A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh giác với chiêu trò mạo danh “trại hè lính cứu hỏa” để lừa đảo

09:27 | 24/05/2024

Mùa hè cũng là khoảng thời gian nhiều phụ huynh tìm kiếm các khóa học kỹ năng hè cho con em mình.

Lợi dụng nhu cầu này và sự nhẹ dạ, cả tin của các bậc phụ huynh, một số đối tượng xấu đã mạo danh các cơ quan, đơn vị rao bán các khóa học kỹ năng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Một trong số đó là hình thức lừa đảo khóa học kỹ năng “trại hè lính cứu hỏa”.

Thời gian gần đây, xuất hiện các trang mạng xã hội có tên “trại hè lính cứu hỏa” với logo, hình ảnh, video về tổ chức hoạt động học làm chiến sĩ phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho học sinh từ 6 - 15 tuổi…, với mục đích lừa bán các khóa học trải nghiệm cho học sinh vào dịp hè để chiếm đoạt tiền.

Đặc biệt, trong tháng 4 và tháng 5/2024, số lượng trang mạng xã hội lừa đảo này xuất hiện rất nhiều và chạy quảng cáo ồ ạt để tiếp cận người dùng với giao diện, địa chỉ, số điện thoại rất giống với thông tin của các cơ quan công an.

Phương thức, thủ đoạn chung của các trang mạng xã hội giả mạo là đổi tên, mua lại từ các trang cũ có sẵn lượt theo dõi cao hoặc lập mới hoàn toàn theo tên gọi của các đơn vị như: “Trại hè lính cứu hỏa”, “Trại hè kỹ năng - Trại hè Công an nhân dân”…

Ở mục thông tin giới thiệu có thông tin địa điểm là trụ sở làm việc của các đơn vị công an, dẫn link đến các trang web chính thống của lực lượng công an; đăng tải các hình ảnh, bài viết từ các trang chính thống của lực lượng công an, thậm chí các đối tượng còn sử dụng hình ảnh các cán bộ lãnh đạo Công an để đăng tải trong các bài viết quảng cáo nhằm tạo niềm tin…

Một số trang Facebook "Trại hè lính cứu hỏa" giả mạo.

Khi phụ huynh đăng ký tham gia chương trình, các đối tượng cung cấp mã ứng tuyển của học viên và số điện thoại Zalo của tư vấn viên, dẫn dắt truy cập vào Zalo để đăng ký thông tin cá nhân. Sau đó, các đối tượng yêu cầu phụ huynh tham gia các nhóm Zalo, Telegram hoặc Messenger thực hiện các nhiệm vụ “thanh toán số tiền hơn 500.000 đồng với danh nghĩa là tri ân nhà tài trợ để tăng tương tác sản phẩm, sau 3 - 5 phút sẽ tất toán lại tất cả tiền gốc và hoa hồng 10%”.

 

“Để trang bị những kỹ năng về PCCC, cứu nạn cứu hộ (CNCH) cho các em học sinh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Đắk Lắk chỉ tổ chức chương trình với tên gọi duy nhất là “Một ngày làm chiến sĩ chữa cháy” dành cho học sinh từ 6 - 15 tuổi, truy cập vào fanfage chính thống “PCCC và CNCH Đắk Lắk” tại địa chỉ https://www.facebook.com/pcccdaklak và Zalo Official “PCCC và CNCH Đắk Lắk”; ngoài ra không có trang nào khác.

Do tin tưởng nội dung các trang Facebook trên là đúng sự thật, nhiều người đã chuyển tiền để đăng ký cho con em mình tham gia khóa học, tuy nhiên sau khi chuyển tiền xong thì đối tượng liền chiếm đoạt và chặn liên lạc. Số tiền bị lừa của cá nhân là không nhiều nên đa phần các trường hợp thường “ngậm đắng” cho qua; hơn nữa việc thu hồi số tiền là rất khó vì các đối tượng hoạt động trên môi trường mạng, thường xóa các nhóm Zalo, Telegram, Messenger sau khi thực hiện hành vi.

Trường hợp chị T.A.N. (ở phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) là một ví dụ.

Khi vào mạng xã hội Facebook để tìm khóa học hè cho con, chị thấy xuất hiện nhiều trang quảng cáo chương trình “trại hè lính cứu hỏa” rất bài bản và chuyên nghiệp.

Chị N. đã đăng ký cho con, sau đó được yêu cầu thực hiện các cuộc “khảo sát” với nội dung là tri ân nhà tài trợ để đạt điểm tín nhiệm cao, tăng sự tương tác cho trang của nhà tài trợ.

Tham gia “khảo sát lần 1” với số tiền hơn 500.000 đồng, chị được hứa hẹn hoàn lại tiền và được trả thêm phí hoa hồng khảo sát nhỏ; khi “khảo sát 2” cũng với số tiền hơn 500.000 đồng thì chị N. không được hoàn tiền.

Các đối tượng lấy các lý do khác nhau yêu cầu chị chuyển tiền tham gia “khảo sát 3” nhằm lấy lại số tiền chưa được hoàn, tuy nhiên khi chuyển khoản xong thì chị N. bị xóa khỏi nhóm khảo sát.

Để tránh bị mất tiền oan, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh khuyến cáo người dân cảnh giác với các hình thức mạo danh các đơn vị tổ chức trại hè kỹ năng để lừa đảo.

Người dân khi nhận được thông tin từ các trang mạng xã hội có nội dung tương tự như trên, cần gọi điện thoại liên hệ và gặp trực tiếp yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh họ là tổ chức hợp pháp và được phép tổ chức các sự kiện trên để đăng ký.

Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền.

Trong trường hợp nếu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Thảo Phạm

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/phap-luat/202405/canh-giac-voi-chieu-tro-mao-danh-trai-he-linh-cuu-hoa-de-lua-dao-bf41f4f/

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ