Rừng giao dân giữ bị mất dần: Ít tiền nên dân chê?
08:01 | 06/10/2015
Đi bộ cả ngày mới đến khu vực rừng được giao, ngủ lại đối diện với thú dữ, lâm tặc nhưng không được trả chi phí hoặc chỉ 100.000-200.000 đồng/ha/năm khiến người dân không mặn mà
Khi lý giải việc vì sao nhận giữ rừng mà để rừng mất dần, hầu hết các hộ được giao rừng ở các tỉnh cho rằng do rừng ở quá xa, đường đi khó khăn, lâm tặc thường chọn thời điểm chặt phá vào buổi tối nên việc mất rừng là “bất khả kháng”.
Tiền công không đủ mua gạo
Điển hình như 15 hộ ở thôn 3, xã Ea Bung (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) được giao quản lý, bảo vệ 117,4 ha rừng nhưng hiện chỉ còn lại hơn 4 ha. Ông Trương Công Uynh, nhóm trưởng, cho biết khi nhận khoán rừng, dân vui mừng vì sẽ được hưởng lợi từ việc khai thác gỗ nhưng do rừng được giao là rừng nghèo kiệt nên chẳng biết khi nào mới hưởng lợi.
Đã 8 năm giữ rừng nhưng nhóm không nhận được sự hỗ trợ nào cho việc quản lý, bảo vệ rừng, trong khi rừng nằm cách xa 20 km nên phải 3 tháng mới tổ chức được 1 chuyến tuần tra. “Rừng mất gần hết nhưng vẫn phải đi tuần tra để giữ lại đất cho nhà nước” - ông Uynh nói.
Bà Vi Thị Hoa - bản Mờ, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu - kể về những khó khăn, vất vả khi nhận chăm sóc, bảo vệ rừngẢnh: Đức Ngọc
Theo ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung, dân nhiều nơi đổ về xã này khai thác lâm sản, xâm chiếm đất rừng làm rẫy nên áp lực của việc giữ rừng là rất lớn. Đặc biệt, nhiều nhóm đối tượng rất hung hãn, manh động trong khi người dân không có công cụ hỗ trợ nào.
Giải thích về việc dân giữ rừng mà không được trả chi phí, ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, cho biết năm 2006, tỉnh giao chỉ tiêu giao khoán rừng, huyện đã rà soát đối tượng và diện tích rừng, có phương án giao khoán nhưng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ không có nhu cầu nhận rừng, huyện xin đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao rừng cho dân có nhu cầu nhưng ngoài đối tượng ưu tiên và đề xuất này được chấp thuận. Tuy nhiên, những hộ này không nhận được các chính sách hỗ trợ nên thực tế chỉ là giao trách nhiệm chứ quyền lợi thì chưa có gì.
Ông Nguyễn Đức Kiểm (ngụ xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), chủ nhóm hộ được cho là để mất rừng giao khoán, cho biết nhóm của ông mỗi tháng kiểm tra rừng 1 lần nhưng kinh phí được nhận quá ít, không có quyền hành gì. “Với lại, vì là dân địa phương với nhau nên khi đi tuần tra giáp mặt với những người khai thác trộm gỗ cũng mất lòng nhau, họ nói ghê lắm. Một số anh em thấy quá mệt mỏi nên đã xin nghỉ” - ông Kiểm nói.
Cùng ngụ chung xã Tam Sơn, ông Nguyễn Lương Đào (ngụ thôn Mỹ Đông) cho biết nhóm của ông gồm 12 người nhận hơn 82 ha rừng với số tiền 164.000 đồng/ha/năm, tính ra mỗi năm cả nhóm chỉ được hơn 13 triệu đồng mà phải bảo vệ diện tích rừng lớn, địa hình xa.
“Khổ lắm, sáng đi anh em đem mì gói theo để ăn, chiều mới về mà được có mấy chục đồng bạc. Đi về thì anh em cũng uống miếng nước hoặc chút rượu rồi, cũng chẳng còn đưa về cho gia đình đồng nào. Vợ con lại nói ra nói vô trong khi ở nhà đi làm mướn cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng/ngày” - ông Đào than thở.
Ở bản Mờ (xã Châu Bính, huyện miền núi Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An), chị Lô Thị Hà chia sẻ: “Nhà mình nghèo nhất bản nên được ưu tiên cho nhận 6 ha rừng để chăm sóc, bảo vệ. Để vào tới rừng mà ban quản lý rừng phòng hộ giao phải đi bộ mất 3-4 giờ, vượt qua nhiều khe suối sâu, dốc đứng. Những hôm có tin người dân nơi khác đến chặt phá rừng thì mình phải ở lại trong rừng cả ngày để bảo vệ. Nguy hiểm, vất vả thế nhưng một năm chỉ được trả 200.000 đồng/ha, cả năm chăm sóc bảo vệ 6 ha rừng chỉ được 1,2 triệu đồng”.
Bà Vi Thị Hoa, cùng ngụ bản Mờ, chua chát: “Nhà có 8 khẩu, là hộ nghèo nên được giao chăm sóc và bảo vệ 16 ha rừng từ năm 2012 tới nay. Một năm nhà nước trả cho 3,2 triệu đồng tiền công, tính ra không đủ tiền mua gạo cho những lần đi kiểm tra rừng”.
Bà Vi Thị Gương, Trưởng bản Mờ, cho biết: “Trong bản, những hộ được giao chăm sóc, bảo vệ rừng chủ yếu là hộ nghèo. Rừng được giao cho dân có nơi gần đi bộ khoảng 3-4 giờ, nơi xa phải đi bộ 2-3 ngày mới tới mà tiền công trả cho người chăm sóc và bảo vệ rừng thấp nên đời sống của người dân vốn khó khăn, vất vả nay được nhận rừng cũng không cải thiện được mấy”.
Bị đe dọa, đuổi đánh liên tục
Ông Lữ Văn Nam (ngụ xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) kể: “Nhận mỗi hecta rừng 1 năm chỉ được 200.000 đồng. Đã nhận thì phải chăm sóc, bảo vệ nhưng đâu đơn giản. Nhiều hôm, đi tuần rừng gặp lâm tặc đe dọa, đuổi đánh là chuyện bình thường”.
Ông Lang Xuân Chính, Chủ tịch UBND xã Châu Bính, cho biết cả xã hiện có hơn 330 hộ dân được giao chăm sóc và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, đời sống của những hộ dân được giao chăm sóc, bảo vệ rừng đều rất khó khăn vì tiền công quá ít. Ông Chính nói: “Tiền công ít như vậy thì rất khó để bắt dân phải làm hết trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng”.
Tệ hơn nữa, tại tỉnh Thanh Hóa, số tiền trả cho người nhận giữ rừng còn bị cắt giảm, chỉ còn hơn 100.000 đồng/ha/năm.
Một người dân thuộc xã Xuân Thái, huyện Như Thanh, từng được Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Xuân giao bảo vệ khoảng 10 ha rừng, nói: “Bình thường, công lao động phổ thông của chúng tôi cũng 150.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày nhưng trông coi cả chục hecta rừng 1 năm mà được có mấy triệu đồng còn phải suốt ngày tuần tra, bảo vệ, không giữ được thì bị quy trách nhiệm”.
Giải thích về việc này, ông Lê Văn Mơn, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, cho biết mỗi năm, tỉnh này được trung ương hỗ trợ khoảng 23 tỉ đồng tiền trông coi, bảo vệ rừng. Do diện tích rừng nhiều nên số tiền chi thực tế cho dân chỉ còn khoảng hơn 100.000 đồng/ha/năm. “Quy định 200.000 đồng/ha cũng là quá ít. Tiền hỗ trợ thấp nên người dân không mặn mà với việc bảo vệ rừng là có, còn việc trả lại rừng thì chưa ghi nhận trường hợp nào” - ông Mơn khẳng định.
(* ) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-10
Kỳ tới: Không thể khoán trắng cho dân
Chăm sóc, bảo vệ 1 ha rừng cả năm không đủ mua nổi ký thịt bò thì đừng đòi hỏi quá nhiều ở dân. Họ nhận rừng, có ý thức bảo vệ, không tự ý vào chặt phá rừng là tốt rồi” - ông Lang Xuân Chính, Chủ tịch UBND xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, nói.
nguồn: Nld.com.vn
CÁC TIN KHÁC
- Ban Pháp chế HĐND tỉnh sơ kết công tác quý III (17/10/2015)
- Đề nghị nghỉ Tết Bính Thân 9 ngày (16/10/2015)
- Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI (14/10/2015)
- Những kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội Đắk Lắk 5 năm qua (13/10/2015)
- Rừng giao dân giữ bị mất dần: Không thể khoán trắng cho dân (07/10/2015)
- Bão số 4 hướng thẳng vào vịnh Bắc Bộ, càng gần bờ càng mạnh (02/10/2015)
- Máy bay thủng chóp radar vì đâm phải chim (01/10/2015)
- Nhiều nỗi lo ở vùng biên giới (24/09/2015)
- Chuyển mạng vẫn giữ nguyên số điện thoại (23/09/2015)
- Mỗi người sẽ có một mã số theo dõi lịch tiêm chủng suốt đời (23/09/2015)
- Bãi bỏ 11 loại giấy tờ thủ tục cấp BHXH, BHYT (22/09/2015)
Phát động Cuộc thi sáng tạo nội dung số tuyên truyền Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột trên môi trường mạng
Cuộc thi sáng tạo nội dung số tuyên truyền Lễ hội Cà phê trên môi trường mạng trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 được diễn ra từ tháng 1 đến tháng 2/2025.
- Đắk Lắk đề nghị các địa phương hỗ trợ truyền thông về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9
- Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hứa hẹn có nhiều điểm mới, đặc sắc tại Lễ khai mạc và Lễ hội đường phố
- Xét chọn doanh nghiệp thực hiện truyền thông Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9
- Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn
- Giá cà phê hôm nay 8-1: Đồng loạt tăng mạnh, Robusta trở lại mốc 5.000 USD/tấn
- Giá cà phê hôm nay 7-1: Biến động trái chiều và con số bất ngờ từ khối ngoại
- TP. Buôn Ma Thuột: Mỗi xã, phường chọn ít nhất 1 điểm để xây dựng bãi đỗ xe
- Phấn đấu thành lập mới 60 hợp tác xã trong năm 2025
- Công an huyện Ea H’leo: Bắt giữ một phụ nữ có hành vi cho vay lãi nặng
- Phát động Cuộc thi sáng tạo nội dung số tuyên truyền Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột trên môi trường mạng
- Giải cứu 2 cháu nhỏ đang ngủ trong căn nhà bốc cháy, 1 cán bộ bị thương
- Đắk Lắk có 4 cá nhân và 2 tập thể đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương
- Giá cà phê hôm nay 6-1: Giá liên tục giảm, “ông trùm” cà phê nói gì?
- Huyện Krông Ana sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp đêm Giao thừa chào xuân Ất Tỵ 2025
BÌNH LUẬN CỦA BẠN
BÌNH LUẬN