A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phát triển nông nghiệp gắn với giá trị đặc sắc vùng Tây Nguyên

15:36 | 21/11/2022

Nông nghiệp Tây Nguyên thời gian tới sẽ phát triển theo hướng hiệu quả cao, xây dựng thương hiệu đặc sản, hàng hóa hữu cơ và gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm ảnh và gian hàng trưng bày nông sản Vùng Tây Nguyên. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị “Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị”, được tổ chức ngày 20/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã nêu một số định hướng cho phát triển nông nghiệp Tây Nguyên thời gian tới.

Trung tâm chế biến sâu

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản vùng Tây Nguyên luôn cao hơn trung bình cả nước (năm 2021, của vùng là 4,3%, toàn quốc khoảng 2,85%).

Toàn vùng có 342 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 58%), 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới, đa chiều 11%.

Giai đoạn đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là phấn đấu đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, trái cây, rau hoa, cá nước lạnh... có sức cạnh tranh cao trong nước và trên thế giới; bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng, là bệ đỡ giúp ổn định kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh của vùng Tây Nguyên. Do đó, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng.

Cùng với đó, việc bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ thiết yếu để bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, an ninh nguồn nước của vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của dân tộc đồng bào vùng Tây Nguyên.

Một định hướng quan trọng nữa là phát triển nông nghiệp sinh thái vùng bền vững, kết hợp với sản xuất nông sản chủ lực quy mô lớn với năng suất và chất lượng cao theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

"Cần quan tâm đến phát triển nông đặc sản trên cơ sở lợi thế so sánh về khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển sản xuất, chế biến nông sản gắn với thị trường, tăng cường chế biến sâu, chuyển đổi số... tạo động lực cho nông nghiệp vùng Tây Nguyên vươn lên tầm cao mới", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng cần có những giải pháp đột phá, tạo động lực cho nông nghiệp Tây Nguyên vươn lên tầm cao mới. Ảnh: VGP

Tháo gỡ rào cản thương mại

Để Tây Nguyên có thể trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực, Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm.

Về thị trường tiêu thụ, cần hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong nước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, gắn với chỉ dẫn địa lý và quảng bá, giới thiệu sản phẩm làm sao để tận dụng tối đa lợi thể sân nhà của thị trường rất lớn trong nước với quy mô gần 100 triệu dân.

Bên cạnh đó, mở rộng hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế nhằm tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng Tây Nguyên.

Đối với thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu; hướng tới các sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch với sản lượng lớn, chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Về phía các địa phương, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên cần đề xuất, tổ chức triển khai cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông sản.

Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng, vùng nuôi; thúc đẩy liên kết sản xuất, hình thành các chuỗi nông sản chủ lực từ nuôi trồng đến tiêu thụ. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương, cá nhân, đơn vị xây dựng, công nhận các sản phẩm OCOP.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ nghiên cứu chọn tạo và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch; chống chịu sâu bệnh, dịch bệnh; thích ứng với biến đổi khí hậu...

Tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới, đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản; thực hiện công nghệ tưới tiết kiệm nước. Nghiên cứu sản xuất, cải tiến các thiết bị, máy chế biến nông sản phục vụ sản xuất và chế biến sâu.

Bên cạnh đó còn một số giải pháp nữa cần quan tâm như đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi tại các vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và các công trình hạ tầng thiết yếu khác... Đầu tư kinh phí để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng; ưu tiên những khu vực trọng yếu, nhạy cảm về môi trường.

Tùng Đinh

Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/phat-trien-nong-nghiep-gan-voi-gia-tri-dac-sac-vung-tay-nguyen-d337705.html

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ