A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những người phụ nữ êđê năng động

07:05 | 04/11/2013

Được tạo điều kiện để học tập, nâng cao nhận thức, trình độ, bằng những việc làm thiết thực, nhiều phụ nữ Ê đê ở buôn Kram, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) đã khẳng định được vai trò làm chủ gia đình, trở thành tấm gương phụ nữ năng động, nghị lực, say mê

Chị H’Doan Êban giới thiệu sản phẩm do chị em trong buôn Kram dệt.

Atul Salây là chị cả trong một gia đình có 6 người em ở buôn Kram, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin). Cha mẹ lần lượt qua đời khi Atul Salây mới 16 tuổi. Không thể kể hết những vất vả mà Atul  Salây đã trải qua khi phải thay cha mẹ nuôi  em ăn học. Được vay vốn ưu đãi dành cho phụ nữ nghèo, chị chăm chỉ nuôi heo, nuôi bò, đầu tư chăm lo phát triển vườn cà phê. Cứ thế, Atul Salây cần mẫn, tảo tần lo cho các em ăn học đến nơi đến chốn. Các em của chị nay đều thành đạt, công tác trong lực lượng vũ trang, ngành y tế, giáo dục. Năm 2000, dù lập gia đình riêng nhưng Atul Salây vẫn làm tròn trách nhiệm của người chị cả, tiếp tục chăm lo cho các em, các cháu. Đại gia đình của Atul Salây gồm 3 cặp vợ chồng và 14 người gồm con, cháu, em dâu, em rể cùng sống chung một nhà, rất yêu thương nhau. Kinh tế gia đình cũng ổn định, trong nhà đàn heo đã hơn chục con, cà phê mỗi năm thu về trên 1 tấn nhân. Vừa qua, được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho học nghề, Atul Salây đã theo học lớp điều dưỡng y tá. Hiện nay, chị đã có tay nghề vững vàng để cùng chồng mở dịch vụ y tế về chăm sóc sức khỏe tại nhà. Ở buôn Kram, Atul Salây được coi là tấm gương có đầy đủ 4 phẩm chất “tự trọng, tự tin, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới. 

Còn chị H’Doan Êban, cũng ở buôn Kram, lại được bà con nể phục vì tinh thần giữ gìn nghề truyền thống dệt thổ cẩm. Năm 2000, sau khi được học nghề dệt thổ cẩm ở Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana, chị H’Doan Êban  đã tự dệt áo váy cho mình và gia đình rồi truyền nghề cho người trong dòng họ và hướng dẫn luôn cho chị em trong buôn cùng dệt thổ cẩm. Tiếng lành đồn xa, Trung tâm Dạy nghề huyện Cư Kuin mời H’Doan làm người hướng dẫn dệt thổ cẩm tại nhà. Vì phụ nữ trong buôn ngại đến học ở trung tâm nên khi mở lớp dệt tại nhà H’Doan, rất đông chị em đến học. Vừa hướng dẫn cách dệt thổ cẩm, chị H’Doan vừa truyền đạt lại ý nghĩa hoa văn và sản phẩm mà chị em dệt ra, nói thêm cho các cô gái trẻ trong buôn hiểu về mục đích sử dụng của tấm chăn dệt, cái địu em bé, ý nghĩa màu đỏ  trên ngực áo  đàn ông... Chị cho biết, dù hiện nay công nghệ dệt  máy rất thuận tiện nhưng vải làm ra không thể dày, cứng và tinh tế nét hoa như sản phẩm làm bằng tay, nhất là những tấm chăn đắp ấm và cả chăn dùng để đắp chia của cho người chết phải thật dầy thì mới đúng với truyền thống của ông bà. Chị H’Doan tự hào: Trong khi nhiều nơi sản phẩm dệt thổ cẩm làm ra không tiêu thụ được vì giá thành cao, người địa phương vẫn chưa rõ hết ý nghĩa của hoa văn cùng sản phẩm của dân tộc mình nên việc tiêu thụ chậm, thì ngược lại sản phẩm của chị em buôn Kram làm ra đến đâu bà con mua hết đến đó. Hiện nay ở buôn Kram, nhà nào cũng có 1 tấm chăn thổ cẩm, mỗi người một bộ áo váy truyền thống, và một chiếc túi xách dệt vải. Nghề dệt thổ cẩm trong buôn được duy trì và phát huy, có công rất lớn của người phụ nữ Êđê năng động, say mê văn hóa truyền thống H’Doan Êban.

Xuân Hòa

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ