A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đồng bào dân tộc Tây Nguyên đổi đời nhờ cây cao su

05:25 | 08/05/2013

Tây Nguyên vùng cao nắng gió bạt ngàn bây giờ đã đổi thay nhiều so với những năm 1990 trở về trước.

Chủ trương của Chính phủ từ năm 1984 về một vùng chuyên canh cây cao su đạt diện tích hàng trăm ngàn ha được triển khai trên mảnh đất này như một làn gió mới làm đổi thay đời sống hàng vạn đồng bào người dân tộc Jarai, Bana, Êđê… tại các buôn làng.

Tây Nguyên hiện có hơn 103.000ha cây cao su thuộc các Tổng công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk, Chư Sê, Chư Păh, Chư Prông, Mangyang (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) và các Công ty 72, 74, 75 (thuộc Binh đoàn 15). Triển khai kế hoạch đổi 50.000ha rừng nghèo, rừng kiệt sang rừng cao su còn có sự tham gia phát triển vùng chuyên canh cây cao su của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH Quốc Cường và hàng ngàn chủ cao su tiểu điền trên địa bàn. Sự phát triển rầm rộ cây cao su đã thu hút hơn 30.000 lao động, trong đó 50% lao động là đồng bào các dân tộc Jarai, Bana, Êđê…
Nói về gian khó từ những ngày đầu lên Gia Lai lập nghiệp (1984), Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH MTV cao su Chư Sê Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ: “Chúng tôi không ngại những khó khăn về đường, điện, trường, trạm… Tất cả đều sẽ ổn nếu mình quyết tâm đi đến cùng. Điều ngại nhất lúc đó là làm sao hướng đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn gắn bó với cây cao su”. Thế là làng Pan của “cao su Chư Sê” ra đời. Làng Pan là làng tập họp hơn 40 hộ bà con người dân tộc Jarai là công nhân của Nông trường Cao su IaGlai (Tổng công ty THHH MTV cao su Chư Sê). Dù được vận động và tình nguyện vào làm công nhân cao su nhưng tinh thần của bà con làng Pan lúc đầu vẫn chưa ổn. Được thuyết phục dần theo thời gian, đến khi cây cho mủ, thu nhập cao lên, nhà cửa tiện nghi ổn định, đời sống người làng Pan khá dần lên. Anh Rơ Ma Hiên, Phó Giám đốc dân vận Nông trường IaGlai cho biết: “Thu nhập bình quân của công nhân nông trường hiện nay khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, nhà đồng bào nào cũng có 2 xe máy”. Về làng Pan, ghé thăm nhà công nhân K’ Bui Thơm trong căn nhà xây cấp bốn khang trang, anh phấn khởi nói: “Tôi nghe lời nông trường chăm sóc vườn cây cao su, bắt nó cho mủ ngày càng nhiều nên đời sống khá hơn trước”. Con cái K’ Bui Thơm đều được học hành đến nơi đến chốn. Ngoài việc phụ chồng chăm sóc vườn cây, vợ K’ Bui Thơm còn nuôi thêm bò cải thiện kinh tế gia đình. Học tập kinh nghiệm “dân vận” từ làng Pan, nhiều ngôi làng kiểu mẫu của bà con người dân tộc thuộc vùng cao su Chư Sê đã hình thành sau đó.
Còn Tổng công ty TNHH MTV cao su Krông Buk (Đắklắk) có gần 1.500 công nhân, 15% trong số này là bà con người dân tộc Êđê. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thành, một trong những khó khăn ban đầu của tổng công ty là làm cách nào để đưa công nhân người Êđê vào quỹ đạo làm việc có kỹ thuật, kỷ luật. Tập quán du canh du cư lâu đời của bà con đã gây ra không ít những bỡ ngỡ ban đầu khi họ khoác trên mình chiếc áo xanh công nhân cao su. Nhiệm vụ phát triển vùng chuyên canh cây cao su trên Tây Nguyên của các tổng công ty cao su không chỉ đơn thuần là làm kinh tế; mà còn phải gắn liền với việc góp phần ổn định xã hội, xây dựng hạ tầng cơ sở tại địa phương và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc ít người bản địa. Xuất phát từ trăn trở này, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thành đã xây dựng kế hoạch kết nghĩa thôn - buôn. Một thôn người Kinh kết nghĩa với một buôn làng người Êđê để đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau những kinh nghiệm và điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Ngoài chuyện cùng nhau ra lô để chỉ vẽ kinh nghiệm chăm sóc, cạo mủ cao su; bà con Kinh - Thượng vùng cao su Krông Buk còn vui vẻ giúp nhau làm kinh tế gia đình trên diện tích rừng cà phê bạt ngàn.
Ở Nông trường Suối Mơ (Công ty TNHH MTV cao su Chư Prông - Gia Lai), đội trưởng đội 16 Kpuis Khốt nổi lên như một tấm gương sáng. Ngày mới được nhận vào làm công nhân cao su, Kpuis Khốt mới học hết lớp hai, được ban giám đốc nông trường vận động đi học bổ túc văn hoá, giờ anh đã có bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở. Đội 16 của Kpuis Khốt có 55 công nhân, nhận khai thác mủ cao su trên diện tích 188 ha, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/ người/ tháng. Riêng vợ chồng đội trưởng khá vững vàng với tổng thu nhập không dưới 20 triệu đồng/tháng (lương công nhân kết hợp trồng trọt, chăn nuôi cải thiện). Anh chị có 4 con, các cháu đều được đến trường và học giỏi.
Ngoài lương nhận từ việc khoán vườn cây, bà con Công ty TNHH MTV cao su Chư Păh còn được đơn vị “tín chấp” để vay vốn ngân hàng trồng cà phê, tiêu, điều… cải thiện kinh tế gia đình. Hiện nay, cùng với việc triển khai các dự án trồng cao su; công ty còn chú ý triển khai các dự án chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, đưa giống mới vào sản xuất nông nghiệp… cho các hộ bà con người dân tộc với hơn 300 ha cà phê, hơn 500 ha cao su tiểu điền, 150 ha tiêu và đàn bò hàng ngàn con. Anh Rơ Ma Khiên đang cạo mủ ở vườn cây hào hứng cho biết: “Bây giờ đồng bào Bana nào cũng thích làm cao su lắm. Vừa no cái bụng lại có nhà đẹp, xe đẹp. Mỗi năm lại được công ty cho xuống biển một lần. Hồi giờ, đồng bào ở rừng có nằm mơ tới giàng cũng không biết biển là gì đâu”.
Không chỉ trên đời sống cụ thể từng con người, từng gia đình mà sự khởi sắc còn được thể hiện từ hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm… khang trang, hiện đại. Cao su Chư Pảh đã xây dựng những nhà rông văn hoá dọc tuyến biên giới Đức Cơ - IaGrai cho đồng bào sinh hoạt tập thể. Cao su Chư Sê đã trích hàng chục tỉ đồng quỹ phúc lợi làm đường sá, cầu cống cho hệ thống giao thông giữa các buôn làng. Cao su Krông Buk cũng chi hàng tỉ đồng mỗi năm để chăm sóc sức khoẻ đồng bào trên địa bàn. Cao su Chư Prông chi hàng chục tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tiên tiến cho các nhà máy chế biến mủ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Với những kết quả này, có thể khẳng định cây cao su đã thật sự làm đổi đời bà con dân tộc ít người ở Tây Nguyên, đem lại đời sống ấm no, nâng cao dân trí, góp phần ổn định kinh tế xã hội tại địa phương./.
Nguyên Khang

    Theo VEN.VN

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ