A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân

16:42 | 28/01/2019

Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội tới đây, điều kiện khí hậu Đông - Xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch lớn giữa ngày...

... và đêm làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, trẻ em và những người sức khỏe yếu hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, ốm yếu.

Trẻ em dễ nhiễm bệnh trong mùa Đông Xuân.

Tại Hội nghị công tác phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2019 do Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế vừa tổ chức tại Hà Nội, Cục trưởng - PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: điều kiện khí hậu Đông - Xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, trẻ em và những người sức khoẻ yếu hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, ốm.

Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp, sởi, rubella, liên cầu lợn, tiêu chảy. Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, với những người mắc bệnh mạn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em.

Bên cạnh đó, GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho rằng, theo chu kỳ diễn biến của dịch sởi, sau 4-5 năm dịch sởi sẽ tái diễn trên qui mô lớn, dự kiến từ cuối năm 2018 đến 2019. Hiện nay đang trong mùa Đông - Xuân, với sự gia tăng giao lưu, du lịch, cùng với tỷ lệ tiêm vắcxin còn chưa cao tại khu vực có mật độ dân cư đông, thường xuyên biến động dân cư, các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống khó tiếp cận dịch vụ y tế, đồng thời dịch bệnh sởi thường có chu kỳ 4 - 5 năm một lần, hiện đang nằm trong chu kỳ dịch, vì vậy dịch bệnh rất dễ bùng phát nếu không thực hiện các biện pháp đáp ứng kịp thời.

Tại khuyến cáo gửi tới người dân, Cục Y tế Dự phòng cho biết, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa Đông - Xuân với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Chỉ có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vắcxin phòng bệnh đầy đủ. Người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắcxin phòng bệnh sởi đều có thể mắc bệnh. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não… có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ bị mắc sởi trong khi cơ thể đã có bệnh nền. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non. 

Trên thế giới trong năm 2018 bệnh sởi vẫn ghi nhận tại 184/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt có sự gia tăng số mắc tới 2,6 lần tại khu vực châu Âu, trong cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi. 

Tại Việt Nam, bệnh sởi có xu hướng gia tăng rải rác, cục bộ từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, các đô thị lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương… Đối tượng mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh sởi ở trẻ em, nhưng đã ghi nhận nhiều người lớn mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai.

Đối với các dịch bệnh mùa Đông - Xuân, theo ông Trần Đắc Phu, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp tăng cường dịch bệnh xâm nhập, bệnh lưu hành, các bệnh đường tiêu hoá; đánh giá, xác định đối tượng, độ tuổi, vùng nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh để tổ chức các chiến dịch tiêm bổ sung, tiêm vét vắcxin phòng bệnh.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ quan liên quan giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu cần phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch xâm nhập, lây lan ra diện rộng, đồng thời phải mở rộng giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để ổ dịch; triển khai các hoạt động phòng chống dịch chủ động tại những nơi có nguy cơ cao.

Ngoài ra, Cục Y tế Dự phòng cũng có yêu cầu sự phối hợp liên ngành, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, thực hiện tốt các hoạt động bắt giữ, tiêu huỷ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không an toàn.

Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: 

- Chủ động thực hiện tiêm chủng vắcxin, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. Đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắcxin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắcxin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương. Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắcxin sởi cần được tiêm vắcxin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào; 

- Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày; 
- Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa ...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị nhiễm chất tiết mũi họng; 
- Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch; 
- Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày; 
- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày; 
- Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch; 
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân; 
- Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

    Đức Trân

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ