cacao. Điều này càng được cụ thể hoá bởi những hỗ trợ về cây giống (300 cây/hộ dân), phân bón, kỹ thuật chăm sóc giai đoạn đầu… từ dự án Success Alliance – SA (Mỹ). Năm 2007, hàng chục ngàn hộ dân bỏ hoa màu hay chặt càphê, điều, chuyển sang trồng cacao.

Tại huyện Ea Kar, từ năm 2007 đến nay, cây cacao được nhân rộng phổ biến, đặc biệt là sau khi UBND tỉnh cho phép tổ chức Hợp tác phát triển nông nghiệp quốc tế (ACDI/VOCA) đầu tư và phát triển cacao bền vững tập trung tại tám xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Đar, Ea Tih, Ea Păn, Ea Ô, Cư Ni và Xuân Phú. Diện tích trồng cacao tại Ea Kar đã tăng từ 16,4ha năm 2006 lên 902ha năm 2011, mở rộng trên địa bàn 16 xã, thị trấn và doanh nghiệp. Có 22 câu lạc bộ trồng cacao được thành lập với sự tham gia của 880 nông dân. Việc mở rộng diện tích cũng diễn ra ở huyện Lăk khi cuối năm 2010 cả huyện chỉ có 61,3ha, đến tháng 9.2011 diện tích trồng cacao đạt khoảng 205ha tập trung ở năm xã: Dăk Phơi, Yang Tao, Bông Krang, Dăk Nuê và Dăk Liêng. Từ năm 2007 đến nay, trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng ba mô hình trình diễn, thành lập và duy trì 39 câu lạc bộ sản xuất cacao với 1.332 hộ nông dân tham gia.

Tương tự, từ năm 2007, nếu nhìn vào số liệu ở nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên, diện tích cacao tăng đều theo kỳ vọng thoát nghèo…

Đến chặt cacao hàng loạt

Mục tiêu đề ra là vậy nhưng theo kết quả khảo sát của iSEE đến năm 2010, diện tích cacao toàn tỉnh Dăk Lăk chỉ đạt 1.935ha, xấp xỉ 1/3 kế hoạch đề ra. Trái với dự tính ban đầu, đã bắt đầu xuất hiện tình trạng người dân chặt cacao hàng loạt vì không hiệu quả.

Được đánh giá là huyện thành công trong việc triển khai dự án cây cacao, nhưng có đến 300/900 hộ trồng cacao tại huyện Ea Kar đã chặt bỏ cây, còn số hộ bỏ bê, không chăm sóc cây chưa thống kê được. Ông Nguyễn Văn Sỹ, chủ tịch UBND xã Ea Sar (huyện Ea Sar) cho biết trước đây xã này có 160ha cacao thì hiện chỉ còn 139ha. Xã Ea Pô (Chư Jút, Dăk Nông) năm 2012 có 65ha cacao, hiện chỉ còn khoảng 25% diện tích. Tại huyện Lăk, toàn bộ diện tích cacao được trồng trong những năm trước 2007 không còn giữ vai trò gì trong kinh tế nông hộ; toàn bộ diện tích 205ha cacao được phát triển mới đây đều thuộc về dự án SA, không có bất kỳ diện tích cacao nào được phát triển trong khuôn khổ dự án 10.000ha của tỉnh. Ngoài những nguyên nhân như sâu bệnh, không hợp thổ nhưỡng, TS Vũ Hồng Phong, cán bộ iSEE, cho rằng người nông dân “hết kiên nhẫn” với cacao bởi hụt hẫng khi giá hạt cacao giảm mạnh: từ 60.000 đồng xuống còn khoảng 40.000 đồng/kg, đầu ra bị động khi phụ thuộc vào các đại lý thu mua.

Ông Y Thin Byă, trưởng thôn Ea Sar (xã Ea Sar, huyện Ea Sar) buồn giọng kể về quyết định chặt bỏ 300 cây cacao trồng từ năm 2010 để chuyển qua trồng mía: “Bà con trồng nhưng thấy không hiệu quả bằng trồng mía, sắn nên chặt”. Ông Y Phach người buôn Ya Sar, cũng chọn giải pháp tương tự vì 300 cây cacao chỉ kịp thu 10kg cacao tươi, không giúp nhà ông thoát khỏi cảnh hộ nghèo với căn nhà mái tôn, vách gỗ mục nát. Tại xã này, ở nhiều thôn, ấp một nửa số hộ trồng cacao giờ đã giảm 50 – 60% với những lý do cây bị sâu bệnh, thiếu nước nên chết và quan trọng hơn là tiền thu không bù công, trong khi trồng sắn “mau thấy tiền hơn”. Những hộ đang trồng không dám chặt vì lỡ đầu tư công và phân bón, chấp nhận cảnh thu gom, lên men hạt bằng phương pháp thủ công và bán lai rai cho các đại lý tại địa phương… Ông Sỹ cho biết: “Nếu coi cacao mang tính xoá đói giảm nghèo ở xã thì chưa. Xã đang có hướng chuyển qua phát triển cây ăn trái”.

Tại huyện Lăk, ông Niê Y Hoàng, chuyên viên phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết diện tích trồng cacao của huyện trước đây là 1.000ha, hiện nay còn phân nửa, tỷ lệ thành công 50/50. Địa điểm mà ông Hoàng trả lời phỏng vấn là tại vườn ông Y Krông Du thuộc xã Yang Tao, trước đây trồng 150 cây cacao nhưng hiện chỉ còn mươi cây còi cọc và héo úa. Ông Tao nhẩm tính, mảnh vườn hơn 1.000m2 trồng cacao được bốn năm mới thu bói được 2,4 triệu đồng, giờ bỏ trống trong khi nhà có 14 người.

Từ kết quả khảo sát, đối chiếu với nghiên cứu của iSEE, có thể thấy rào cản chính đối với sự phát triển của cây cacao là loại cây này không có lợi ích kinh tế vượt trội, kỹ thuật chăm sóc và chế biến phức tạp... Chưa thể coi là đại diện cho toàn khu vực, tuy nhiên thông tin từ một kết quả nghiên cứu khoa học khi đối chiếu với những chủ trương triển khai trong thực tế, rõ ràng mang lại những kết quả đáng suy ngẫm.

TRỌNG VĂN

Từ năm 2005, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thành lập ban Điều phối cacao Việt Nam nhằm hỗ trợ xây dựng các chính sách liên quan tới ngành sản xuất cacao. Hệ thống tiêu chuẩn cho cây cacao và sản phẩm cacao cũng đã được xây dựng trong năm 2006. Ngày 14.9.2007, bộ ban hành quyết định 2678/2007/QĐ-BNN-KH, đề ra mục tiêu đến năm 2015 phải đạt 60.000ha cacao và đến năm 2020 là 80.000ha. Theo trung tâm Khuyến nông quốc gia, tổng diện tích cacao cả nước đến cuối năm 2011 đạt 20.100ha, sản lượng đạt 5.500 tấn.

 

    Theo SGTT.VN

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ