A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thị trường thuốc: Vẫn khó kiểm soát

10:32 | 25/08/2017

Thị trường thuốc tân dược lâu nay luôn là mối quan tâm của cả cộng đồng. Nhưng có một thực tế là người tiêu dùng không những mù mờ thông tin về giá cả, chủng loại... mà họ còn khó có thể phân biệt đâu là thuốc thật, thuốc giả.

Trong khi lâu nay cơ quan chức năng vẫn chưa thể giải quyết được tận gốc việc quản lý mặt hàng đặc biệt này.

Không ít người bệnh đã phải mất tiền mua thuốc kém chất lượng (Ảnh minh họa).

Khó kiểm soát?

Thuốc là hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn và hiệu quả điều trị bệnh, thuốc cũng có thành phần phức tạp, mức độ ổn định không cao. Chính vì vậy, việc kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, sử dụng thuốc là việc làm cần thiết của cả cơ sở sản xuất, kinh doanh và của hệ thống các cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc. Tuy nhiên, dư luận luôn lo ngại về việc quản lý, kiểm soát chất lượng thuốc hiện nay.

Theo thống kê, từ 1/6 đến nay, đã có hàng loạt công ty vi phạm về chất lượng thuốc, vi phạm quy trình đăng ký, sản xuất thuốc đã bị Cục Quản lý Dược xử phạt, như đối với Công ty Aum Impex (pvt) Ltd. (India) theo Quyết định số 209/QĐ-XPVPHC ngày 8/6/2017; Công ty cổ phần y tế Sigma Việt Nam theo Quyết định số 228/QĐ-XPVPHC ngày 21/7/2017; Công ty Kaifeng Pharmaceutical (Group) Co., Ltd (Trung Quốc) theo Quyết định số 259/QĐ-XPCPHC ngày 18-7-2017; Công ty Hubei Merryclin Pharmaceuticals Co., Ltd (Trung Quốc) theo Quyết định số 260/QĐ-XPVPHC ngày 18/7/2017; Công ty TNHH Reliv Pharma theo Quyết định số 278/QĐ-XPVPHC ngày 24/7/2017 và Nhà thuốc Minh Tâm theo Quyết định số 277/QĐ-XPVPHC ngày 24/7/2017.

Hay mới đây, ngày 11/8/2017, Cục Quản lý Dược thông báo về thuốc giả mang tên Fugacar, SĐK: VN-16500-13, số lô 514015 và 1614007, trên nhãn hộp ghi mạo danh cơ sở nhượng quyền sản xuất là Công ty Janssen Pharmaceutica N.V., Beerse, Bỉ, có một số đặc điểm khác với mẫu thuốc Fugacar thật do Công ty Janssen Pharmaceutica N.V., Beerse, Bỉ nhượng quyền sản xuất (theo thông tin kèm theo công văn này)... Cùng với đó, phiên tòa xét xử vụ thuốc ung thư giả đang diễn ra tại TPHCM lại  càng dấy lên những lo lắng về thực trạng kiểm định cũng như quản lý thuốc tân dược nói riêng và thị trường thuốc nói chung. 

Đầu năm 2017, Bộ Y tế đã thành lập được trung tâm đấu thầu quốc gia để quản lý về giá thuốc, quản lý chất lượng thuốc. Dẫu thế, việc quản lý thị trường thuốc là không xuể. Trao đổi với báo chí, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM cho rằng, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc giả, kém chất lượng không đơn thuần là vi phạm hành chính mà đó là tội ác vì sức khỏe con người là quý giá nhất. Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ rất nhiều đối tượng làm thuốc giả, nhưng thời gian và mức độ xử lý, xử phạt chưa tương xứng với hành vi tội ác mà những người kinh doanh, sản xuất thuốc giả gây ra.

Người bệnh thật khó để phân biệt đâu là thuốc thật, thuốc giả.

Nhiều hệ lụy từ thuốc giả 

Theo cơ quan chức năng, những sản phẩm thuốc giả thường có thương hiệu nổi tiếng và biệt dược, vì có giá thành cao. Thuốc được xác định là giả khi thành phần không có dược chất, hoặc có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; dùng tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác. Hiện, gần 600 hoạt chất nước ngoài đã vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia y tế, sử dụng thuốc kém chất lượng, thuốc giả khiến cả bác sĩ và người bệnh đều gặp thất bại trong điều trị. Thuốc nào cũng có thể gây ra những phản ứng có hại (thường gọi là ADR). Tuy nhiên, nếu tác dụng có hại của thuốc thật với tỷ lệ nằm trong khoảng 1/10.000-1/100.000 thì nguy cơ của thuốc giả lên đến 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc và dị ứng thuốc. Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh luôn đối mặt với những di chứng khó lường khi sử dụng thuốc quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Bởi chúng không chỉ tác hại lớn đến sức khỏe như: Phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, dễ kháng thuốc… mà còn gây vô hiệu hóa các giải pháp điều trị, khiến người bệnh dễ tử vong. 

Thuốc giả không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, chúng còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống bệnh nhân và trong rất nhiều trường hợp thuốc giả gây ra tác hại to lớn như gây ra các phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng cũng như làm bệnh nhân dễ kháng thuốc. Các thuốc giả, thuốc nhái này có thể chứa bất cứ thành phần nào từ phấn bảng, bê-tông nghiền, acid boric hoặc những chất khác và được bán như thuốc thật.

Điển hình như trường hợp có bệnh nhân phải cấp cứu ở Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) với biểu hiện đau bụng kéo dài, sốt không rõ nguyên nhân, nôn thốc tháo, hoa mày chóng mặt… Đến khi siêu âm, các bác sĩ mới tá hỏa khi thấy trong dạ dày của bệnh nhân đầy… vỏ thuốc hình con nhộng. Nguyên nhân là do uống phải thuốc giả, kém chất lượng nên chất bột có trong thuốc đã đọng thành lớp trong dạ dày gây đau bụng và ngộ độc toàn thân. Cùng với đó, vỏ thuốc không tiêu hóa được cũng góp phần làm cho bệnh nhân trở nên như vậy. Nhưng bệnh nhân này là trường hợp hiếm hoi được cứu sống. Còn một số bệnh nhân khác bị ngộ độc nặng lại đi cấp cứu muộn vì vậy không điều trị kịp dẫn đến tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm, trên thế giới có khoảng 200.000 người chết do thuốc giả, kém chất lượng. Mặc dù WHO đánh giá Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả còn thấp, nhưng do thói quen mua, bán thuốc không có hóa đơn, thậm chí không cần đơn thuốc của bác sĩ, nước ta lại là nơi thuận lợi cho thuốc giả tung hoành.

Thống kê từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng cho thấy, hàng năm hệ thống các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trong cả nước đã lấy 30.000-40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý bằng hình thức thu hồi, đình chỉ lưu hành nhiều loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở Việt Nam hiện dao động ở mức 3% và thuốc giả khoảng 0,1%.

Điều đáng nói, không mấy ai biết được thông tin thuốc bị đình chỉ, thu hồi. Với hệ thống các cửa hàng thuốc khá nhiều như hiện nay, thông tin thu hồi lại không được công khai tại nơi khám chữa bệnh cũng như tại các cửa hàng bán thuốc thì người bệnh như rơi vào mê cung, không có khả năng tự vệ trước các loại thuốc kém chất lượng đã bị cấm lưu hành. Đó là chưa nói thuốc kém chất lượng, thuốc có chứa hoạt chất cấm chỉ bị phát hiện khi cơ quan chức năng kiểm tra sau 1 thời gian lưu hành không ngắn. Không ít người bệnh đã phải mất tiền mua thuốc kém chất lượng. Nhiều loại thuốc, trước khi có lệnh thu hồi đã được bán trên thị trường và được rất nhiều người bệnh dùng.

Một nhân viên cửa hàng thuốc tại đường Đội Cấn, Hà Nội cho biết, khi có thuốc đình chỉ lưu hành đều nhận được văn bản từ Sở Y tế. Tuy nhiên, không tránh khỏi tình trạng nhận được văn bản thì thuốc đã được bán hết hoặc gần hết. Cũng chưa gặp phải tình huống người bệnh tới cửa hàng để trả lại thuốc bị tuyên bố thu hồi.

Vụ Công ty VN Pharma Việt Nam nhập khẩu thuốc giả: Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo

Ngày 24-8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc Công ty VN Pharma Việt Nam nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế có văn bản báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2017.

Trong một diễn biến khác, trả lời câu hỏi của các nhà báo về những thông tin xung quanh vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty CP VN Pharma, chiều tối ngày 24-8,  Bộ Y tế đã có ý kiến trả lời như sau: Sau khi có phán quyết cuối cùng của Tòa án, Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm khắc, theo đúng pháp luật, không bao che đối với những đơn vị, cá nhân  vi phạm thuộc  phạm vi  quản lý của  Bộ Y tế (nếu có).
Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực và tinh thần làm việc trách nhiệm của cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng khác trong việc điều tra và đưa những sai phạm của VN Pharma ra ánh sáng, cũng như trong việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế ngay từ đầu, khi mới có dấu hiệu nghi ngờ về các vi phạm của công ty này.

Bộ Y tế đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc các trường hợp đăng tải và phát tán thông tin sai sự thật và vô căn cứ làm ảnh hưởng uy tín của ngành y tế và Bộ trưởng Bộ Y tế.    

C.P - D.T

    Đức Trân

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ