A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đi tìm di tích trên đường mòn Hồ Chí Minh

23:12 | 02/02/2014

Những ngày cuối năm 2013, khi mọi người đang hối hả lo hoàn tất mọi công việc của năm cũ để bước sang năm mới thì anh em chúng tôi tất bật chuẩn bị cho cuộc hành trình đi tìm lại những di tích trên đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Dak Lak.

Theo thông tin mà Trung tâm Quản lý di tích tỉnh có được, di tích cần tìm và xác minh nằm trên địa bàn huyện Buôn Đôn, cụ thể là khu vực Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Đại tá – Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá dẫn đầu hành trình xác minh điểm di tích lịch sử trên đường mòn Hồ Chí Minh
Đại tá – Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá dẫn đầu hành trình xác minh điểm di tích lịch sử trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Người quan trọng nhất sẽ làm nhiệm vụ xác minh di tích trong cuộc hành trình chính là nhân chứng - Đại tá, Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470. Sau vài lần lên lịch, sắp xếp, đến ngày 15-11-2013, kế hoạch mới có thể thực hiện. Chủ trì cuộc hành trình là Trung tâm Quản lý di tích tỉnh. Thành phần của đoàn có thể nói là rất đầy đủ, tổng cộng 21 người, gồm đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Vườn Quốc gia Yok Đôn. Thay mặt cho chính quyền địa phương, đích thân Chủ tịch và một Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cùng Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Bí thư Đảng ủy xã Krông Na đã tham gia với đoàn. Thấy đoàn công tác đông đủ, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích tỉnh Y Ben hồ hởi:

- Thật hiếm khi có dịp tìm kiếm di tích lại đông đủ thành phần như thế này. Đây là điều kiện thuận lợi để cùng với nhân chứng, Trung tâm sẽ có thêm những thông tin bổ trợ quan trọng, làm cơ sở cho việc thu thập chứng cứ rõ ràng cũng như hoàn tất các thủ tục khi tìm và xác định được di tích.

Ảnh hưởng của cơn bão số 15, trời Buôn Đôn mờ mịt trong mưa. Hành trình tìm di tích đã sôi nổi ngay từ trên xe ô tô với những phỏng đoán xác định vị trí di tích của các thành viên trong đoàn thông qua những câu chuyện mỗi người thu thập được. Là “thổ địa” quản lý địa bàn, ông Y Ka, Bí thư Đảng ủy xã Krông Na còn cẩn thận chuẩn bị sẵn một tấm bản đồ tự phác khá chi tiết từ đường, cầu đến suối để dễ chỉ dẫn cho đoàn. Gần 100 cây số từ xã Krông Na, huyện Buôn Đôn vào sâu trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn, đi qua buôn Drăng Phôk, cả đoàn ba lần dừng xe, lội bộ, băng rừng đến sát sông Sêrêpôk để đến những địa điểm được dự đoán có thể là di tích nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh. Nhưng cả ba lần, nhân chứng chính của cuộc tìm kiếm - Đại tá, Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá vẫn chưa gật đầu chắc chắn. Mọi người lại tiếp tục hành trình, không một lời ca thán, cũng chẳng một lời đề nghị nghỉ chân uống nước. Bước chân ai cũng nhanh nhẹn, dù đường đi khó khăn hơn dưới cơn mưa rừng. Có thể ai cũng háo hức, hồi hộp muốn sớm tìm được địa điểm di tích hay chính những câu chuyện về ý chí, tinh thần thép của bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa đã tiếp thêm sinh lực, khiến chúng tôi không biết mệt và đói.

Địa điểm bến cầu nổi bắc qua sông Sêrêpôk năm xưa.
Địa điểm bến cầu nổi bắc qua sông Sêrêpôk năm xưa.

-  Vinh hạnh lắm khi được tham gia hoạt động ý nghĩa này. Có thấm tháp gì, lội bộ đã ăn thua gì so với bộ đội Trường Sơn trước đây: băng rừng, lội suối, gánh, gùi, thồ hàng, chi viện cho miền Nam - có đôi tiếng thì thào trong đoàn, vừa như để bày tỏ sự cảm phục, tự hào, vừa động viên, khích lệ tinh thần mọi người cố gắng.

Lần dừng xe thứ tư, đã hơn 12 giờ trưa, mưa mỗi lúc nặng hạt hơn nhưng chẳng ai than nửa lời. Đến con đường cuối dùng phân định biên giới Việt Nam - Campuchia, nằm ngay sát Đồn Biên phòng Sêrêpôk, nhân chứng của cuộc hành trình - Đại tá, Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá thốt lên:

- Đây rồi!.

Xe vừa mở cửa, ông phăng phăng đi về phía bờ sông Sêrêpôk, ngồi sát mép nước, mắt chăm chú, tay mân mê chiếc cọc gỗ đã mọc rêu, cao hơn mặt đất khoảng 20 cm. Rồi ông lại gần một chiến sĩ biên phòng hỏi:

- Đối diện phía bên kia sông có con suối Dak Đam phải không cháu?

Anh chiến sĩ gật đầu. Hình như chỉ đợi có vậy, giọng ông Bá chắc nịch:

-  Thưa mọi người, đây là bến cầu nổi nằm trên hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Mọi người nhìn xem, đối diện bên kia sông vẫn còn con đường mòn, gần khu vực đường mòn bên đó có con suối Dak Đam. Còn chiếc cọc gỗ này là dấu tích còn lại của mố cầu đã được xây dựng cách đây 38 năm!

Câu chuyện của 38 năm về trước được lật giở. Ngày ấy ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 thuộc Đoàn 559 và được trực tiếp tham gia chỉ huy thi công làm điểm đường, cầu ở vị trí này để thông đường, mở tuyến cho bộ binh và các phương tiện vận tải chuyên chở lương thực, vũ khí vào Nam chuẩn bị tổng công kích. Cầu nổi có cái tên LPP bắc qua sông, khi đó dài khoảng 80 m và một điều đặc biệt là được làm toàn bộ bằng cách ghép những chiếc thuyền sắt vào nhau, mặt cầu được làm bằng gỗ. Chiếc cầu nổi này hoàn thành có sự giúp sức đắc lực của các chuyên gia Liên Xô. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chiếc cầu nổi lại được di chuyển đến vị trí khác, bởi vậy mà dấu tích để lại gần như không còn gì.

Mọi người thi nhau chụp hình. Nếu theo khẳng định của nhân chứng, hành trình tìm kiếm và xác minh điểm di tích trên đường mòn Hồ Chí Minh qua địa bàn Dak Lak có thể nói đã thành công. Trên đường về, tôi để ý hơn đến đôi mắt của Đại tá Lê Xuân Bá, bởi tôi đã bắt gặp cái nhìn xa xăm, ngân ngấn nước trong đôi mắt ấy. Gặp lại ông một ngày sau cuộc hành trình, tôi hạnh phúc được ông cho đọc những dòng nhật ký:

Hôm nay, ngày 15-11-2013 tôi đến nơi biên giới Việt Nam - Campuchia, cách đây 38 năm để lại mốc di tích lịch sử điểm vượt sông Sêrêpôk mà đường Hồ Chí Minh vượt qua. Ngồi trên xe mà đầu óc quay cuồng suy nghĩ đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh xe anh qua. Vượt qua bao dốc, bao đèo, bao sông suối, gian khổ ác liệt lắm, địch đánh, ngăn chặn, ta cứ đi. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã góp phần quyết định giải phóng miền Nam, Bắc Nam sum họp một nhà năm 1975.

Rừng núi, sông suối, bến bãi thay đổi theo thời gian quá nhiều do con người và khắc nghiệt của thiên nhiên. Tôi đi tìm dấu tích lịch sử với một trái tim người lính Cụ Hồ có trách nhiệm với lịch sử vẻ vang của dân tộc, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Trời mưa tầm tã bởi cơn bão số 15, thế mà ai nấy đều cứ đi băng băng không quản khó khăn, mệt nhọc, ướt át. Đi mãi rồi cũng đến. Đây rồi đường 6m, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, sau Hiệp định Paris năm 1973 ta mở nối liền từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam. Xuống bến vượt sông Sêrêpôk, cái cọc đóng bằng gỗ rừng, gỗ cà chít để làm mố cầu 38 năm còn lại cao hơn mặt đất 20 cm đã phong rêu, bào mòn qua thời gian. Tôi phấn khởi trong lòng thì tự nhiên tôi lại nhớ đến hàng trăm đồng chí đồng đội của mình đã hy sinh trên tuyến đường này, trọng điểm này. Chính các đồng chí đã đưa tôi đến tìm thấy dấu tích này cách đây 38 năm về trước, đường Trường Sơn, cầu nổi cho xe ô tô qua, ngầm cho xe tăng lội.

Về lại bến cầu nổi LPP bắc qua sông Sêrêpôk thời chiến tranh chống Mỹ, đây là cầu nổi, kia ngầm qua sông. Tôi nghĩ ngay đến mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Chấp hành mệnh lệnh, các quân chủng pháo binh cơ giới hạng nặng nườm nượp băng qua sông, qua cầu thẳng tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam ngày 30-4-1975.

38 năm trở lại chiến trường xưa, dòng sông Sêrêpôk vẫn hiền hòa chảy về  nước bạn Campuchia, đất nước mà tôi đã từng mở đường phục vụ chiến đấu góp phần nhỏ bé vào giải phóng đất nước chùa Tháp. Tại bến này cách mép nước 200m có biển cắm mốc viết bằng hai thứ tiếng Việt và tiếng Campuchia: “Vành đai biên giới”.

Các thế hệ người Việt Nam bây giờ có nghĩa vụ bảo vệ biên giới và tôn tạo chiếc cọc gỗ cà chít còn lại cao hơn mặt đất tự nhiên 20 cm, đó là chiếc cọc di tích bến vượt lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mà các thế hệ đi trước đã có công giải phóng đất nước đưa Nam Bắc sum họp một nhà”.

Đường Trường Sơn qua đèo Chư Poong, tỉnh Gia Lai năm 1974.  Ảnh: T.L
Đường Trường Sơn qua đèo Chư Poong, tỉnh Gia Lai năm 1974. Ảnh:T.L

Tôi rưng rưng xúc động. Chợt nhớ đến chương trình mà Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích tỉnh Y Ben từng giới thiệu: Sau khi đi tìm kiếm, xác minh, nếu chính xác Trung tâm sẽ hoàn tất các thủ tục để đề nghị các cấp xem xét công nhận đây là điểm di tích trên đường mòn Hồ Chí Minh. Tôi chắc rằng Đại tá Lê Xuân Bá cũng háo hức đón đợi thông tin này lắm!.

Ghi chép của Đàm Thuần

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ