A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Cảnh giác với "cho vay không thế chấp"

08:22 | 04/11/2015

Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hình thức cho vay không cần thế chấp. Với những “chiêu tiếp thị” khá chuyên nghiệp, hình thức cho vay này đang dần xâm nhập sâu vào cộng đồng.

“Với sản phẩm vay tiền không thế chấp tài sản của chúng tôi, quý khách có thể thực hiện tất cả các kế hoạch của mình thật dễ dàng. Dù là cần tiền đặt cọc cho chiếc xe hơi mới, sửa sang nhà cửa, du lịch nước ngoài, du học mở mang kiến thức, hay cho bất kỳ nhu cầu chi tiêu cá nhân nào khác, dịch vụ cho vay tiền không thế chấp của chúng tôi sẽ giúp quý khách giải quyết vấn đề tài chính cho những kế hoạch đã được đặt ra một cách nhanh chóng”. Đó là một đoạn quảng cáo của hình thức cho vay không cần thế chấp. Hiện nay không khó để bắt gặp những đoạn quảng cáo như trên khi chúng được dán nhan nhản trên các cột điện, tường rào... tại các khu dân cư. Không những vậy, khi gửi xe để vào các trung tâm mua sắm, quán ăn, quán cà phê... khách hàng cũng sẽ dễ dàng tiếp nhận những thông tin kiểu như vậy từ các tờ rơi, card visit ghi đầy đủ thông tin và số điện thoại để liên hệ trực tiếp được dắt vào yên, gác ba ga xe. Điểm chung nổi bật của hình thức cho vay này là thủ tục vay tiền nhanh, không cần thế chấp tài sản, số tiền được vay cao... Gọi vào số điện thoại của một trong những tờ rơi quảng cáo để đặt vấn đề vay tiền, một người tên Trung tự xưng là chuyên viên ngân hàng đã tư vấn khá nhiệt tình và đầy đủ về hình thức, thủ tục cho vay. Đáng chú ý là, người vay không cần có hộ khẩu KT3 hoặc tạm trú; đang có nợ; công ty mới thành lập; nhận lương tiền mặt; nộp hồ sơ ngân hàng từng bị từ chối cách thời điểm vay trên 4 tháng vẫn vay được mà không cần phải làm hợp đồng. Theo số điện thoại ở một tờ rơi khác, gặp một “chuyên viên ngân hàng” tên Tấn Thành tư vấn muốn vay tiền, người vay chỉ cần có một trong những điều kiện: đang làm công ty lương trên 3 triệu đồng/tháng; đứng tên hóa đơn tiền điện với mức phí trên 300 nghìn đồng/tháng; đang tham gia bảo hiểm nhân thọ trên 1 năm; đang nợ một tổ chức tín dụng là sẽ được cho vay; số tiền vay dao động từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, trả gốc và lãi từ 6 tháng đến 36 tháng; thời gian giải ngân chỉ trong 24 giờ.

Tờ rơi, card visit giới thiệu về hình thức “cho vay không thế chấp”.

Tờ rơi, card visit giới thiệu về hình thức “cho vay không thế chấp”.

Thực tế, những hình thức tín dụng kiểu này là cho vay với lãi suất rất cao, người vay phải trả nợ gốc với lãi suất cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất nhiều. Chẳng hạn, với khoản vay 10 triệu đồng, nếu trả trong thời gian 6 tháng, người vay phải trả 1,9 triệu đồng/tháng (số tiền cuối cùng là 11,4 triệu đồng, tương đương với lãi suất gần 27,6%/năm); nếu trả trong 36 tháng, người vay phải trả 470 nghìn đồng/tháng (số tiền cuối cùng là 16 triệu 920 nghìn, tương đương với lãi suất 23,04%/năm). Mặt khác, lãi suất đó còn được tính trên tiền vay gốc nên dù tiền gốc đã trả nhưng tiền lãi vẫn không giảm.

Theo quy định của NHNN, thì tổ chức, cá nhân muốn cho vay phải có chức năng kinh doanh tiền tệ và phải bảo đảm tuân thủ quy định của Nhà nước về lãi suất; phải có giấy phép của cơ quan chức năng vì kinh doanh tiền tệ là ngành kinh doanh có điều kiện. Theo một cán bộ NHNN Chi nhánh Đắk Lắk, việc cho vay không thế chấp là một hình thức lách luật, NHNN không thể kiểm tra bởi hoạt động này không nằm trong hệ thống của ngân hàng. Thực tế là trên các tờ rơi quảng cáo không hề có tên công ty, địa chỉ liên hệ mà chỉ có số điện thoại của các “chuyên viên ngân hàng” để liên lạc trực tiếp. Đây là một kiểu kinh doanh bất hợp pháp nên người vay phải thận trọng.

 P.V

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ