A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lừa đảo trên không gian mạng gây thiệt hại cả chục nghìn tỷ đồng mỗi năm

08:08 | 14/05/2024

Năm 2023, tổng số tiền bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng lên tới 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với 2022. Đây mới chỉ là thống kê được trình báo.

Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia.

Ngày 13/5, tại Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng”, dưới sự bảo trợ của Bộ Công an và phối hợp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Phát biểu tại diễn đàn, Thượng tướng Lương Tam Quang, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) cho biết, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với quy mô và tốc độ chưa từng có đang tạo ra những giá trị to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao với mọi quốc gia.

Trong đó, hoạt động lợi dụng không gian mạng tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến đang gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi; triệt để lợi dụng công nghệ mới, nhất là Al, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm (riêng năm 2023, thiệt hại là 1.026 tỷ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu).

Tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.

Theo thống kê, trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Trong đó, có 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

Thông tin từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), tình trạng lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến rất phức tạp. Năm 2023, tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên không gian mạng là khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022.

Đây mới là con số dựa trên những sự việc được người dân đến trình báo cơ quan công an. Bởi trên thực tế, số tiền thiệt hại còn lớn hơn nhiều vì nhiều vụ việc không được thống kê, khai báo.

Đáng chú ý, đối tượng mục tiêu mà các tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thậm chí cả trẻ em.

Đây là những người sử dụng điện thoại thông minh có điều kiện tham gia môi trường mạng nhưng khả năng nhận diện các dấu hiệu hành vi lừa đảo còn thấp, dễ bị lợi dụng sự cả tin, lòng tham để thực hiện hành vi lừa đảo.

"Với thực trạng này, việc ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại do lừa đảo qua không gian mạng đang đặt ra rất cấp thiết hiện nay"- Thượng tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Sắp ra mắt Phần mềm phát hiện lừa đảo trên không gian mạng

Trong mục tiêu xây dựng cộng đồng phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, ngày 13/5, Hiệp hội An ninh mạng cũng đã chính thức giới thiệu về phần mềm phòng, chống lừa đảo dành cho người dân, cài trên smartphone.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết: "Phần mềm phòng, chống lừa đảo là sản phẩm được phát triển dựa trên các nghiên cứu kỹ lưỡng về nguy cơ với người sử dụng tại Việt Nam, hỗ trợ các hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là Android và iOS".

Dự kiến phần mềm sẽ ra mắt vào tháng 7/2024 và kết nối với cơ sở dữ liệu về phòng, chống lừa đảo của các bộ, ngành, cũng như các công ty an ninh mạng thành viên của Hiệp hội để phát huy sức mạnh tổng hợp.

Giao diện của phần mềm chống lừa đảo trên không gian mạng.

Theo ông Sơn, ưu điểm của phần mềm là liên kết với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, các tổ chức trên thế giới, các công ty an ninh mạng tại Việt Nam, có thể nhanh chóng kiểm tra và đưa ra khuyến cáo đối với "danh sách đen" đã được thống kê trong cơ sở dữ liệu.

Hiệp hội An ninh mạng quốc gia hy vọng phần mềm này là một công cụ hữu ích phòng, chống lừa đảo giúp cho người dân. Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhấn mạnh rằng công cụ phần mềm chỉ mang tính hỗ trợ, không thể ngăn chặn lừa đảo 100%.

Lấy ví dụ, khi người dùng cần chuyển khoản đến một tài khoản lạ, phần mềm sẽ giúp kiểm tra xem tài khoản kia có nằm trong "danh sách đen" được thống kê hay không. Tuy nhiên, nếu phần mềm đã cảnh báo mà người dùng vẫn tiếp tục chuyển tiền, thì rõ ràng phần mềm sẽ không có tác dụng trong trường hợp này.

Tuấn Việt

Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/lua-dao-tren-khong-gian-mang-gay-thiet-hai-ca-chuc-nghin-ty-dong-moi-nam-d385922.html

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ