Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đã xuất siêu 13,9 tỷ USD, tăng tới 71,2% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 66,8% tổng thặng dư của cả nền kinh tế.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm, nhóm nông sản xuất khẩu đạt 24,85 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản đạt 12,46 tỷ USD, tăng 20,3%; thủy sản đạt 7,23 tỷ USD, tăng 9,5%; chăn nuôi đạt 376 triệu USD, tăng 3,8%...
Trong đó, thành quả này có sự đóng góp lớn từ kim ngạch xuất khẩu ấn tượng của nhiều mặt hàng chủ lực như: cà phê 4,37 tỷ USD, tăng 39,6% dù lượng xuất khẩu giảm 10,5%; gạo 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% với sản lượng 7,01 triệu tấn, tăng 9,2%; hạt điều 3,17 tỷ USD, tăng 22,5%; rau quả 5,87 tỷ USD, tăng 39,4%; tôm 2,79 tỷ USD, tăng 10,5%; cá tra 1,36 tỷ USD, tăng 7,8%; hạt tiêu 1 tỷ USD, tăng 46,9%...
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực trong thời gian qua không chỉ có sự tăng trưởng về lượng mà giá xuất khẩu bình quân cũng ghi nhận đạt mức cao kỷ lục. Trong đó, cà phê tăng 56%, đạt 3.897 USD/tấn; hạt tiêu tăng 49,2%, đạt 4.941 USD/tấn; cao su tăng 19%; gạo tăng 13,1%...
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông nghiệp chủ lực 9 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Theo các chuyên gia, giá xuất khẩu tăng không chỉ đẩy kim ngạch lên cao, nâng mức xuất siêu toàn ngành mà quan trọng hơn là kéo theo giá nhiều nông sản trong nước liên tục lập đỉnh, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho nông dân.
Đồng thời, xuất khẩu tăng trưởng cũng tạo thêm động lực và lan tỏa rộng hơn của các mô hình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp tại các địa phương...
Những ẩn số với "trụ đỡ" của nền kinh tế
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, nếu giữ được tốc độ tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2024 có thể đạt cột mốc kỷ lục mới từ 60-61 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng lưu ý, ngành nông nghiệp có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, trong đó khó khăn nhất là cơn bão số 3.
Theo đó, cơn bão số 3 và mưa lũ đã gây thiệt hại cho lĩnh vực nông nghiệp ước tính trên 30.800 tỷ đồng. Trong đó, chăn nuôi và thủy sản là hai lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất sau bão.
Với thủy sản, đơn cử, ngành hàng cá tra đang đối mặt với nhiều khó khăn như giá nhiên liệu, giá vật tư, thức ăn tăng. Trong khi đó, suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm tại nhiều nước xuất khẩu dẫn đến giá bán cá tra nguyên liệu giảm, gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm.
Chưa kể, giá một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản nói chung vẫn còn ở mức cao. Đồng thời, chi phí logistics cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp.
Thêm vào đó, kết quả xuất khẩu quý IV của ngành thủy sản cũng sẽ phụ thuộc một phần vào kết quả thanh tra IUU từ EU và quyết định về thuế chống trợ cấp đối với tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Với ngành gỗ, chịu tác động lớn từ thiệt hại về rừng sau bão Yagi khiến nhiều cơ sở sản xuất chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại, cần phải đầu tư sửa chữa, khôi phục.
Ngoài ra, việc giá cước tàu biển có nhiều biến động cũng khiến các doanh nghiệp gặp thêm khó khăn... Việc giá cước vận tải biển tăng, khiến giá gỗ nguyên liệu đầu vào lên cao, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản phẩm đầu ra. Trong khi đó, nhà nhập khẩu nước ngoài đã chốt giá hoặc yêu cầu giảm giá thành sản phẩm.
Trị giá xuất khẩu (ĐV: triệu USD) của các mặt hàng nông nghiệp chủ lực kỳ 2 tháng 9 và kỳ 1 tháng 10. Nguồn: Tổng cục Hải quan. Tuấn Việt tổng hợp
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất từ Tổng cục Hải quan, lũy kế tới 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 315,91 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 41,89 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, ở nửa đầu tháng 10, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của cả nước chỉ đạt 16,15 tỷ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm 3,56 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 của tháng 9. Trong đó, trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 10 giảm mạnh ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,22 tỷ USD, tương ứng giảm 32,4%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 644 triệu USD, tương ứng giảm 23,9%...
Đáng chú ý, số liệu thống kê hải quan ghi nhận, trong số 8 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ở nửa đầu tháng 10, chỉ duy nhất nhóm hàng sắn và các sản phẩm từ sắn có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng so với kỳ liền kề.
Cụ thể, nửa đầu tháng 10, nhóm sắn và sản phẩm xuất khẩu được gần 30,3 triệu USD, tăng 14,1% so với ghi nhận của kỳ 2 tháng 9.
Trong khi đó, 7 nhóm hàng chủ lực khác - đều là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn hơn sắn lại đều sụt giảm trong nửa đầu tháng 10. Đơn cử, hàng thùy sản có kim ngạch đạt hơn 465,5 triệu USD, giảm hơn 12% so với kỳ 2 tháng 9. Mặt hàng rau quả có kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 10 đạt gần 296 triệu USD, giảm gần 35%...
Ở một góc độ, có thể thấy, số liệu trên đã phần nào phản ánh những ảnh hưởng tiêu cực mà bão số 3 đã tác động tới ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản. Trong bối cảnh chỉ còn hơn 2 tháng để về đích, việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu vượt mốc 60 tỷ USD đã đề ra sẽ phụ thuộc một phần không nhỏ vào tốc độ khôi phục sản xuất sau bão, cũng như diễn biến thời tiết trong thời gian còn lại của năm 2024.
Như Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, còn nhiều việc phải vượt qua, vì vậy cần tiếp tục động viên khôi phục sản xuất; đẩy mạnh các mô hình tốt của những tỉnh không bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, từ Bắc Trung bộ trở vào đến ĐBSCL; cố gắng chống buôn lậu để bảo vệ và thúc đẩy tăng trưởng; sắp tới sẽ đẩy mạnh chống buôn lậu tôm hùm giống.
“Muốn giữ được sản xuất trong nước thì phải cố gắng chống buôn lậu, siết lại nhập khẩu để thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt hiện chúng ta bắt nhịp vào thị trường Halal để có thể bước chân được vào sâu hơn đến thị trường 2,2 triệu dân đầy tiềm năng này”, ông Tiến nói.
BÌNH LUẬN