A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhận trả kết quả qua bưu điện: Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

09:17 | 17/05/2016

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến các Bộ, ngành về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu điện....

... Nếu triển khai việc nhận, trả kết quả TTHC qua bưu điện sẽ góp phần tiết kiệm 1.602 tỷ đồng. Bên cạnh đó việc nhận, trả kết quả qua bưu điện sẽ hạn chế đáng kể tình trạng tiêu cực.

Nhận và trả kết quả TTHC qua bưu điện, giảm bớt vất vả cho người dân.

Nhận, trả kết quả TTHC qua bưu điện

Thời gian qua, cải cách TTHC, đã được người dân, doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Nguyên nhân do việc tiếp nhận, giải quyết chủ yếu mang tính thủ công, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động này còn hạn chế, nên chủ yếu người có nhu cầu làm TTHC phải đến trực tiếp cơ quan giải quyết TTHC nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết.

Tiếp đó, việc phải đến trụ sở cơ quan giải quyết TTHC để nộp hồ sơ và nhận kết quả cũng trở thành một áp lực không chỉ đối với người thực hiện TTHC mà còn áp lực đối với cả cơ quan giải quyết TTHC. Mặt khác, việc phải đến trụ sở cơ quan giải quyết TTHC để nộp hồ sơ và nhận kết quả của người thực hiện thủ tục cũng làm mất thời gian, công sức cũng như chi phí nhất là đối với những người ở vùng sâu, vùng xa, địa hình cách trở, đi lại khó khăn.

Từ thực trạng trên, để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, khảo sát về việc triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện. Từ chỉ đạo và thực tiễn nghiên cứu, Bộ Tư pháp đã xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện. 

Người dân và doanh nghiệp hưởng lợi 

Theo Bộ Tư pháp, nếu triển khai sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế cũng như lợi ích xã hội. Cụ thể hiện nay,  mỗi ngày trên toàn quốc có tối thiểu 600.000 giao dịch liên quan tới TTHC. Theo hình thức truyền thống, người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp gặp cán bộ giải quyết thủ tục hành chính hoặc bộ phận một cửa để thực hiện theo đúng hướng dẫn.

Sau một thời gian có kết quả, người dân và doanh nghiệp lại mất thời gian đến cơ quan giải quyết thủ tục hành chính để lấy kết quả. Tuy nhiên, nếu sử dụng dịch vụ trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện, người dân có thể đến điểm giao dịch bưu điện gần nhất hoặc nhân viên bưu điện sẽ tới tận địa chỉ khách hàng đăng ký để mang hồ sơ đó nộp cho cơ quan giải quyết thủ tục hành chính.

Khi có kết quả, bưu điện sẽ nhanh chóng mang trả kết quả cho người dân và doanh nghiệp. Đáng chú ý việc triển khai phương thức này cũng góp phần hạn chế nguy cơ tham nhũng, thúc đẩy sự phát triển của loại hình dịch vụ công ích, đồng thời thúc đẩy sự phát triển chung cho cả cộng đồng, xã hội.

Theo tính toán sơ bộ, riêng năm 2015, gần 9 triệu dân đã thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến: cấp chứng minh nhân dân, cấp Phiếu lý lịch tư pháp, hộ chiếu, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội thì tổng chi phí khi trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nơi giải quyết thủ tục hành chính là trên 1.836 tỷ đồng; nhưng nếu sử dụng dịch vụ của Bưu điện thì chi phí xã hội chỉ phải bỏ ra là trên 234 tỷ (bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính), tiết kiệm 1.602 tỷ đồng.

Theo Bộ Tư pháp, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính là cần thiết. Điều này cũng phù hợp với quy định của Chính phủ tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước: “Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng”; chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử: “phấn đấu đến hết năm 2016 một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4)”, cũng như phù hợp với mục tiêu “30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 4” trong lĩnh vực hiện đại hóa hành chính tại Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020.  

 Nguyễn Đào

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ