Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, Trần Thị Thuý Hằng - Trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM - cho biết chức năng chính của hệ thống tiền đình là giữ thăng bằng cho cơ thể khi thực hiện các chuyển động như di chuyển, xoay người, cúi người..., được điều khiển bởi các nhóm thần kinh nằm trong não.
Bệnh nhân được đo chức năng tiền đình bằng công nghệ ảnh động nhãn đồ (VNG). Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Hằng, chóng mặt, xoay tròn, mất thăng bằng là những biểu hiện thường gặp của bệnh rối loạn tiền đình mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Bệnh không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày mà còn làm tăng nguy cơ té ngã dẫn đến chấn thương không mong muốn.
Để phòng ngừa tình trạng trên, bác sĩ Hằng khuyến cáo tránh ngồi cạnh loa, đài phát thanh trong các buổi tiệc hoặc lễ hội; hạn chế đọc sách, sử dụng điện thoại, máy vi tính khi đang di chuyển trên các phương tiện giao thông; tránh món ăn nhiều dầu mỡ; ngủ đủ giấc; tập thể dục đều đặn; đối với những người bị rối loạn tiền đình, cần thận trọng khi hoạt động vùng đầu cổ; không nên quay cổ đột ngột hoặc thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống quá nhanh
Lưu ý, người bị rối loạn tiền đình cũng không nên đi máy bay nếu đang bị nhiễm trùng tai. Khi di chuyển ngoài trời cần chuẩn bị sẵn kính râm và mũ nón, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mạnh trong thời gian dài
Bác sĩ Hằng nhấn mạnh khi có các triệu chứng bất thường như nhức đầu đột ngột, sốt từ 38 độ C trở lên, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật, nhìn đôi, giảm thị lực, giảm thính giác, tê yếu tay chân… cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra phân biệt với các bệnh lý nguy hiểm như viêm não, u não, đột quỵ,…
BÌNH LUẬN