A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nộp tiền phạt vi phạm giao thông qua bưu điện: Tiện cho dân, hạn chế tiêu cực

08:29 | 12/03/2016

Ngày 4/2/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 1/2016 trong đó cho phép Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện dịch vụ thu, ...

... nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua hệ thống bưu điện. Ngày 1/3/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có Văn bản 495 gửi Bộ Công an đề nghị hỗ trợ mạng lưới bưu điện triển khai. Hôm qua (9/3) tại TP HCM, Bưu điện TP Hồ Chí Minh cùng Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai rộng rãi dịch vụ này.

 

Cảnh sát giao thông lập biên bản người vi phạm. Ảnh: TL.

Giảm phiền hà cho người nộp phạt

Từ ngày 9/3, dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua hệ thống bưu điện đã được chính thức thực hiện rộng rãi tại TP Hồ Chí Minh. Gói dịch vụ này do Thanh tra giao thông (thuộc Sở GTVT TP HCM) phối hợp cùng Bưu điện TP HCM thực hiện. Dịch vụ được triển khai trên địa bàn các quận, huyện tại TP HCM với hai hình thức:

1. Các phương tiện vi phạm giao thông có mức phạt trên 500.000 đồng, thay vì trực tiếp đi đóng phạt ở kho bạc thì chỉ cần gọi điện qua đường dây nóng 39 247 247 để được hướng dẫn liên hệ với các bưu điện gần nhất làm các thủ tục giao dịch và nộp tiền phạt, sau đó sẽ gửi các giấy tờ liên quan của người vi phạm theo địa chỉ đăng ký;

2. Bưu điện bố trí quầy giao dịch ngay tại trụ sở Thanh tra giao thông thành phố để tiếp nhận tiền nộp phạt và nhận lại giấy tờ tạm giữ tại chỗ. Từ khâu nộp tiền đến lúc nhận hồ sơ kéo dài khoảng 15 phút, thay vì đi lại nhiều. Phí dịch vụ nộp trực tiếp tại quầy giao dịch gồm các mức: Số tiền phạt đến 3 triệu đồng là 25.000 đồng/hồ sơ, trên 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng là 35.000 đồng, đồng thời mỗi 10 triệu đồng tiếp theo trên 10 triệu đồng hoặc phần lẻ là 10.000 đồng/hồ sơ. Phí trọn gói dịch vụ nộp hộ tiền phạt và phát trả giấy tờ tạm giữ tại địa chỉ đăng ký tại các điểm giao dịch bưu điện gồm các mức: Số tiền phạt đến 3 triệu đồng phí dịch vụ phát trả giấy tờ liên quan tại TP HCM là 50.000 đồng, các tỉnh/thành khác là 80.000 đồng; Từ trên 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng tại TP HCM là 60.000 đồng, các tỉnh/thành khác là 90.000 đồng; đồng thời cước cộng thêm cho mỗi nấc tiền nộp phạt 10 triệu đồng tiếp theo trên 10 triệu đồng hoặc phần lẻ mức phí chung là 10.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân - Phó Giám đốc Bưu điện TP HCM - cho biết, việc đóng phạt qua hệ thống bưu điện khi triển khai sẽ giúp ích nhiều cho người dân, đặc biệt ở các huyện ngoại thành, hay tỉnh lân cận. Người vi phạm có thể đóng tiền phạt ở bất cứ bưu điện nào thuận lợi chứ không nhất định phải quay lại vi phạm luật giao thông. Hơn nữa, việc nhận lại giấy tờ phương tiện vi phạm cũng rất nhanh, chỉ trong vòng 2 ngày với các huyện xa và tỉnh/thành khác. Riêng ở nội thành, người nộp phạt có thể nhận lại giấy tờ trong vòng 1 ngày kể từ khi đóng phạt.

Trước đó, cũng đã có bưu điện địa phương đã thực hiện dịch vụ thu hộ tiền phạt vi phạm giao thông. Như Bưu điện tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã ký thỏa thuận với Công an tỉnh thực hiện thu nộp phạt hộ từ đầu năm 2014. Đến nay đã có khoảng gần 2.000 vụ việc đã được tỉnh này thực hiện. Tại TP HCM, tháng 7/2015, Bưu điện TP HCM cũng đã kiến nghị, mong được cung cấp dịch vụ thu hộ tiền phạt vi phạm giao thông và đã triển khai ở một số bưu điện quận, huyện. Và đến nay, việc triển khai của Bưu điện TP HCM, Thanh tra Sở GTVT TP cũng nhằm tiến hành nhân rộng, thực hiện đại trà ở thành phố này.

Tuy nhiên dù sao đây cũng mới là việc thực hiện đơn lẻ ở một số địa phương. Hiện không ít người dân trong cả nước, khi nghe thông tin về nộp phạt đã đến bưu điện để hỏi về việc nộp phạt, nhưng chưa được thực hiện với lý do chưa có hướng dẫn cụ thể. 

Xử phạt người vi phạm giao thông. Ảnh: TL.

Mong sớm triển khai rộng rãi

Mỗi năm có hàng triệu người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, với số tiền phạt lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Như năm 2013, CSGT đã xử phạt 5,5 triệu vụ vi phạm, thu số tiền 2.900 tỷ đồng; năm 2014 xử phạt 4,5 triệu vụ, thu số tiền 2.800 tỉ đồng; năm 2015 có 4,2 triệu vụ, cũng với số tiền thu khoảng 2.800 tỉ đồng. Với số vụ vi phạm, số tiền phạt thu rất lớn, liên quan đến rất nhiều người dân.

Theo nhiều người tham gia giao thông, việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông nhiều năm qua còn bất cập, gây phiền hà cho dân. Bởi vậy, chủ trương, đề xuất và việc cho phép của Chính phủ về dịch vụ nộp tiền phạt qua bưu điện đã được nhiều người dân đồng tình, hoan nghênh khi nó khắc phục được các hạn chế, tồn tại trên. Còn ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng UBATGT Quốc gia cho rằng, đây là việc làm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như lực lượng làm nhiệm vụ mà vẫn đảm bảo thực thi đúng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. 

Đa số người dân mong dịch vụ sớm thực hiện. Như Văn bản 495, Bộ TT&TT đã đề nghị Bộ Công an cần phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn một số nội dung cụ thể việc triển khai thu, nộp hộ tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính. Bộ Công an cùng Bộ TT&TT chỉ đạo Cục CSGT và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sớm ký kết thỏa thuận hợp tác để nhân rộng triển khai trên phạm vi cả nước...  

 K.Long

Anh Nguyễn Anh Tuấn (đường Mai Anh Tuấn, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội): 

Được biết Chính phủ cho phép Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc qua hệ thống Bưu điện thì dân chúng tôi rất ủng hộ. Bởi lẽ, quy trình xử phạt hiện tại tồn tại nhiều bất cập, không thuận tiện cho người dân. Điển hình như tôi đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội, có lần đi công tác ở Lào Cai do sơ suất vi phạm luật giao thông ở trên đó. Vài ngày sau, chúng tôi lại phải mất công đi từ Hà Nội lên Lào Cai để nộp phạt và lấy giấy tờ xe rất mất thời gian và tốn kém. 
 

Anh Lê Mạnh Dũng (đường Văn Cao, quận Đống Đa, Hà Nội):

 Lâu nay, người vi phạm luật giao thông bị CSGT lập biên bản vi phạm sau đó phải đến các kho bạc để nộp phạt nhưng hệ thống kho bạc chỉ có đến cấp quận, huyện, lại chỉ làm việc trong giờ hành chính nên nhiều khi cũng gây khó khăn cho người dân. Bản thân tôi cũng đi làm giờ hành chính không thể trốn việc ra ngoài để đi nộp phạt đúng giờ hành chính được. Khi tan giờ làm có thời gian đi nộp phạt thì kho bạc lại đóng cửa nên nhiều khi bất tiện. Mặt khác, tôi nhận thấy số lượng người vi phạm giao thông rất lớn, nên nhiều khi người vi phạm đến kho bạc nộp phạt phải xếp hàng chờ đến lượt rất lâu. 

Ông Nguyễn Văn Duẩn (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội):

Là người hay đi công tác xa nhiều khi không quen đường hay sơ suất nên cũng nhiều lần vi phạm luật giao thông, bị xử phạt. Qua đó, tôi thấy việc nộp phạt như hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho người dân. Nhiều khi nộp phạt tại chỗ thì dễ phát sinh tiêu cực và dễ bị hiểu nhầm là đưa tiền cho cảnh sát giao thông. Nhiều trường hợp người vi phạm giao thông và CSGT thỏa thuận “phạt” nhẹ hành vi vi phạm mà tiền phạt không vào biên bản, sổ sách… dẫn đến tiêu cực. Tuy nhiên hiện nay, vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nên người dân cũng chưa biết phải nộp phải vi phạm giao thông qua hệ thống bưu điện như thế nào. 

Anh Nguyễn Văn Phước ( Hóc Môn, TP HCM):

Do nghề nghiệp, tôi thường phải di chuyển nhiều, thậm chí thường xuyên đi các tỉnh lân cận. Trước đây vi phạm ở địa phương nào, phải tới kho bạc của địa phương đó để đóng phạt nên khá phiền phức. Bây giờ thì thuận tiện hơn. Mình vi phạm ở An Giang nhưng cũng có thể đóng tiền phạt ở ngay tại bưu điện gần nhà. 

    Hoàng Đức - Tinh Anh - Đoàn Xá (ghi)

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ