A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Thực phẩm bẩn bủa vây người dân

08:00 | 13/11/2015

Thịt nhiễm độc, rau nhiễm thuốc trừ sâu, cá bị tồn dư kháng sinh... đang hiện diện trong bữa ăn hằng ngày của người dân, trong khi các cơ quan chức năng chưa có cách ngăn chặn hữu hiệu

Chưa khi nào các cụm từ “rau sạch”, “rau an toàn” “thực phẩm sạch”, “đặc sản quê”... lại được người dân quan tâm như hiện nay. Nhiều người dân sống ở thành thị phải tự trồng rau trước cửa nhà, tầng thượng hoặc tự chế biến thức ăn cho gia đình do mất niềm tin với thực phẩm ở chợ, thậm chí ở cả siêu thị.

Loại nào cũng nhiễm độc

Việc sử dụng tràn lan chất cấm trong chăn nuôi tại một số địa phương như TP HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Nghệ An... thời gian qua đã khiến người dân bức xúc.

Số liệu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông thủy sản 9 tháng năm 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cho thấy tỉ lệ vi phạm đáng báo động. Cụ thể, 16% mẫu thịt phát hiện có vi khuẩn Salmonella; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức; 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng/vượt ngưỡng cho phép.

Cùng thời gian, Chi cục Thú y TP HCM xét nghiệm ngẫu nhiên 159 mẫu thịt heo, phát hiện 37 mẫu tồn dư kháng sinh Tetracycline vượt mức; 26 mẫu tồn dư kháng sinh Sulfadimidin và 3 mẫu dương tính với chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi là Salbutamol. Ngoài ra, đơn vị này còn phát hiện gần 28% mẫu thịt gà tồn dư kháng sinh Enrofloxacin và Flofenicol là những chất cấm trong chăn nuôi.

Một cơ sở sản xuất chà bông mất vệ sinh tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM Ảnh: Ngọc Ánh

Một cơ sở sản xuất chà bông mất vệ sinh tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM Ảnh: Ngọc Ánh

Với thực phẩm chế biến, nhiều cơ sở không đầu tư điều kiện sản xuất để bảo đảm ATTP, mua nguyên liệu trôi nổi và lạm dụng phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc để hạ giá thành. Cuối tháng 10 vừa qua, khi kiểm tra một cơ sở sản xuất chà bông không phép gần chợ Vĩnh Lộc A (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM), cán bộ Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh không khỏi rùng mình bởi cách chế biến kinh khủng ở đây. Toàn bộ chà bông thành phẩm và bán thành phẩm được đổ dưới nền nhà, ruồi nhặng bu đầy. Để có giá bán siêu rẻ, chỉ từ 45.000 đến 70.000 đồng/kg, chủ cơ sở cho thịt gà độn 2 lần bột mì và sử dụng đường hóa học.

“Thực tế trên khiến người tiêu dùng rất bất an vì phần lớn các loại nông sản thực phẩm trên đều đã được đưa tiêu thụ hết trước khi có kết quả xác định là không an toàn. Mỗi khi mua thực phẩm, người tiêu dùng không biết mình được “khuyến mãi” thêm độc chất nào” - một cán bộ đoàn kiểm tra thất vọng.

Quản lý không xuể

Đề cập thực trạng trên, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế, thừa nhận có không ít nguy cơ mất an toàn thực phẩm khi hiện nay có đến 85% cơ sở chế biến, sản xuất là vừa và nhỏ. Nhiều cơ sở tuy đã được cơ quan quản lý cấp chứng nhận an toàn nhưng trong quá trình kinh doanh không thực hiện nghiêm túc, lợi dụng chứng nhận này để cho ra lò thực phẩm bẩn. Hoặc có cơ sở được cấp chứng nhận rau an toàn nhưng khi bán lại trộn lẫn rau không rõ nguồn gốc.

“Nếu không có sự tự giác của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thì cơ quan quản lý rất khó giám sát. Một cơ sở có thể sản xuất suốt ngày đêm, cơ quan chức năng không thể trông chừng 24/24 giờ” - ông Phong cho biết.

Để phần nào đề phòng thực phẩm bẩn, ông Phong khuyến cáo người tiêu dùng phải kiên quyết không tiêu thụ sản phẩm không rõ xuất xứ. Điều này vừa là quyền vừa là trách nhiệm của người tiêu dùng: Sử dụng sản phẩm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và tố giác, đấu tranh với hành vi vi phạm. “Một cuộc điều tra xã hội học do Hội Nông dân và Hội Phụ nữ thực hiện, hỏi: Vì sao người dân phát hiện thực phẩm bẩn mà không đấu tranh? Có tới gần 85% người dân trả lời là ngại va chạm. Nguyên nhân của vấn đề này là do mối quan hệ họ hàng, tình làng nghĩa xóm hay do nể nang. Cần phải thay đổi quan niệm này để bảo vệ mình và người khác” - ông Phong nói.

Ông Trần Văn Châu, Trưởng Phòng Công tác thanh tra  Cục ATTP, cho rằng các văn bản và chế tài xử lý các sai phạm trong lĩnh vực ATTP khá đầy đủ. Cái khó chính là ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Câu chuyện nông dân trồng 2 luống rau, một luống để ăn và một luống để bán đã minh họa rất rõ vấn đề này.  

Phạt gấp 7 lần số hàng vi phạm

Theo Cục ATTP, quy định mới trong lĩnh vực ATTP cho phép phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Ví dụ, một doanh nghiệp được cấp chứng nhận an toàn 1 tạ hàng hóa nhưng lợi dụng làm đến 1 tấn thì 9 tạ hàng hóa này sẽ bị phạt gấp 7 lần, tức 6,3 tấn. Đây là mức phạt rất cao, vấn đề là cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc.

 

Nhóm phóng viên

 

    Nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ