A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đừng chủ quan với bệnh Viêm não Nhật Bản

09:00 | 10/05/2020

Viêm não Nhật Bản (VNNB) là một trong những bệnh nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề ở trẻ nhỏ.

Song không ít phụ huynh vẫn chủ quan, không cho con tiêm vắc xin phòng bệnh này hoặc tiêm không đủ số mũi quy định dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Thấy con gái Nay H’Đa (5 tuổi) có biểu hiện nóng sốt, anh Ksơr Ló (ở buôn Bir, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) cứ nghĩ con sốt bệnh thông thường như mọi khi nên chỉ mua thuốc hạ sốt về cho uống. Ba ngày sau thấy con không đỡ sốt mà có dấu hiệu nặng thêm và co giật, vợ chồng anh mới đưa con xuống Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo để khám bệnh.

Tại đây, các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán ban đầu cháu bé bị Viêm não màng não nên chỉ định chuyển viện lên tuyến trên điều trị. Khi nhập viện vào khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bé H’Đa ở trong tình trạng sốt cao liên tục, kích thích, gồng toàn thân, cổ cứng. Các bác sĩ cũng chẩn đoán bé bị Viêm não màng não/Nhiễm trùng huyết và tiến hành lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy bé H’Đa dương tính với Viêm não Nhật Bản B (VNNB).

Các y bác sĩ cấp cứu khi bé H'Đa có biểu hiện tím tái.

Theo bác sĩ Phùng Thị Hồng Nhung, người trực tiếp tham gia điều trị cho bé H’Đa, hiện cháu bé vẫn đang được điều trị tích cực với sự hỗ trợ của máy thở, dịch truyền và các loại kháng sinh, song tình trạng ngày càng nặng dần, hôn mê sâu, tiên lượng rất nặng nề, nếu may mắn qua khỏi thì khả năng di chứng não rất cao.  Khi được hỏi về tiền sử tiêm chủng của bệnh nhân, mẹ cháu chỉ lắc đầu và bảo mấy lần định cho con đi tiêm nhưng con bị ốm nên thôi, bố cháu thì cho biết, vào năm 2018 có đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh 1 lần nhưng không nhớ là tiêm phòng bệnh gì, còn từ đó đến nay cũng không đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh nào nữa. Nhìn con hôn mê nằm trên giường bệnh, trên người gắn đầy các loại máy móc, dịch truyền mà chưa biết có qua được cơn nguy kịch hay không, vợ chồng anh Ksor Ló chỉ biết rơi nước mắt ân hận chỉ vì không tuân thủ lịch tiêm phòng cho con mới dẫn đến hậu quả này.

 

“Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống viêm não Nhật Bản. Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng với lịch tiêm cụ thể: mũi 1 tiêm khi trẻ 1 tuổi; mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1- 2 tuần; mũi 3 tiêm cách mũi 2 một năm; sau đó, cứ 3 – 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi”.

 

 
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), mỗi năm, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3-5 trường hợp mắc VNNB và hầu hết các trường hợp này đều chưa từng tiêm phòng hoặc tiêm không đủ số mũi tiêm theo quy định. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp dương tính với VNNB B, trong đó, 1 trường hợp 5 tuổi chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và 1 trường hợp 5 tháng tuổi, chưa đến độ tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh này.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh VNNB tại địa phương, CDC đã chỉ đạo Trung tâm Y tế ở các địa phương có người mắc bệnh triển khai tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh VNNB cho người dân; vận động nhân dân không nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở; phát quang bụi cây quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường và đưa con em trong độ tuổi đi tiêm đủ liều vắc xin phòng bệnh VNNB theo lịch tiêm chủng.

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách CDC cho biết, VNNB là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Culex lây truyền từ các ổ chứa bệnh (thường là các động vật sống quanh nhà như: ngựa, heo, trâu bò và một số loài chim). Tại Đắk Lắk, mặc dù không phải là địa bàn có bệnh lưu hành, song mỗi năm đều có các ca bệnh xuất hiện. Bất cứ lứa tuổi nào khi bị muỗi có vi rút VNNB đốt thì đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên bệnh này hay gặp ở trẻ em lứa tuổi từ 1 -15 tuổi. Bệnh VNNB đã có vắc xin phòng bệnh, nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, những trẻ mắc bệnh này thường có bệnh cảnh nặng và nguy cơ tử vong cao (10-20%). Những trường hợp còn sống sẽ để lại những di chứng rất nặng nề về sau như: động kinh, đần độn, liệt, không nói được… gây ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Kim Oanh

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3490/202005/dung-chu-quan-voi-benh-viem-nao-nhat-ban-5681521/

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ