A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhiều lợi ích khi trồng lúa giảm phát thải

16:06 | 27/09/2024

Trồng lúa theo quy trình giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (khí nhà kính) không chỉ làm ra hạt gạo sạch, tạo thương hiệu sản phẩm, giảm chi phí đầu tư và công sức mà còn giúp nông dân thu lợi từ việc bán tín chỉ carbon

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk, cho biết sau thành công của mô hình thí điểm sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính, bán tín chỉ carbon, ngành nông nghiệp tỉnh này đang tiếp tục phối hợp với Công ty CP Net Zero Carbon nhân rộng.

Lợi nhuận tăng thêm 1,5 triệu đồng/ha

Trước đó, Công ty CP Net Zero Carbon đã phối hợp thí nghiệm trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính trên diện tích 4,2 ha của gia đình ông Lê Như Hùng ở xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

Mô hình này áp dụng quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), kết hợp sử dụng chế phẩm của Công ty CP BSB Nanotech và thực hiện quy trình báo cáo xác nhận giảm phát thải khí nhà kính của Công ty CP Net Zero Carbon.

Sau hơn 3 tháng, mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt so với mô hình đối chứng - sản xuất theo phương thức truyền thống. Theo đó, năng suất trung bình đạt gần 11,7 tấn/ha (tăng hơn 0,93 tấn/ha), chi phí đầu tư giảm gần 2,9 triệu đồng (giảm 9,44%); lợi nhuận ròng đạt gần 94,8 triệu đồng (tăng trên 15,5 triệu đồng so với mô hình đối chứng).

Mô hình sản xuất lúa giảm phát thải nhà kính của gia đình ông Lê Như Hùng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: BẢO AN

Đáng chú ý, mô hình nêu trên giúp giảm phát thải gần 4 tấn/ha khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường; lúa sạch hơn, sản xuất an toàn hơn. Từ kết quả này, Công ty CP Net Zero Carbon đã mua gần 17 tấn khí giảm phát thải của mô hình với giá 20 USD/tấn.

Ông Lê Như Hùng cho biết việc thực hiện mô hình này đã giúp gia đình ông tiết kiệm được lượng phân bón khoảng 30%, giảm lượng nước tưới 50%, trong khi năng suất ruộng lúa cao hơn mức bình quân của huyện. "Năm nay, chúng tôi lại có thêm hơn 8 triệu đồng tiền bán tín chỉ carbon nên vụ tới, gia đình sẽ tiếp tục canh tác theo mô hình này" - ông khẳng định.

Theo ông Nguyễn Văn Hà, từ kết quả thí điểm, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty CP Net Zero Carbon triển khai trên diện rộng mô hình sản xuất lúa sạch và bán tín chỉ carbon. "Đây là mô hình rất tốt, cần phải được nhân rộng. Sở đang đề nghị các địa phương, HTX, nông dân đăng ký tham gia. Dự kiến vụ đông xuân 2024-2025, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ triển khai trên diện tích khoảng 500 ha và tiếp tục mở rộng trong những năm tới" - ông tin tưởng.

Đón đầu thị trường tín chỉ carbon

Hiện nay, cả nước có khoảng 7,3 - 7,5 triệu ha lúa nước, sản lượng khoảng 34,5 triệu tấn/năm. Tại Đắk Lắk, diện tích gieo trồng ổn định với khoảng hơn 100.000 ha, đứng đầu khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nhiều địa phương của Đắk Lắk có diện tích trồng lúa nước lớn đã hình thành các vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Hà cho rằng nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, góp phần gia tăng tốc độ biến đổi khí hậu. Theo kết quả nghiên cứu, một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có lượng phát thải lớn. Riêng khí CO2, theo thống kê, mỗi năm sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn, chiếm trên 30% cả nước. Trong đó, gần 70% CO2 phát thải từ các hoạt động trồng trọt

Sản xuất lúa nước chiếm 50% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp. Có nhiều nguyên nhân làm tăng lượng khí nhà kính phát thải trong sản xuất lúa, như sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, tỉ lệ bón phân chưa hiệu quả, thu hoạch rơm rạ chưa đúng cách…

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề án sản xuất bền vững lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26), Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Do đó, giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon là định hướng của ngành nông nghiệp Đắk Lắk trong thời gian tới. Từ đó, tạo được sản phẩm đầu ra chất lượng tốt hơn, tạo thương hiệu nông sản thân thiện với môi trường, tạo thu nhập ổn định cho nông dân và chuẩn bị sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon khi thị trường này hoạt động vào năm 2028.

"Tiêu dùng xanh hiện nay là một xu thế. Ngoài việc cung cấp dinh dưỡng, sản phẩm còn phải chứng minh có được từ việc phát triển bền vững, bảo đảm môi trường. Sản xuất theo hướng giảm phát thải khí nhà kính không chỉ phù hợp với xu thế tiêu dùng mới mà còn là cơ hội để nông dân bán tín chỉ carbon, tăng thu nhập" - ông Hà nhấn mạnh

Cam kết thu mua

Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Net Zero Carbon, cho biết doanh nghiệp đã sẵn sàng hợp tác với ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk và nông dân để triển khai mô hình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính, bán tín chỉ carbon trên diện tích 500 ha.

Theo ông Tiến, Net Zero Carbon cam kết năng suất ruộng lúa của mô hình này sẽ bằng hoặc cao hơn năng suất bình quân tại địa phương. Trường hợp nào thấp hơn năng suất bình quân tại địa phương, công ty sẽ bù sản lượng.

"Hiện nay, doanh nghiệp mới ra được báo cáo giảm phát thải. Tuy đây chưa phải là tín chỉ nhưng doanh nghiệp vẫn thu mua. Để thực hiện hiệu quả, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ có hợp đồng ràng buộc rõ ràng với HTX, nông dân khi tham gia mô hình" - ông Tiến khẳng định.

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ