A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phòng chống COVID-19: Việt Nam đi sau về trước

15:35 | 30/10/2023

Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức; càng áp lực lại càng nỗ lực

Ngày 29-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Hội nghị được tổ chức để nhìn lại chặng đường hơn 3 năm nỗ lực phòng chống COVID-19 - đại dịch bùng phát tại Trung Quốc từ cuối tháng 12-2019.

Nhiều bài học kinh nghiệm

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến, đại diện Tiểu ban An ninh - Trật tự, cho biết chỉ tính riêng trong đợt dịch COVID-19 thứ tư (từ tháng 4-2021 đến nay), lực lượng công an đã huy động trên 3,3 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. "Trên 6.000 cán bộ, chiến sĩ đã mắc COVID-19; 11 cán bộ, chiến sĩ tử vong do COVID-19 mà trong đó, 6 người hy sinh khi làm nhiệm vụ" - ông Tuyến thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý, tham mưu xử lý gần 800 vụ tham gia tụ tập đông người liên quan công tác phòng chống dịch. Công an đã xử phạt vi phạm hành chính trên 550 đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật về công tác phòng chống dịch.

Phòng chống COVID-19: Việt Nam đi sau về trước - Ảnh 1.

Trên 3,3 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ công an đã tham gia phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: TẤN THẠNH

Ngoài ra, công an đã chủ động phối hợp, phát hiện xử lý 365 vụ lợi dụng chính sách phòng chống dịch COVID-19 để đầu cơ nâng khống giá bán các mặt hàng thiết yếu; triển khai thực hiện hiệu quả các vụ mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo, như vụ án Việt Á.

Từ điểm cầu TP HCM, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã nêu nhiều bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, TP HCM đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và triển khai ngay các biện pháp phòng chống phù hợp. Đặc biệt, TP HCM đã kịp thời có sự phối hợp điều hành với các ngành, các cấp trên địa bàn, từ đó quyết định kết quả phòng chống dịch, như bố trí nguồn lực phòng chống dịch, chiến lược vắc-xin; việc sản xuất, lưu thông, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp...

Đáng chú ý, theo Chủ tịch UBND TP HCM, việc ra các quyết định phòng chống dịch đã khó, quyết định "mở cửa" càng khó hơn. Thực tế, TP HCM đã "mở cửa" nền kinh tế từ ngày 1-10-2021.

Tinh thần Việt Nam chiến thắng đại dịch

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 cũng như sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh công tác phòng chống dịch COVID-19 đã được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bên cạnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc thù, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong thực tiễn phòng chống dịch.

Thủ tướng cũng ghi nhận công tác truyền thông được đặc biệt chú trọng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin có nhiều nỗ lực và đạt một số kết quả.

Việt Nam đã đi sau về trước trong phòng chống COVID-19, kiểm soát được dịch bệnh, trở thành một trong những nước mở cửa sớm các hoạt động kinh tế - xã hội trong nước từ ngày 11-10-2021 và mở cửa với quốc tế từ ngày 15-3-2022. Việt Nam trở thành một trong 5 nước có tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất trong khi là quốc gia có dân số đông nhất trong nhóm này với khoảng 100 triệu người.

Bênh cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Tính đến ngày 31-12-2022, Việt Nam đã miễn/giảm/gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh khoảng 451.000 tỉ đồng; giảm/hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 khoảng 50.000 tỉ đồng; hỗ trợ trên 47.200 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch... Tổng cộng, công tác an sinh xã hội đã được triển khai với khoảng 120.000 tỉ đồng, hỗ trợ khoảng 68 triệu lượt người.

"Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức; càng áp lực lại càng nỗ lực" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Sẵn sàng ứng phó các đại dịch có thể xảy ra

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh, trong đó có COVID-19.

Theo Thủ tướng, cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vắc-xin, vật tư y tế...) trong mọi tình huống, kể cả khi khẩn cấp.

Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra. Trong đó, tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế. Tiếp tục xử lý hoàn tất các vấn đề tồn đọng liên quan công tác phòng chống dịch thời gian qua và xử lý các chính sách theo thẩm quyền khi chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Đẩy mạnh tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành việc tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thủ tướng cho rằng dù còn những tồn tại song về tổng thể, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Ban Chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Những cột mốc quan trọng

- Tháng 12-2019: Thế giới ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Vũ Hán - Trung Quốc.

- Ngày 23-1-2020: Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên.

- Ngày 11-3-2020: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

- Ngày 30-3-2020: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết chống dịch COVID-19.

- Ngày 31-3-2020: Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày.

- Ngày 27-4-2021: Sau hơn 1 năm chống dịch, Việt Nam đối mặt với đợt dịch thứ 4, chủ đạo là biến chủng Delta có độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh, xâm nhập sâu trong cộng đồng tại 62/63 tỉnh, thành phố, gây hậu quả rất nặng nề, đặc biệt là tại TP HCM.

- Tháng 7-2021: Việt Nam đưa ra công thức chống dịch "5K+vắc-xin". Sau đó, công thức chống dịch lần lượt được bổ sung các thành tố, trở thành "5K+vắc-xin+điều trị+xét nghiệm+công nghệ+ý thức của người dân và các biện pháp khác". Đây là công thức chống dịch tương đối hoàn chỉnh.

- Ngày 5-5-2023: Sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, WHO xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

- Từ ngày 20-10-2023: Việt Nam chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

BẢO TRÂN

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/phong-chong-covid-19-viet-nam-di-sau-ve-truoc-20231029221133131.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ