A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mạnh tay với "Đệ tử lưu linh", bảo đảm an toàn giao thông

10:51 | 24/05/2015

Thực hiện Kế hoạch số 356/KH-UBATGTQG ngày 25-11-2014 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) về việc “Kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ”, ...

... thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, qua đó góp phần kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn.

Kiên quyết xử lý nghiêm “ma men”

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT ở nước ta. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, ngày 25-11-2014 UBATGTQG đã ban hành Kế hoạch số 356/KH-UBATGTQG về việc “Kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ”. Ngày 15-12-2014 Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 18/KH-CAT chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Kế hoạch này được triển trong thời gian từ cuối năm 2014 và xuyên suốt năm 2015, trong đó, tập trung chủ yếu vào 3 đợt cao điểm (đợt 1 từ 15-12 đến 31-12-2014, đợt 2 từ 14-1 đến 31-1-2015 và đợt 3 từ 15-2 đến 28-2-2015). Theo đó, lực lượng công an trong toàn tỉnh mà nòng cốt là lực lượng CSGT đã đồng loạt vào cuộc, thực hiện nghiêm đợt cao điểm. Riêng Phòng CSGT (Công an tỉnh) đã triển khai 8 tổ công tác, mỗi tổ từ 8 đến 10 cán bộ chiến sĩ thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu, karaoke… trong khung thời gian từ 16 đến 22 giờ hằng đêm, đặc biệt vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết. Việc bố trí lực lượng được tiến hành song song giữa công khai và bí mật (CSGT hóa trang, mặc thường phục). Lực lượng CSGT hóa trang sẽ tiếp cận các đối tượng vi phạm rồi thông báo với CSGT công khai qua bộ đàm nhanh chóng triển khai lực lượng, tiến hành đo nồng độ cồn đối với người vi phạm. Cán bộ chiến sĩ khi tham gia được trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý kịp thời, chính xác các trường hợp vi phạm.

Lực lượng CSGT tỉnh kiểm tra nồng độ cồn một tài xế xe môtô  trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

 Lực lượng CSGT tỉnh kiểm tra nồng độ cồn một tài xế xe môtô trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Đặc biệt, thời gian qua, lực lượng CSGT tỉnh đã triển khai mô hình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo kinh nghiệm quốc tế trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cửa ngõ vào TP. Buôn Ma Thuột. Trước mỗi điểm kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng chức năng đặt các cọc tiêu và biển báo phản quang để người điều khiển phương tiện dễ dàng nhìn thấy chốt kiểm tra và tuân thủ các yêu cầu của lực lượng CSGT. Sau khi xe dừng, nếu là ô tô thì tài xế được ngồi trên xe để kiểm tra nồng độ cồn. Trong quá trình kiểm tra máy sẽ xác định trong hơi thở của lái xe có nồng độ cồn hay không; nếu không có thì lái xe sẽ tiếp tục hành trình, nếu có thì được yêu cầu vào khu vực xử lý để tổ công tác tiến hành đo nồng độ cồn xác định mức độ vi phạm. Việc triển khai mô hình này giúp rút ngắn được thời gian xử lý, tránh phiền hà, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác nên nhận được sự đồng tình của lái xe. Đối với trường hợp các vụ TNGT, lực lượng CSGT nhanh chóng có mặt để điều tra nguyên nhân và gặp trực tiếp lái xe (kể cả khi lái xe đang được cấp cứu ở bệnh viện) để lấy mẫu (mẫu máu hoặc nước tiểu) xét nghiệm kiểm tra ngay nồng độ cồn, nếu như người gây tai nạn vi phạm nồng độ cồn thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Góp phần kiềm chế tai nạn giao thông

Theo thống kê của Phòng CSGT (Công an tỉnh), từ cuối năm 2014 đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 7.865 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; thu nộp ngân sách Nhà nước 9,2 tỷ đồng. Nhờ sự quyết liệt của lực lượng CSGT nên năm 2014 và quý I-2015, TNGT trên địa bàn toàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Riêng thời gian 3 đợt cao điểm xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, toàn tỉnh xảy ra 79 vụ TNGT, làm chết 39 người, bị thương 86 người, hư hỏng 48 phương tiện giao thông các loại (giảm 5 vụ, giảm 2 người chết, giảm 4 người bị thương so với thời gian liền kề trước đó). Đại tá Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: “Thực tế qua tuần tra kiểm soát, chúng tôi nhận thấy, những người say rượu, bia thường không chịu thừa nhận mình say. Họ biện minh rằng, dù có chếnh choáng hơi men nhưng vẫn làm chủ được hành vi, làm chủ được tay lái. Thậm chí có nhiều trường hợp không chấp hành hiệu lệnh, có hành vi lăng mạ, chống đối lực lượng chức năng. Đối với các hành vi này, chúng tôi nhắc nhở, giải thích để người vi phạm tự giác chấp hành, nếu họ vẫn cố tình vi phạm thì CSGT sẽ điện báo cho các lực lượng chức năng phối hợp hỗ trợ, lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật”.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mặc dù TNGT giảm mạnh cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng uống rượu, bia điều khiển phương tiện rồi gây TNGT. Đặc biệt vào dịp lễ hay dịp cuối tuần, người dân có thói quen và nhu cầu sử dụng rượu bia cao hơn. Vì vậy, thời gian tới lực lượng CSGT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá quy định; đồng thời sẽ đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của việc lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông...

Tăng cường công tác phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu, bia khi tham gia giao thông là nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo đảm TTATGT trong giai đoạn hiện nay của Chính phủ cũng như Chương trình hành động “Thập kỷ hành động ATGT toàn cầu” do Liên Hiệp quốc phát động. Tuy nhiên, nếu chỉ có lực lượng chức năng vào cuộc thôi thì chưa đủ mà rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, nhất là ý thức của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông.

Thế Hùng

 

    Nguồn: Baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ