Ngày 15-11, tại tọa đàm đối thoại chính sách "Mua bán thuốc online - nên hay không?" do Truyền hình Quốc hội tổ chức, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết hiện tượng mua bán thuốc trên mạng ngày càng có xu hướng gia tăng.
Các chuyên gia thảo luận về việc mua bán thuốc online tại tọa đàm chính sách, sáng 15-11
Ước tính thị trường thuốc online Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 5-8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng. Bộ Công Thương ghi nhận có hơn 1.000 cơ sở kinh doanh dược thực hiện bán thuốc online.
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng việc mua thuốc kê đơn qua mạng mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi các hiệu thuốc không phải lúc nào cũng có sẵn thuốc. Thuốc được giao tận nhà như các hàng hóa khác.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng việc bán thuốc kê đơn qua mạng cần được quản lý chặt chẽ, giúp người tiêu dùng tiếp cận thuốc chất lượng từ nguồn đáng tin cậy, dễ dàng tra cứu thông tin về thuốc và các đánh giá của người dùng khác trước khi quyết định mua.
Theo bà Hà, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đang được trình, xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, trong đó có đề xuất cho phép kinh doanh thuốc trên thương mại điện tử. Cụ thể quy định, trên sàn thương mại điện tử, thuốc mua bán lẻ là thuốc không kê đơn; thuốc trong mua bán buôn là thuốc kê đơn và không kê đơn.
Một số thuốc và thực phẩm chức năng được tư vấn bán online trên các sàn thương mại
"Hiện nay, hơn 80% các loại thuốc là thuốc kê đơn, chỉ 20% là thuốc không kê đơn. Do đó, nhu cầu mua thuốc kê đơn của người dân là rất lớn. Đặc biệt, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định hình thức khám chữa bệnh từ xa, nếu không bán thuốc kê đơn điện tử cũng là một khó khăn"- bà Hà nói.
Cho rằng hình thức mua bán thuốc online sẽ ngày càng tăng, nhiều chuyên gia nêu quan điểm việc bán thuốc online nên mở rộng theo hướng cho phép bán lẻ thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn trên hệ thống kê đơn thuốc điện tử Quốc gia của Bộ Y tế.
Hệ thống này có đầy đủ mã cơ sở khám chữa bệnh, mã bác sĩ, mã đơn thuốc, được liên thông, có thể triển khai việc mua bán thuốc trên sàn thương mại điện tử một cách hợp lệ. Tuy nhiên một số chuyên gia cũng đề nghị cần phân biệt rõ ràng giữa việc bán thuốc online có kiểm soát và các hoạt động livestream bán thuốc tự phát của các cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.
BÌNH LUẬN