A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê: Những tổ chức tiên phong nâng cao giá trị cho cà phê Tây Nguyên

14:22 | 15/07/2020

Gần đây, được sự hỗ trợ từ dự án VnSAT, nhiều tổ chức nông dân ở Tây Nguyên có điều kiện đẩy mạnh sản xuất cà phê theo quy mô lớn, nâng cao giá trị.

Được dự án VnSAT hỗ trợ, các thành viên của Hợp tác xã hữu cơ Đăk Nông có điều kiện phát triển quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm. Ảnh: Minh Hậu.

Những vườn cà phê tái canh điển hình, cho hiệu quả cao

Niên vụ năm 2019, khi người dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên chịu nhiều rủi ro do giá cả giảm sâu thì các thành viên của HTX Hữu cơ Đăk Nông vẫn sống khỏe khi sản phẩm của họ bán được với giá cao.

HTX Hữu cơ Đăk Nông có địa chỉ tại xã Đăk R’Moan, thành phố Gia Nghĩa, Đăk Nông với 65 thành viên, diện tích sản xuất cà phê khoảng 145ha, hồ tiêu 111ha.

Ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX Hữu cơ Đăk Nông cho hay, HTX được thành lập vào tháng 10/2017 với 20 thành viên ban đầu. Trong quá trình phát triển, HTX nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ dự án VnSAT về các chương trình phát triển cà phê bền vững.

Theo ông Thạch, trước đây, khi chưa vào HTX, việc sản xuất cà phê của gia đình ông và người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Các sản phẩm làm ra không có điều kiện sơ chế, chế biến nên phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

“Hồi đó thường xuyên bị ép giá. Đặc biệt, các vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... cũng phải nhập hàng từ họ và chịu đắt hơn giá thị trường”, ông Thạch nhớ lại.

Từ khi HTX hình thành, được sự hỗ trợ từ dự án VnSAT, việc phát triển cây cà phê mới dần đi vào quy củ. Các vườn cây sẵn có được dự án hỗ trợ, thí điểm thực hiện các mô hình cà phê bền vững. Đối với diện tích cà phê già cỗi thì được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật để thành viên thực hiện tái canh.

Nhà kho, sân phơi được đầu tư xây dựng giúp nông dân Đăk Nông có điều kiện bảo quản, sơ chế cà phê sau thu hoạch. Ảnh: Minh Hậu.

Chính điều này đã hình thành nên những vườn tái canh điển hình, cho hiệu quả khác biệt với trước đây. Ông Thạch chia sẻ, điều hạnh phúc nhất của các thành viên đó là được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật mà dự án VnSAT mang lại.

Ông Phạm Hùng Vỹ, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Đăk Nông:

Tính đến nay, dự án đã hỗ trợ vay vốn tái canh cà phê 427 tỷ đồng, tương đương 1.103 khoản vay và tương đương 2.411ha cà phê.

Việc hỗ trợ tái canh đã giúp người dân mạnh dạn trong việc chuyển đổi, tái canh cà phê ở các diện tích già cỗi, hiệu quả kinh tế kém, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.

Năm 2018, HTX được dự án VnSAT hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm trên diện tích 13,5ha.

Đến năm 2019, VnSAT tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà kho 200m2, nhà máy sấy 120m2 và sân phơi rộng 1.000m2. Các trang thiết bị phục vụ sơ chế, chế biến cũng được hỗ trợ đầu tư. Đến nay, HTX đã có 6 máy chế biến ướt cà phê.

“Trong liên vụ 2019-2020 chúng tôi chưa vận hành hết công suất 6 máy chế biến ướt này do dự án hỗ trợ ở giai đoạn cuối mùa cà phê. Dự kiến, vụ cà phê năm 2020-2021 này sẽ hoạt động hết công suất và chất lượng cà phê được đảm bảo, nâng cao chất lượng, giá trị”, ông Thạch khẳng định.

Tại xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng, HTX Tân Nghĩa cũng đang có sự phát triển mạnh mẽ. Được thành lập theo chương trình dự án VnSAT, đến nay HTX có khoảng 120 thành viên, với diện tích cà phê ở vào khoảng gần 100ha.

Theo ông Nguyễn Minh Ngọc, thành viên ban điều hành HTX cho biết, những vườn cà được sự hỗ trợ từ dự án bao gồm tái canh, phát triển bền vững đều phát triển tốt, cho hiệu quả khả quan. Những vườn tái canh được thực hiện theo giống mới, kỹ thuật mới nên chỉ sau 2-3 năm là cây bước vào cho thu hoạch chính.

Đối với các mô hình phát triển cà phê bền vững, tuy dự án đã ngưng hỗ trợ nhưng các thành viên thấy được hiệu quả nên đã chủ động duy trì và mở rộng diện tích.

Nâng giá trị cà phê

Đến bên gốc cà phê trĩu quả, ông Nguyễn Xuân Vinh, thành viên HTX Tân Nghĩa, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng cho biết, vườn của gia đình được dự án VnSAT phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật Lâm Đồng hỗ trợ tái canh. Sau 3 năm, vườn cà già cỗi ngày nào đã được thay thế bằng lứa cà phê mới, chất lượng cao.

Sau 3 năm tái canh, vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Xuân Vinh ở xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng cho trái đầy cành. Ảnh: Minh Hậu. 

“Cây phát triển đồng đều, ít dịch bệnh và đặc biệt là cho trái rất nhiều. Hiện nay, với khu vườn này, tôi có thể liên kết với HTX để sản xuất cà phê chất lượng cao, nâng cao thu nhập”, ông Vinh thổ lộ.

Bản thân ông Vinh cũng rất hài lòng với vườn cây của gia đình khi được dự án VnSAT hỗ trợ. Số cà phê mới trên vườn được gia đình áp dụng là giống TR4 của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI). Ông dự đoán, năm nay, gia đình thu 3kg nhân/cây.

Ngoài diện tích dự án VnSAT hỗ trợ tái canh, gia đình ông cũng tự tái canh theo phương thức của dự án thêm 0,5ha. Khi vườn tái canh bước vào thu hoạch chính, gia đình sẽ thực hiện tái canh số diện tích còn lại.

Đối với HTX Hữu cơ Đăk Nông, nhờ có sự đồng hành của dự án nên việc sản xuất cà phê của HTX ngày càng tiến bộ.

Theo ông Phạm Văn Thạch, với cơ sở hạ tầng là nhà kho, sân phơi, máy sơ chế, HTX có thể thực hiện tốt khâu sơ chế để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Trong mùa vụ năm vừa rồi, nhờ thực hiện việc thu hoạch trái chín 100% và đưa về phơi trong nhà kính nên chất lượng nhân được đảm bảo.

Từ cơ sở sản xuất theo hướng hữu cơ kết hợp khâu sơ chế nên cà phê nhân của các thành viên HTX được các doanh nghiệp chế biến thu mua hết với mức giá 45.000-55.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao hơn so với cà phê truyền thống từ 10.000-20.000 đồng/kg.

Hiện nay, nhiều tổ chức nông dân có thể thực hiện sơ chế, chế biến cà phê để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Ảnh: Minh Hậu.

“Chúng tôi đã sản xuất, tự thực hiện sơ chế, chế biến nên đẩy được chất lượng và giá trị sản phẩm. Lợi nhuận từ cà phê vì thế cũng tăng từ 20-30% so với cách làm cũ.

Hiện nay, công nghệ được đảm bảo, chất lượng cà phê được nâng cao nên thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy giá lên. Khâu sản xuất, chế biến và bảo quản rất quan trọng nên chúng tôi sẽ tập trung đầu tư”, ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX Hữu cơ Đăk Nông chia sẻ.

Ông Nguyễn Phùng Hạnh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Lâm Đồng:

Ở hợp phần hỗ trợ tái canh cà phê bền vững, dự án đã hỗ trợ chứng nhận 11 vườn ươm đạt chuẩn tham gia dự án VnSAT với quy mô trên 57.000m2, năng lực sản xuất 3,2 triệu cây giống mỗi năm. Cây giống tại các cơ sở này đạt tiêu chuẩn xuất vườn trên 95%.

Dự án cũng triển khai các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, năng lực kỹ thuật cho cán bộ quản lý cấp phòng, khuyến nông viên cơ sở và chủ các vườn ươm tư nhân. Hàng năm, dự án cũng triển khai chương trình giám sát chất lượng nhân giống, giám sát quản lý bệnh tại các vườn ươm.

Vừa qua, dự án đã hỗ trợ nâng cấp vườn ươm nhà nước cho Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Lâm Đồng (trực thuộc WASI) có quy mô 4.000m2 với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng. Hiện nay, vườn này đã nghiệm thu, đi vào hoạt động với năng lực sản xuất 200.000 cây giống mỗi năm. Đơn vị này cung cấp giống tái canh niên vụ 2020 và những năm tiếp theo.

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ