A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

'Cửa sáng' cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô

09:36 | 08/10/2024

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã tham gia dần vào các chuỗi cung ứng và đạt được giá trị gia tăng tương đối cao.

Bên cạnh đó, nhiều ngành nâng mức tự chủ nguồn nguyên vật liệu như: ngành dệt may - da giày tự chủ khoảng 30 - 45%; ngành cơ khí chế tạo tự chủ phần nguyên liệu khoảng 30%; riêng lĩnh vực ô tô tỷ lệ nội địa hóa tương đối lớn…

Ngành công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Ảnh: Cấn Dũng.

Còn nhiều dư địa

Theo thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cả nước hiện có hơn 377 doanh nghiệp (DN) sản xuất liên quan đến ô tô, trong đó có 169 DN FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Có khoảng hơn 40 DN sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...

Số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô hiện có chưa đến 100 nhà cung cấp cấp 1 và 150 nhà cung cấp cấp 2, 3. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

Tổng số sản phẩm trong ngành là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.

Các DN đang tập trung phát triển những sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp hoặc linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…, tổng cộng 287 chi tiết, cụm chi tiết, đạt tỷ lệ khoảng 20%. 80% còn lại, trong đó có các chi tiết, linh kiện chính của ô tô về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, Việt Nam đang phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài.

Trong khi đó, một chiếc xe ô tô có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện, với hàng trăm bộ phận bán dẫn cùng khoảng 1.400 loại chip trên xe. Tuy nhiên, chưa có DN trong nước nào sản xuất được đầy đủ một con chip mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa ô tô, chủ yếu là các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ô tô của Việt Nam, do đó cũng thấp hơn so với các quốc gia đi trước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia (trung bình 65 - 70%).

Ngoài tỷ lệ nội địa hóa thấp, ô tô trong nước còn chịu chi phí sản xuất lắp ráp cao hơn các nước trong khu vực. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, nguyên nhân do linh kiện sản xuất trong nước còn ít khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn từ 10 - 20%, đẩy giá bán xe lắp ráp trong nước cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.

Cục Công nghiệp cho biết, tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng xếp thứ hai Đông Nam Á. Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô nước ta nói chung và công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp ô tô nói riêng được nhận định vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.

Doanh nghiệp tự nâng cao năng lực

Để cải thiện năng lực sản xuất của các DN công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, Bộ Công thương thời gian qua đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế cũng như đưa ra nhiều chính sách để khích lệ DN địa phương nâng cao năng lực.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đánh giá cao vai trò từ định hướng của Bộ Công thương và sự tham gia rất tích cực của các sở, ban, ngành tại địa phương.

Minh chứng cho thấy các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể cả về chất và lượng trong thời gian qua. Về mặt số lượng, từ đánh giá ban đầu là có hơn 300 DN Việt Nam đạt được chứng chỉ ISO/TS 16949, tuy nhiên, đến hiện tại thì con số này đã đạt được trên 500. Còn về chất lượng, các DN Việt Nam đã chuyển dịch dần trong việc là không chỉ sản xuất những linh kiện mà có hàm lượng công nghệ thấp và chỉ cần tập trung vào những thế mạnh về nhân công giá rẻ, mà đã tiến lên những nấc thang cao hơn của các linh kiện đòi hỏi về công nghệ cao hơn, ví dụ như dập rèn, hay là các linh kiện cho những dòng xe mới. Bên cạnh đó, trình độ quản lý của tầng lớp lãnh đạo, nhận thức về việc nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng, chi phí, khả năng giao hàng cũng đã được nâng lên một bước đáng kể.

Ngoài ra, những chương trình phối hợp giữa Toyota với Bộ Công thương và địa phương thời gian qua đã trở thành một điểm nhấn trong sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, trong đó góp phần nâng cao năng lực của các DN tại các địa phương.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp nói chung cũng như công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng chính sách tại địa phương để hỗ trợ trực tiếp cho các DN; xây dựng các cơ chế làm sao trong quá trình thu hút đầu tư phải có những ràng buộc với các DN nước ngoài trong công tác phát triển tỉ lệ nội địa hóa.

Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để xây dựng các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương cũng như hoàn thiện các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của trung ương… để các chính sách ngày càng hỗ trợ các DN một cách trực tiếp và thiết thực hơn.

T.Hằng

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/cua-sang-cho-cong-nghiep-ho-tro-nganh-o-to-10291857.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ