A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xã Ea Hồ cần lắm một nghĩa trang

07:32 | 23/11/2013

Thiếu đất quy hoạch nghĩa trang, buộc hầu hết người dân xã Ea Hồ (Krông Năng) phải tiến hành mai táng người thân ngay tại vườn nhà mình.

Thực trạng đó tồn tại đã lâu, không những ảnh hưởng đến đời sống tâm linh mà còn tác động xấu đến môi trường sống của người dân sở tại.

Những ngôi mộ nằm cách khu nhà ở của người dân khoảng chừng 50 mét.

Xã Ea Hồ có 19 thôn, buôn, với 2.262 hộ, 11.000 nhân khẩu, trong đó có đến 14 thôn, buôn nghĩa trang không đủ để mai táng người mất. Theo chân anh Y Siu Mlô, trưởng buôn Trang đến các ngôi mộ trong vườn nhà, mặc dù có người dẫn đường, chúng tôi cũng không tránh khỏi cảm giác lạnh lẽo, rờn rợn trong người. Đến hộ ông Y Bliu Mlô – là một trong những gia đình có đến 4 ngôi mộ chôn cất trong vườn cà phê. Ông kể, gia đình ông sinh sống tại buôn Trang từ trước năm 1975 đến giờ, cả nhà có 4 người mất, nhưng không có nghĩa địa nên phải chôn cất tại vườn. Tất cả các ngôi mộ của người thân trong gia đình, to có nhỏ có, ngôi của người lớn tuổi nhất là mẹ vợ và nhỏ nhất của người cháu nội chưa đầy 1 năm tuổi. Theo ông, việc chôn cất, mai táng trong vườn nhà làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của mọi người xung quanh. Đơn cử như, ở gần khu vực vườn gia đình ông có một bến nước – đây là nơi trước đây bà con trong buôn thường đến lấy nước về uống, từ ngày có nhiều ngôi mộ mọc lên, bà con không dùng nước nữa, vì sợ nguồn nước bị ô nhiễm. Giờ đây, bến nước buôn Trang cỏ mọc um tùm, vắng bóng người qua lại, mặc dù nó rất gần với khu dân cư. Đặc biệt, vào các ngày giỗ, giáp tết…, khói hương bay nghi ngút, khói lửa từ việc đốt vàng mã bao trùm cả khu vườn, bay vào khu dân cư, rất ngột ngạt, khó thở. Cách 4 ngôi mộ của gia đình ông Y Bliu khoảng chừng 1 mét, là ngôi mộ con trai ông Y Bling Niê còn nghi ngút khói hương, với những bình hoa cúc còn tươi mới. Ông cho biết, con trai ông mới mất hồi tháng 10-2013 do căn bệnh ung thư máu, vẫn biết nếu chôn cất tại vườn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, nhưng do không có chỗ nào chôn cất nên buộc gia đình phải nhắm mắt làm liều.

Theo tìm hiểu, ở một số thôn, buôn trên địa bàn xã đã có nghĩa địa tập trung, nhưng do diện tích quá nhỏ nên không đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Chẳng hạn, buôn Su có trên 400 khẩu, nhưng nghĩa địa trong buôn chỉ chôn cất được khoảng 40 người chết. Như vậy, diện tích của nghĩa địa mới chỉ đáp ứng khoảng 1/10 nhu cầu thực tế. Chưa kể, dân số sẽ tăng dần theo từng năm, khiến tình trạng này ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết. Anh Y Siu Mlô lo lắng, trong khi quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, nhu cầu chôn cất người chết lại tăng dần lên, nhiều ngôi mộ mọc lên san sát, chỉ cách nhà ở khoảng chừng 50 đến 100 mét, có ai dám chắc rằng nguồn nước ở đây không bị ô nhiễm. Bởi ở khu vực nông thôn, đa số người dân dùng nước giếng sinh hoạt, không hề qua xử lý, nguy cơ bệnh tật sẽ rất cao.

Vấn đề này đã được người dân phản ánh, kiến nghị lên chính quyền địa phương và các sở, ngành cấp trên trong nhiều năm qua, nhất là tại các buổi tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, về phía chính quyền địa phương, ông Y Sool Mlô, Chủ tịch UBND xã Ea Hồ cho biết, xã vẫn biết đó là nhu cầu bức thiết của người dân, nhưng hiện nay quỹ đất của xã không còn chỗ trống để bố trí quy hoạch xây dựng nghĩa trang tập trung. Thời gian tới, xã sẽ kiến nghị với Công ty TNHH Một thành viên cao su Krông Buk (doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã) bố trí một phần đất để xã quy hoạch nghĩa trang tập trung, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần xây dựng xã Ea Hồ có môi trường cảnh quang xanh-sạch-đẹp, xứng đáng là một xã văn hóa của huyện nhà.

Hoàng Tuyết

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ