A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mộ tặc - người chết cũng không yên

12:03 | 01/05/2013

Người dân tộc Ba Na ở đại ngàn Tây Nguyên quan niệm: Chết không phải là hết mà là sang một thế giới khác. Vì muốn người thân có cuộc sống mới sung sướng, đủ đầy ở thế giới bên kia nên họ đã chia rất nhiều tài sản quý giá cho người chết.

Thậm chí, nhiều gia đình còn chôn cả vàng bạc, lấy gỗ sưa làm quan tài cho người quá cố.

 
Mỗi khi có người chết, công việc chôn cất cho người quá cố là rất tốn kém. Người Ba Na thường chuẩn bị lễ vật rất chu đáo như trâu, bò, heo, gà, rượu, gạo… Những lễ vật này được họ chuẩn bị từ nhiều mùa trước. Thông thường, một lễ “bỏ mả” kéo dài 3 ngày 2 đêm. Trong thời gian này, mọi người sẽ đâm trâu để cúng người chết và cùng nhau ăn uống.
 
Những ngôi nhà mồ được “bê tông hóa”.
Những ngôi nhà mồ được “bê tông hóa”.
Nhưng tùy theo điều kiện của từng gia đình mà lễ vật được chuẩn bị ít hay nhiều. Lễ bỏ mả của người giàu thường có nhiều trâu, bò, heo, gà và hàng trăm ché rượu cần.
Sau đó, người đã khuất được chôn theo rất nhiều đồ đạc quý giá, vàng bạc, thậm chí, có nhiều gia đình dành gần như toàn bộ của nả để cho đi theo người chết.
 
Tuy nhiên, họ đâu ngờ rằng, có ngày, những kẻ bất lương đã đào bới những khu mộ để “hôi” tài sản của người đã khuất.
 
Những ngày cuối tháng 3, phóng viên đã tìm đến các huyện Kbang, Đắk Pơ và thị xã An Khê (Gia Lai) để nghe về những vụ trộm mộ kỳ quặc. Khi có người lạ đến, người dân nơi đây tỏ ra rất cảnh giác. Có lẽ, vì quá bức xúc về những tên “mộ tặc” nên họ mới có thái độ cẩn trọng đến như vậy. Khi biết chúng tôi là PV đến tìm hiểu các sự việc liên quan đến những vụ trộm mộ, người dân tộc Ba Na nơi đây mới niềm nở tiếp chuyện.
 
Một ngôi nhà mồ bị trộm “viếng thăm”.
Một ngôi nhà mồ bị trộm “viếng thăm”.
Nói chuyện với chúng tôi, một số người dân làng Mơ H’ra (xã Kon Lơng Khơng, huyện Kbang) phản ánh, cách đây 5 năm, trong mấy đêm liền, có một nhóm người đã vào khu nhà mả của làng đào bới hàng trăm ngôi mộ để lấy tài sản. Vì đó là khu nhà mả cũ có nhiều đồ cổ và đã được làm lễ bỏ mả hết nên không có người qua lại. Mãi đến khi một người dân đi ngang qua mới phát hiện ra sự việc.
 
Cho đến khi người dân phát hiện thì bao nhiêu đồ quý giá đã bị khoắng sạch, quan tài đã bị bê đi mất vì hầu hết quan tài đều được làm bằng những cây gỗ sưa quý giá, chỉ còn lại xương trắng nằm phơi trên nền đất đỏ.
 
Từ ngày đó đến nay, những ngôi nhà mồ của người dân Ba Na nơi đây thường xuyên bị “mộ tặc” hoành hành. Hàng trăm ngôi mộ đã bị đào xới, để lại những nhà mồ trống không.
 
Điều đau lòng hơn nữa, những người dân nơi đây không thể chôn lại xương cốt của người thân bởi lẽ phải làm lại nghi thức ma chay rất tốn kém. Mỗi gia đình có người chết sẽ phải chuẩn bị trâu, bò, heo, gà, rượu ghè… và bao nhiêu thứ khác. Vì vậy, già làng Đinh HMưng đã đề nghị mọi người đi về và để mặc cho thời gian sẽ “chôn cất” giúp những mảnh xương vương vãi trên đất. Và ý kiến đó đã được người dân đồng thuận.
 
Người dân thay phiên nhau trông giữ nhà mồ.
Người dân thay phiên nhau trông giữ nhà mồ.
Sau khi những ngôi mộ bị trộm đào bới, hễ có người lạ vào làng, người dân các buôn làng ở huyện Kbang (Gia Lai) lại tỏ ra hết sức lo lắng và cảnh giác. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều gia đình đã “bê tông hóa” những ngôi mộ để ngăn chặn nạn “mộ tặc”. Có người làm rào chắn xung quanh khu mộ, có gia đình dùng gỗ đóng kín hết kẽ hở của nhà mồ… Thậm chí, có gia đình còn thuê thợ về xây mộ bằng bê tông để “mộ tặc” không có cơ hội xâm phạm hài cốt của người thân mình.
 
Nạn mộ tặc diễn ra không thường xuyên, nhưng những hậu quả từ tội ác tán tận lương tâm này vẫn làm người dân đại ngàn nhức nhối không yên. Xương cốt của người thân họ vẫn phơi đầy rừng núi, bỏ mặc với thời gian chỉ vì một lẽ không đủ tiền của để làm một đám ma khác vì tập tục. Và cũng không biết rằng liệu có bị “mộ tặc” viếng thăm một lần nữa hay không.

    Theo Báo Đất Việt

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ