A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Nạn nhân bạo lực gia đình 'không biết bấu víu vào đâu'

08:47 | 26/11/2015

Điều tra Quốc gia về Bạo lực gia đình cho thấy, 58% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục và tinh thần từ người thân; ...

... 87% cho biết họ đã bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; 10% cho biết họ đã bị bạn tình của họ cưỡng ép tình dục. Tuy nhiên có đến 87% nạn nhân bạo lực gia đình đã không tìm kiếm được sự giúp đỡ nào vì thiếu các dịch vụ hỗ trợ mà họ có thể tiếp cận. 

 

Có đến 87% nạn nhân bạo lực gia đình đã
không tìm kiếm được sự giúp đỡ nào. Ảnh: TL.

Trên đây là những con số đáng buồn được đưa ra tại Diễn đàn chính sách: Thực trạng và giải pháp ứng phó với bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em tại Hà Nội do Bộ LĐTB&XH tổ chức sáng 25/11.
   
Khó xử lý 

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những hành vi vi phạm nghiêm trọng nhất về quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên chủ đề bạo lực tình dục thường được coi là quá nhạy cảm để thảo luận công khai vì còn nhiều định kiến đối với các nạn nhân. Nạn nhân của bạo lực tình dục thường bị kỳ thị khi họ được phát hiện, do đó, họ thường giữ im lặng. 

Theo khảo sát của Trung tâm Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) năm 2012 cho thấy, hơn 37% phụ nữ được khảo sát cho biết họ bị ép quan hệ tình dục trong giai đoạn từ 1 đến 3 năm chung sống cùng nhau;  60% phụ nữ cho biết buộc phải quan hệ tình dục ngay cả trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc lúc đang đau ốm. Tuy nhiên, 83% phụ nữ bị bạo lực chấp nhận và cam chịu, chỉ 13% chị em là phản ứng quyết liệt và cương quyết cự tuyệt khi bị ép quan hệ.

Đáng lo ngại khi sự cam chịu lên tới đỉnh điểm, nhiều phụ nữ đã nghĩ tới những điều tiêu cực. 49% trong số đối tượng khảo sát đã từng có ý nghĩ sẽ tự tử vì phải chịu đựng các hình thức bạo lực tình dục. 40% trong số đó đã thực hiện các hành vi kết thúc cuộc sống bằng những hình thức khác nhau như mua thuốc trừ sâu, uống thuốc ngủ, treo cổ tự tử, nhảy cầu, nhảy sông… nhưng không thành. Ngoài những tổn thương sâu sắc về tâm lý, phụ nữ bị bạo lực tình dục cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm các bệnh tình dục và HIV/AIDS.

Hậu quả để lại bạo lực tình dục vô cùng lớn thế nhưng việc nhận diện cũng như xử lý bạo lực tình dục không hề đơn giản. Về điều này Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cũng thừa nhận, so với các dạng bạo lực khác, việc đánh giá thực trạng và xử lý gặp nhiều khó khăn hơn.      

 “Phải chăng các quan niệm về văn hóa truyền thống đã góp phần làm cho tình trạng bạo lực này gia tăng song lại vẫn ở trong bóng tối, ít được đề cập tới và vô hình chung phụ nữ vẫn tiếp tục là nạn nhân của tình trạng này. Và ngoài quan niệm truyền thống thì còn những nguyên nhân, những rào cản nào khác mà chúng ta cần nhận diện để làm tốt hơn nữa công tác phòng ngừa và ứng phó tình trạng bạo lực tình dục nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái”-Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh. 
     
Cần có số liệu thống kê 

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã dần từng bước xây dựng khung pháp lý giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình, cũng như tăng cường thực thi pháp luật nhằm từng bước thu hẹp bất bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn khoảng cách giữa luật pháp, chính sách và thực thi pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.

Vậy làm thế nào để chuyển biến được nhận thức và hành động của mỗi người về thực hiện bình đẳng giới, về đấu tranh chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái bằng những việc làm cụ thể, thiết thực chứ không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu.

Theo bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, cần có số liệu thống kê toàn diện cấp quốc gia về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái trong tất cả các môi trường. Bên cạnh  đó cần có những cải tiến trong hệ thống pháp luật hiện hành cũng như quá trình thực thi hệ luật để đưa những vụ bạo lực tình dục ra ánh sáng công lý.

Trong đó cần thay đổi suy nghĩ và thái độ của người dân về bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tình dục, bao gồm quấy rối tình dục. Nam giới cần phải nhận ra rằng phụ nữ có quyền được bình đẳng như nam giới, và nam giới cần tôn trọng quyền của phụ nữ được an toàn trong bất kỳ môi trường nào: tại nhà, tại nơi làm việc hoặc ở những nơi công cộng. 

Xuất phát từ thực trạng trên, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: Những vấn đề được thảo luận tại Diễn đàn có ý nghĩa nhằm nhận diện những khoảng trống về chương trình và chính sách liên quan đến vấn đề này, từ đó làm căn cứ đề xuất các khuyến nghị, giải pháp phù hợp và hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.  

Ngày 17-12-1999, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã chỉ định ngày 25-11 hàng năm là Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Theo đó, Liên hợp quốc đã kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ khắp thế giới tổ chức các hoạt động vào ngày này để nâng cao ý thức của mọi người về tình trạng bạo hành đối với phụ nữ. 

 Lê Bảo

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ