A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

"Ðỏ mắt" tìm tinh binh

10:19 | 07/10/2024

Huấn luyện viên (HLV) Kim Sang-sik đang tích cực tìm kiếm nhân tài cho đội tuyển Việt Nam, nhưng dường như công cuộc “đãi cát tìm vàng” này không dễ dàng khi thiếu vắng những nhân tố trẻ, nổi bật từ các giải đấu quốc nội.

Sau những thành công tại AFF Cup 2018, người hâm mộ kỳ vọng đội tuyển Việt Nam sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn, nhưng thực tế đang cho thấy, bộ khung của đội tuyển vẫn chưa được đổi mới, làm dấy lên lo ngại về một chu kỳ đi xuống.

V-League “tĩnh lặng”

Giải đấu V-League từ lâu là nguồn cung cấp cầu thủ chủ yếu cho đội tuyển quốc gia, nhưng chất lượng của các mùa giải gần đây không có nhiều đột phá. Những gương mặt mới, tài năng trẻ vẫn chưa xuất hiện nhiều.

Các câu lạc bộ lớn như Hà Nội FC, Thể Công Viettel, Hoàng Anh Gia Lai... dù sở hữu lực lượng khá mạnh, nhưng ít cầu thủ trẻ nào có màn trình diễn thực sự ấn tượng để lọt vào tầm mắt của HLV đội tuyển quốc gia. Sự xuất sắc của Tiến Linh tại V-League 2024 - 2025 là quá ít ỏi, trong khi những đồng đội khác như Quế Ngọc Hải, Hồ Tấn Tài, Bùi Vĩ Hào của Becamex Bình Dương hay Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Đức Chiến của Thể Công Viettel đều chưa đạt phong độ cao nhất. Những tên tuổi quen thuộc như Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng, hay Nguyễn Hoàng Đức cũng chỉ dừng lại ở mức tròn vai. Điều này đặt ra một vấn đề nghiêm trọng: khi các giải đấu trong nước không đủ tính cạnh tranh, liệu các tuyển thủ quốc gia có thể duy trì phong độ tốt nhất để phục vụ cho đội tuyển, nhất là khi giải đấu quan trọng như ASEAN Cup 2024 đã cận kề?

Khoảng trống sau thế hệ “Thường Châu”

Thế hệ cầu thủ làm nên kỳ tích tại Thường Châu năm 2018, với những cái tên như Tiến Linh, Quang Hải, Đoàn Văn Hậu đang dần bước qua thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chưa có một thế hệ kế cận đủ tài năng để lấp đầy khoảng trống mà họ để lại.

Sau thời HLV Park Hang-seo, đến HLV Troussier và bây giờ là ông Kim Sang-sik, đội tuyển Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào những con người cũ. Dù đã nhiều lần được nhắc nhở về sự cần thiết của việc làm mới đội hình, nhưng các cầu thủ mới dường như vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Thành công của bóng đá trẻ Việt Nam trong quá khứ, đặc biệt ở các giải châu lục, đã mang lại nhiều hy vọng. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là những cầu thủ trẻ này không được trao cơ hội thi đấu thường xuyên ở V-League hay giải hạng Nhất. Nguyên nhân xuất phát từ triết lý của các CLB, khi họ ưu tiên thành tích hơn là phát triển cầu thủ trẻ. Điều này dẫn đến tình trạng cầu thủ trẻ không có đủ cơ hội ra sân để rèn luyện và khẳng định mình. Các lò đào tạo nổi tiếng như Hà Nội FC, Thể Công Viettel, Hoàng Anh Gia Lai, Sông Lam Nghệ An, và đặc biệt là PVF - với cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất đã không còn sản sinh ra những cầu thủ trẻ nổi bật trong thời gian gần đây. Trong 5 năm qua, rất ít cái tên nổi trội được giới thiệu lên đội một từ các lò đào tạo này. Điều này làm dấy lên lo ngại về tính bền vững trong công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam đang thiếu những nhân tố mới

Cần một chiến lược dài hạn

Để xây dựng một nền bóng đá bền vững, yếu tố then chốt là phải có một hệ thống đào tạo trẻ kế thừa và phát triển liên tục. Những lứa cầu thủ sau phải mạnh hơn lứa trước, không chỉ về kỹ năng chuyên môn mà còn về thể hình, thể lực. Tuy nhiên, với những gì mà các cầu thủ trẻ Việt Nam thể hiện trong thời gian qua, hy vọng về một thế hệ U23 Việt Nam đủ sức cạnh tranh ở đấu trường khu vực và quốc tế đang trở nên mong manh.

Bóng đá là môn thể thao tổng hợp của nhiều yếu tố, từ chiến thuật, kỹ thuật, đến tâm lý, thể chất. Việc áp dụng những phương pháp huấn luyện tiên tiến cần phải được thử nghiệm, đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm hiệu quả. Nhưng hiện tại, công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam vẫn còn mang tính “hên xui”, may mắn thì mới có được một lứa cầu thủ tài năng. Điều này không thể tạo nên sự bền vững cho nền bóng đá.

HLV Kim Sang-sik và đội ngũ của ông đang đối diện với một nhiệm vụ khó khăn: tìm kiếm và phát triển những nhân tố mới để đội tuyển Việt Nam không rơi vào vòng luẩn quẩn của sự thoái trào. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đòi hỏi cần có một chiến lược dài hạn và không chỉ là trách nhiệm của riêng HLV trưởng mà còn cần sự chung tay của tất cả các câu lạc bộ và hệ thống đào tạo bóng đá trẻ trong nước.

Phong Uyên

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/the-thao/202410/o-mat-tim-tinh-binh-24b025e/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ